Quốc kỳ Nhật Bản dọc một con phố trong khu mua sắm Ginza vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng vào ngày 27/4/2019 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)

 

 

NHẬT BẢN - Quyết định mang tính lịch sử của Nhật khi chấm dứt chính sách lãi suất âm đang thu hút được nhiều sự chú ý. Triển vọng tăng lãi suất trong tương lai là gì, và những rủi ro nào đi cùng việc bình thường hóa chính sách lãi suất của Nhật?

 

Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), ngân hàng trung ương của đất nước này, đã chấm dứt 8 năm lãi suất âm và những tàn dư khác của chính sách không chính thống của mình vào thứ 3 (19/3), tạo ra một sự thay đổi mang tính lịch sử, thoát khỏi việc tập trung vào kích thích tăng trưởng với nhiều thập kỷ kích thích tiền tệ ở quy mô khổng lồ.

 

 

Các nhà phân tích cho biết, dù động thái này là lần tăng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản sau 17 năm, nhưng nó vẫn giữ lãi suất ở quanh mức 0 do sự phục hồi kinh tế mong manh buộc ngân hàng trung ương phải hành động chậm lại trong việc tăng thêm chi phí đi vay.

 

Sự thay đổi này khiến Nhật Bản trở thành ngân hàng trung ương cuối cùng thoát khỏi lãi suất âm và chấm dứt kỷ nguyên mà các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới tìm cách thúc đẩy tăng trưởng thông qua tiền giá rẻ và các công cụ tiền tệ đặc biệt.

 

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết trong cuộc họp báo sau quyết định này: “Chúng tôi quay trở lại chính sách tiền tệ thông thường nhắm vào lãi suất ngắn hạn, giống như các ngân hàng trung ương khác”.

 

Ông Ueda cho biết: “Nếu xu hướng lạm phát tăng cao hơn một chút, điều đó có thể dẫn đến tăng lãi suất ngắn hạn,” trong khi không nói rõ về tốc độ và thời điểm của các lần tăng lãi suất tiếp theo.

 

Trong một quyết định được nhiều người mong đợi, BOJ đã bãi bỏ chính sách do cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda đưa ra từ năm 2016, áp dụng mức phí 0,1% đối với khoản dự trữ dư thừa mà một số tổ chức tài chính gửi ở ngân hàng trung ương.

 

BOJ đặt lãi suất qua đêm làm lãi suất chính sách mới và quyết định điều chỉnh lãi suất này trong khoảng 0–0,1% một phần bằng cách trả lãi suất 0,1% cho tiền gửi tại ngân hàng trung ương.

 

Ông Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC ở Hong Kong, cho biết: “BOJ hôm nay đã thực hiện bước đi thăm dò đầu tiên hướng tới bình thường hóa chính sách”.

 

“Việc loại bỏ lãi suất âm đặc biệt báo hiệu sự tin tưởng của BOJ rằng Nhật Bản đã thoát khỏi tình trạng giảm phát”.

 

Ngân hàng trung ương cũng từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi tức (YCC), một chính sách được áp dụng từ năm 2016 nhằm giới hạn lãi suất dài hạn quanh mức 0 và ngừng mua tài sản rủi ro.

 

Tuy nhiên, BOJ cho biết họ sẽ tiếp tục mua “nhìn chung với số lượng tương đương” trái phiếu chính phủ như trước đây và tăng cường mua trong trường hợp lợi tức tăng nhanh, nhấn mạnh trọng tâm của họ là ngăn chặn mọi sự tăng quá cao một cách tiêu cực trong chi phí đi vay.

 

Trong một dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất trong tương lai sẽ ở mức vừa phải, BOJ cũng cho biết họ kỳ vọng “các điều kiện tài chính mang tính kích thích sẽ được duy trì trong thời điểm hiện tại”.

 

Cổ phiếu Nhật Bản tăng sau quyết định này. Đồng Yên giảm xuống dưới 150 Yên đổi 1 USD do các nhà đầu tư coi đường hướng ôn hòa của BOJ là dấu hiệu cho thấy chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ không thu hẹp nhiều.

