Người dân xem chương trình truyền hình về vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn, tại Ga xe lửa Seoul ở Seoul, Nam Hàn, ngày 24/8/2023. (Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images)
ĐÔNG BẮC Á – Bắc Hàn tuyên bố sẽ khôi phục "tất cả các biện pháp quân sự" bị đình chỉ theo thỏa thuận liên Triều năm 2018, sau khi Nam Hàn đình chỉ một phần hiệp định để đáp trả vụ phóng vệ tinh do thám của Bắc Hàn vào ngày 21/11.
Trong một tuyên bố do Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn (KCNA) đăng vào ngày 23/11, Bộ Quốc phòng Bắc Hàn cho biết nước này sẽ không còn “bị ràng buộc” bởi hiệp định quân sự năm 2018 với Nam Hàn.
Bộ Quốc phòng Bắc Hàn cảnh báo Nam Hàn “phải trả giá đắt” vì đã đẩy tình hình căng thẳng quân sự trên Bán Đảo Triều Tiên đến “một giai đoạn không thể kiểm soát”.
Bộ Quốc phòng Bắc Hàn tuyên bố vào hôm 22/11 rằng "Chúng tôi sẽ ngay lập tức khôi phục tất cả biện pháp quân sự đã bị tạm dừng theo thỏa thuận quân sự Nam Hàn - Bắc Hàn ".
"Chúng tôi sẽ đình chỉ mọi biện pháp từng được áp dụng để ngăn chặn căng thẳng và xung đột quân sự trên mọi khía cạnh bao gồm trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời triển khai các lực lượng vũ trang mạnh mẽ hơn và khí tài quân sự mới đến khu vực dọc theo giới tuyến", tuyên bố nêu rõ.
Hiệp định quân sự liên Triều (được gọi là Thỏa thuận Quân sự Toàn diện) được cựu Tổng thống Nam Hàn, Moon Jae-in, và nhà lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Un, ký vào năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai quốc gia.
Việc chấm dứt thỏa thuận này có thể dẫn đến việc nối lại các cuộc tập trận bắn đạn thật dọc đường phân giới giữa hai miền Nam Hàn - Bắc Hàn.
Nam Hàn thực hiện 'các biện pháp phòng thủ tối thiểu'
Nam Hàn đã đình chỉ một phần hiệp định hạn chế các hoạt động trinh sát và giám sát dọc theo đường phân giới sau khi Bắc Hàn bất chấp cảnh báo phóng vệ tinh do thám.
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn, Shin Won-sik, gọi động thái này là "phản ứng tương ứng với hành động khiêu khích của Bắc Hàn " và nói rằng Nam Hàn chỉ thực hiện "biện pháp phòng thủ tối thiểu".
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin ông Shin lập luận rằng vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn chứng tỏ chế độ này “không có ý chí tuân thủ thỏa thuận quân sự”.
Ông nhận xét: “Vì vậy, việc đình chỉ một phần thỏa thuận là biện pháp thiết yếu để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân”.
Vệ tinh do thám Malligyong-1 được phóng lên quỹ đạo hôm 21/11. Bình Nhưỡng tuyên bố vụ phóng vệ tinh đã thành công và họ đã nhận được những bức ảnh về các địa điểm quân sự quan trọng của Mỹ ở đảo Guam.
Đây là lần phóng tên lửa thứ ba của Bắc Hàn sau hai lần thất bại vào ngày 31/5 và 24/8.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa đã vỡ thành nhiều mảnh, một trong số đó đã rơi xuống Thái Bình Dương, cách đảo Okinotori của Nhật Bản khoảng 746 dặm (khoảng 1.200 km) về phía tây nam.
Một phần khác của tên lửa rơi xuống biển Hoa Đông, cách Bán Đảo Triều Tiên khoảng 217 dặm (khoảng 350 km).
Tham mưu trưởng liên quân Nam Hàn cho biết họ đánh giá vệ tinh do thám của Bắc Hàn đã đi vào quỹ đạo nhưng cần thêm thời gian và phân tích để xác định xem vệ tinh này có hoạt động bình thường hay không.
Quốc kỳ Bắc Hàn tung bay trong gió trên cột tại Đại sứ quán Bắc Hàn n ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 27/3/2019. (Ảnh: Pablo Blazquez Dominguez/Getty Images)
G7 lên án vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn.
Ngoại trưởng Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung vào ngày 22/11 cho biết họ lên án vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất".
Họ cho biết vụ phóng đặt ra “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với khu vực và hơn thế nữa, đồng thời vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cấm Bắc Hàn phóng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo nào.
Tuyên bố viết: “Bắc Hàn không thể và sẽ không bao giờ có tư cách là một quốc gia có vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Các ngoại trưởng G7 cũng kêu gọi “phản ứng quốc tế nhanh chóng, thống nhất và mạnh mẽ” đối với vụ phóng vệ tinh của Bắc Hàn và kêu gọi chế độ này quay trở lại bàn đối thoại.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Bắc Hàn tham gia vào hoạt động ngoại giao có ý nghĩa và chấp nhận những lời đề nghị đối thoại do Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nam Hàn đưa ra nhiều lần mà không cần điều kiện tiên quyết”.
Mỹ kêu gọi 'đàm phán nghiêm túc'
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson hôm 21/11 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia của ông đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Mỹ để đánh giá tình hình.
Bà Watson nói trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các nước lên án vụ phóng vệ tinh bất hợp pháp của Bắc Hàn và kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại “các cuộc đàm phán nghiêm túc”.
Vị phát ngôn viên nêu rõ: “Cánh cửa ngoại giao chưa khép lại, nhưng Bình Nhưỡng phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích và thay vào đó chọn cách can dự”.
Bà nói thêm: “Mỹ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ và bảo vệ Nam Hàn cũng như các đồng minh Nhật Bản”.
Kể từ năm 2022, Bắc Hàn đã tiến hành liên tiếp các vụ thử tên lửa, một số trong đó liên quan đến tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công Hoa Kỳ.
(Theo The Epoch Times)
(ntdvn.net; Lam Giang biên dịch)