Trong bức ảnh do Cơ quan báo chí Bộ Ngoại giao Nga công bố, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trái, bắt tay với Ngoại trưởng Bắc Macedonia, Bujar Osmani, khi bắt đầu cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu), tại Skopje, Bắc Macedonia, vào thứ Năm, ngày 30 tháng 11 năm 2023. Nguồn: Hình ảnh AP / AAP

 

QUỐC TẾ - Các nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự một cuộc họp về an ninh quan trọng tại Bắc Macedonia, trong khi đó có những quốc gia tẩy chay sự kiện này do sự có mặt của Nga. Giữa lúc này thì các ngoại trưởng cũng đến Brussels cho một cuộc họp của NATO - cuộc họp bàn về chiến tranh ở Ukraine.

 

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ hơn 50 quốc gia đã đến Bắc Macedonia để tham dự cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).

 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khác từ Ukraine, Estonia, Latvia và Lithuania đã tẩy chay sự kiện này do dự kiến sẽ có sự hiện diện của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã dừng chân ở thủ đô Skopje, để dự cuộc họp nhưng đã rời đi Israel ngay sau đó.

 

Ông nói Hoa Kỳ và các đồng minh đang tìm cách duy trì OSCE và buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc nước này xâm lược Ukraine.

"Tôi đã lắng nghe tất cả các lãnh đạo đồng cấp, mỗi người đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài dành cho Ukraine. Một số đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ và các đồng minh NATO khác có nên tiếp tục sát cánh cùng Ukraine hay không, khi chúng ta bước vào mùa đông thứ hai của hứng chịu sự tàn bạo của chính quyền Putin. Câu trả lời ở đây hôm nay tại NATO rất rõ ràng và không hề lay chuyển. Chúng ta phải và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine."

 

OSCE gồm 57 thành viên, là tổ chức kế thừa của một tổ chức thời Chiến tranh Lạnh để các cường quốc Liên Xô và phương Tây cùng tham gia nhưng hiện nay phần lớn đã bị tê liệt do Nga liên tục lợi dụng quyền phủ quyết hiệu quả của mỗi quốc gia.

 

Bắc Macedonia, một thành viên NATO giữ chức chủ tịch luân phiên OSCE cho đến ngày 31 tháng 12, đã đình chỉ lệnh cấm các chuyến bay đến từ Nga trong thời gian ngắn, để ngoại trưởng Nga Lavrov có thể bay đến nước này tham dự cuộc họp.

 

Các thành viên thảo luận về tương lai của OSCE - bao gồm việc quyết định liệu Malta có được bầu làm chủ tịch cho năm tới hay không.

 

Trong khi đó tại Brussels, các ngoại trưởng đã tập trung để thảo luận về NATO.

 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói cuộc chiến ở Ukraine sẽ là trọng tâm chính.

“Nga đã tích lũy một kho tên lửa lớn trước mùa đông. Và chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực mới nhằm tấn công mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, chúng cố gắng đẩy Ukraine vào bóng tối và giá lạnh. Các đồng minh đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO. Hiện nay chúng tôi đã đưa ra các khuyến nghị về những cải cách Ukraine cần thực hiện, bao gồm cuộc chiến chống tham nhũng, củng cố nhà nước pháp quyền và hỗ trợ nhân quyền, cũng như quyền của người thiểu số."

 

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã tham dự cuộc họp ở Brussels, ông bác bỏ những lo ngại về việc quân đội Ukraine đang bị thua trong cuộc phản công chống lại Nga.

 

Ông nói mục tiêu chiến lược của Ukraine là chiếm lại toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea, vẫn không thay đổi.

 

Chiến tuyến dài của cuộc chiến - trải dài từ bờ Biển Đen đến biên giới phía đông bắc Ukraine với Nga ngày càng được coi là gần như lâm vào bế tắc, khi Nga gần đây đã giành được một số lãnh thổ.

 

Ông Kuleba cũng phủ nhận cáo buộc phương Tây ngày càng mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine:

"Tôi đã nghe thấy tiếng "không" rõ ràng đối với bất kỳ lời đề cập nào về sự mệt mỏi. Và tôi đã nghe thấy tiếng "đồng ý" rõ ràng để tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Và điều này được phản ánh trong các cam kết mà các đồng minh đã công bố, một số cam kết rất cụ thể, nhưng cũng nhắc lại niềm tin sâu sắc của các đồng minh rằng cuộc chiến của chúng ta là cuộc chiến của họ. Và họ hiểu rằng để họ cảm thấy an toàn, để họ không rơi vào tình thế mà binh lính NATO sẽ phải chiến đấu, thì Ukraine phải giành chiến thắng trong cuộc chiến này với sự hỗ trợ của các đồng minh."

 

Ngoại trưởng Kuleba cũng đề cập đến cáo buộc đầu độc vợ của giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ukraine, Kyrylo Budanov.

 

Nếu được xác nhận là có chủ ý, thì vụ việc này được cho là nhắm mục tiêu nghiêm trọng nhất nhằm vào gia đình của nhân vật lãnh đạo cấp cao Ukraine trong cuộc chiến.

 

Ông Kuleba nói dù không có đầy đủ thông tin chi tiết nhưng ông tin rằng Nga đứng đằng sau vụ tấn công.

"Ý tôi là, hợp lý khi cho rằng đó là một nỗ lực, nhằm tước đi mạng sống của bà ấy, bởi vì chúng tôi biết Nga trước đây đã cố gắng ám sát ông Budanov. Nhưng tôi không có quyền truy cập vào nguồn thông tin để biết kết luận cụ thể. Vì vậy, thật hợp lý khi giả định điều đó nhưng tôi cần thêm thông tin để có phán đoán đầy đủ về vấn đề này."

 

Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc đứng đằng sau vụ đầu độc, và nói rằng Ukraine đổ lỗi cho Nga về mọi thứ.

 

Trong khi đó, Pháp tiết lộ nước này dự định hoàn tất hiệp định bảo đảm an ninh song phương với Ukraine vào đầu năm 2024.

 

Paris đã đàm phán với Kiev trong vài tháng qua, với thỏa thuận nhằm mở rộng các kênh hỗ trợ tài chính, nhân đạo và quân sự lâu dài.

 

Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng tham dự cuộc họp của NATO ở Brussels, ông đưa ra thông điệp tương tự.

“Khi bạn nhìn vào bức tranh toàn cảnh, những gì xảy ra gần đây là người Ukraine đã đẩy lùi hải quân Nga qua Biển Đen, họ đã mở một tuyến đường vận chuyển để đưa hàng xuất khẩu của họ ra ngoài, nền kinh tế của họ đang phát triển và tất nhiên, họ đang gõ cửa cả NATO và EU, và nhận được phản hồi nồng nhiệt. Đây là những thành tựu to lớn và công việc của chúng ta lúc này là phát huy những thành tựu đó, cũng như tìm ra những bước đi cụ thể khác mà chúng ta có thể thực hiện để giúp đỡ Ukraine trong hoàn cảnh khó khăn của họ, đó là không ngừng đấu tranh và chứng tỏ rằng sự xâm lược của Nga sẽ bị trả giá.”