 

 

Người đi bộ đi trước tòa nhà trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 27/04/2022. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI / AFP qua Getty Images)

 

 

Nhật trở thành 'một quốc gia bình thường'

Với việc lạm phát vượt quá mục tiêu 2% của BOJ trong hơn một năm, nhiều bên tham gia trên thị trường đã dự đoán lãi suất âm sẽ chấm dứt vào tháng 3 hoặc tháng 4.

 

Kỳ vọng về một sự thay đổi trong tuần này đã tăng cao đáng kể sau khi các cuộc đàm phán về lương hàng năm của công đoàn với các công ty lớn mang tới mức tăng lương lớn nhất trong 33 năm.

 

Sự kết thúc của gói kích thích thời ông Kuroda giờ đây khiến thị trường, các nhà phân tích và công chúng hướng sự chú ý sang thời điểm BOJ sẽ tăng lãi suất hơn nữa.

 

 

Ngay trong ngày thứ 3 (19/3), các ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch tăng một số lãi suất tiền gửi lần đầu tiên kể từ năm 2007. Nomura và BNP Paribas đều kỳ vọng BOJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa trước cuối năm nay.

 

Ông Bart Wakabayashi, Giám đốc chi nhánh Tokyo của State Street cho biết: “Về cơ bản, chúng ta là [trở thành] một quốc gia bình thường”.

 

“Điều này tác động như thế nào đến các hộ gia đình ở địa phương và khả năng chi tiêu của họ? Tôi nghĩ đó sẽ là cuộc thảo luận lớn tiếp theo và xét đến điều đó, tôi không nghĩ BOJ có thể làm bất cứ điều gì ngoài những gì họ đã công bố”.

 

Dưới thời ông Kuroda, BOJ đã triển khai một chương trình mua tài sản khổng lồ vào năm 2013, ban đầu nhằm mục đích đẩy lạm phát lên mục tiêu 2% trong vòng khoảng hai năm.

 

 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ tại trụ sở BOJ ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 22/09/2022. (Ảnh: STR / JAPAN POOL / JIJI PRESS / AFP qua Getty Images)

 

 

Ngân hàng trung ương đã đưa ra lãi suất âm và YCC vào năm 2016 khi lạm phát yếu buộc họ phải điều chỉnh chương trình kích thích của mình hướng tới một chương trình bền vững hơn.

 

Tuy nhiên, khi đồng yên giảm mạnh và đẩy chi phí nhập khẩu lên cao và làm tăng thêm sự chỉ trích của công chúng về những nhược điểm của lãi suất cực thấp của Nhật Bản, BOJ năm ngoái đã điều chỉnh YCC để nới lỏng sự kiểm soát của mình đối với lãi suất dài hạn.

 

 

 

Những rủi ro

Giờ đây, nền kinh tế Nhật Bản vẫn còn phải đối mặt với những rủi ro. Lợi suất trái phiếu tăng đột biến sẽ làm tăng chi phí đối với khoản nợ công khổng lồ của Nhật Bản, vốn có quy mô gấp đôi nền kinh tế và là khoản nợ lớn nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến.

 

Việc chấm dứt tiền giá rẻ cũng có thể gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư Nhật Bản, những người đã tích lũy các khoản đầu tư ở nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận thời gian qua (do lãi suất trong nước thấp), chuyển tiền về nước.

 

Ngay cả khi hủy bỏ các biện pháp kích thích, BOJ đã hạ mức đánh giá về nền kinh tế và cảnh báo về sự suy yếu của tiêu dùng.

 

Ông Ueda cho biết kỳ vọng lạm phát vẫn chưa được neo ở mức 2%, điều đó có nghĩa là BOJ có thể tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn so với những gì các ngân hàng trung ương khác đã làm trong những năm gần đây.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net; Bảo Nguyên biên dịch)