Hải quân Campuchia tại cầu cảng ở căn cứ hải quân Ream, thuộc tỉnh Preah Sihanouk, ngày 26 tháng Bảy, 2019. Nguồn: Getty,AFP / Tang Chhin Sothy

 

CAMPUCHIA - Các giới chức Campuchia và Bắc Kinh khẳng định cơ sở mới sẽ không dành riêng cho hải quân Trung Quốc, trái ngược với một báo cáo tiết lộ một thỏa thuận "bí mật" giữa hai nước này.

 

Campuchia và Bắc Kinh đã bác bỏ thông tin cho rằng họ đang xây dựng một cơ sở hải quân bí mật cho hạm đội Trung Quốc, khi Thủ tướng Anthony Albanese lên tiếng quan ngại và kêu gọi sự minh bạch.

 

Tờ báo Mỹ The Washington Post dẫn lời các quan chức phương Tây giấu tên cho biết một cơ sở mới tại căn cứ Ream của Campuchia - nằm ở vị trí chiến lược trên Vịnh Thái Lan - đang được xây dựng cho hải quân Trung Quốc "độc quyền".

 

Cơ sở này được cho là có một khu vực dành riêng cho Trung Quốc sử dụng, có thể có thiết bị phục vụ các hệ thống vệ tinh và chỉ thị mục tiêu cho tên lửa. Đây cũng có thể là cơ sở hải quân ngoại quốc đầu tiên của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Washington Post còn dẫn lời một quan chức giấu tên ở Bắc Kinh xác nhận quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng "một phần căn cứ Ream", nhưng phủ nhận cơ sở này dành riêng cho họ. Quan chức này nói thêm các nhà khoa học Trung Quốc cũng sẽ sử dụng cơ sở này.

 

Căn cứ này đã trở thành một điểm nhức nhối trong quan hệ Hoa Kỳ-Campuchia trong nhiều năm, với việc Hoa Kỳ từ lâu nghi ngờ căn cứ đang được chuyển đổi để chỉ Trung Quốc sử dụng khi nước này tìm cách củng cố ảnh hưởng quốc tế của mình bằng một mạng lưới các tiền đồn quân sự.

 

Prak Sokhonn, Phó Thủ tướng Campuchia, bác bỏ báo cáo này là "cáo buộc vô căn cứ" trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Úc Penny Wong, theo một thông cáo của Phnom Penh hôm thứ Ba.

 

Trước đó, một phát ngôn nhân đã nói rằng sự phát triển của căn cứ này "không phải là một bí mật".

 

“Campuchia sẽ không cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền hoặc phát triển địa điểm này làm căn cứ quân sự.”

 

Phay Siphan, phát ngôn nhân của chính phủ Campuchia, nói với hãng tin AFP.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và đại sứ Trung Quốc sẽ tham dự lễ động thổ xây dựng các cơ sở mới tại Ream vào thứ Tư, bao gồm một xưởng sửa chữa thuyền và một bến tàu.

 

Nhưng Thủ tướng Albanese, người đang ở Indonesia trong chuyến thăm chính thưc để củng cố quan hệ ngoại giao nhằm chống lại sự tự tin và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đã dán nhãn cho các báo cáo trên là "gây quan ngại".

“Chúng tôi khuyến khích Bắc Kinh minh bạch về ý định của mình và bảo đảm rằng các hoạt động của họ hỗ trợ an ninh và ổn định khu vực.”

 

Ông Albanese nói với các phóng viên, đồng thời cho biết Campuchia đã bảo đảm với Canberra rằng sẽ không có quân đội ngoại quốc nào được độc quyền tiếp cận căn cứ Ream.

 

Úc ngày càng lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.

 

Một bản dự thảo hiệp ước Trung Quốc - Quần đảo Solomon bị rò rỉ hồi tháng Tư đã làm dấy lên quan ngại rằng nó sẽ cho phép hải quân Trung Quốc khai triển tới đảo quốc Thái Bình Dương - cách Úc chưa đầy 2.000 km.

 

Bác bỏ của Trung Quốc và Campuchia

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần khẳng định việc xây dựng thêm cơ sở ở Ream không gì khác hơn là hiện đại hóa căn cứ với một cơ sở bảo dưỡng tàu thuyền mới được phát triển với sự viện trợ của Trung Quốc.

 

Ông Hun Sen nói trong một bài phát biểu vào tháng trước rằng "Campuchia không cần sự hiện diện của quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ của mình."

 

Trung Quốc cũng phủ nhận rằng căn cứ này sẽ chỉ dành cho hải quân của họ sử dụng.

 

“Việc chuyển đổi Căn cứ Hải quân Ream chỉ nhằm tăng cường khả năng của lực lượng hải quân Campuchia trong việc duy trì chủ quyền lãnh thổ trên biển và trấn áp tội phạm trên biển.”

 

Phát ngôn nhân Ngoại giao Triệu Lập Kiên Zhao Lijian nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm thứ Ba.

 

Ông Triệu nói thêm rằng những lời chỉ trích của Washington là "những phỏng đoán ác ý nhằm tấn công và bôi nhọ" Campuchia.

 

Những quan ngại về căn cứ này đã bắt đầu xuất hiện vào năm 2019, khi tờ báo Mỹ The Wall Street Journal đưa tin về một dự thảo thỏa thuận bí mật cho phép Bắc Kinh cập cảng tàu chiến ở đó. Tuy nhiên, giới chức Campuchia khi đó tuyên bố đây là "tin giả".

 

Campuchia kể từ đó đã dỡ bỏ các cơ sở tại căn cứ này được xây dựng một phần bằng tiền của Mỹ và đã đóng vai trò chủ nhà cho các cuộc tập trận của Mỹ.