Giáo sư Ranadheera đã xác định được bảy kiểu gian lận thực phẩm, nhiều loại trong số đó có thể gây rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nguồn: AAP Image/Joel Carrett Source: AAP / JOEL CARRETT/AAPIMAGE
QUỐC TẾ - Tôm bị bơm tạp chất để tăng kích cỡ và trọng lượng, rượu pha nước ép trái cây để tăng lợi nhuận... gian lận thực phẩm là một vấn đề ngày càng gia tăng, khiến các nhà sản xuất ở Úc thiệt hại hàng tỷ đô-la. Chuỗi cung ứng dài hơn và phức tạp hơn khiến cho các sản phẩm tại siêu thị địa phương cũng có thể bị ảnh hưởng, mặc dù đã có những tiến bộ trong công nghệ phát hiện gian lận.
Có thể chai rượu lâu năm mà bạn mua với giá giảm trên mạng thực chất là rượu bị pha loãng với nước ép nho.
Hoặc bạn mua nhụy hoa nghệ tây có màu sắc đặc trưng bị giả tạo bằng các màu tổng hợp rẻ tiền.
Hoặc có thể món tôm sú mà bạn mua ở một nhà hàng địa phương, theo một nghiên cứu ở Hoa Kỳ, bị độn các tạp chất trong suốt giống như rau câu.
Senaka Ranadheera là Phó Giáo sư về Khoa học Thực phẩm tại Đại học Melbourne.
Ông cho biết pha trộn hoặc pha loãng là một trong những hình thức gian lận thực phẩm phổ biến nhất, một vấn đề đang gia tăng trên toàn thế giới, bao gồm Úc.
"Việc độn tạp chất rất phổ biến, trong đó người ta trộn sản phẩm thật với vật liệu chất lượng thấp, chẳng hạn như pha rượu với nước ép trái cây hoặc thêm nước vào sữa. Nó có thể đơn giản như vậy, nhưng đôi khi việc độn tạp chất cũng rất phức tạp và có thể gây chết người."
Năm 2008 tại Trung Quốc, 6 trẻ sơ sinh đã tử vong và ước tính khoảng 300,000 trẻ bị bệnh sau khi người ta phát hiện ra hóa chất công nghiệp độc hại melamine được thêm vào sữa bò, khiến hàm lượng protein trong sản phẩm có vẻ cao hơn.
Giáo sư Ranadheera đã xác định được bảy kiểu gian lận thực phẩm, nhiều loại trong số đó còn có thể gây rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh việc giả mạo, bao gồm độn tạp chất và dán nhãn sai, sản xuất quá mức so với thỏa thuận, trộm cắp, chuyển hướng ra ngoài thị trường dự kiến của sản phẩm - như khi viện trợ do Liên hợp quốc phân phối được bán để thu lợi nhuận - và các sản phẩm giả mạo.
Ông Ranadheera cho biết, đối với các chính phủ, nhà sản xuất hợp pháp cũng như người tiêu dùng, chuỗi cung ứng của thế kỷ 21 có thể gây khó khăn cho việc theo dõi - nhưng mua hàng ở địa phương luôn là một ý tưởng hay.
Giáo sư Ranadheera nói “Một trong những nguyên nhân chính gây ra gian lận thực phẩm là hệ thống thực phẩm của chúng ta hiện nay rất phức tạp.”
"Đặc biệt, chuỗi thực phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm rất nhanh, rất dài, vì vậy có một số điểm mà chúng ta không thể quản lý chặt chẽ, vì vậy nếu bạn mua hàng ở địa phương và mua từ các nhà cung cấp đáng tin cậy, đó là cách mà bạn có thể giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, điều thực sự quan trọng là phải lưu ý bất kỳ sự giả mạo nào có thể xảy ra."
Úc cũng từng gặp phải nỗi sợ hãi về thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe vào năm 2018, khi người ta tìm thấy những cây kim trong trái dâu ở Queensland và Tây Úc, một số hộp dâu được cho là đã mua tại các siêu thị lớn.
Trong số 186 trường hợp gian lận thực phẩm trên toàn quốc, tuy một số trường hợp được cho là trò lừa bịp, các thương hiệu vẫn có thể bị thiệt hại lớn về mặt danh tiếng.
Một báo cáo năm 2021 của AgriFutures cho thấy gian lận thực phẩm đã khiến các nhà sản xuất trên toàn cầu thiệt hại khoảng 40 đến 50 tỷ đô la mỗi năm. Chỉ riêng ở Úc mất 2 đến 3 tỷ đô la, chưa tính đến quy mô lớn của gian lận chưa bị phát hiện.
Phó Giáo sư về Vi sinh Thực phẩm tại UNSW ở Sydney Julian Cox cho biết, nhiều người tiêu dùng không có kiến thức chuyên môn về sản phẩm để phát hiện gian lận thực phẩm.
Nhưng ông cho biết các ngành công nghiệp thực phẩm của Úc dễ bị lừa đảo - như thịt và hải sản - đang dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng các phương pháp tiên tiến để phát hiện gen.
"Họ đang sử dụng một loạt các phương pháp hóa học phức tạp, hoặc thậm chí cả các phương pháp phân tử, để tạo ra dấu hiệu nhận biết rất tinh vi cho thực phẩm. Và họ thực sự có thể xác định các loại thực phẩm, ví dụ, ngay cả phần đường thủy nơi hải sản có thể được sản xuất. Vì vậy, không chỉ dấu hiệu sản xuất ở quốc gia này hay quốc gia khác, mà ngay cả ở Úc, sản phẩm đến từ tiểu bang nào, từ sông hay vịnh nào đều được thể hiện ở những dấu hiệu phân tử này."
Nhưng khó có thể xác định một số sản phẩm có chuỗi cung ứng dài, chẳng hạn như gia vị.
Vào năm 2017, công ty Hoyt's Food đã phải nộp phạt 10,800 đô la, do Ủy ban về Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc ban hành, sau khi các sản phẩm oregano của họ bị phát hiện có hàm lượng oregano thực tế thấp hơn 50%.
Và việc pha rượu vang gian lận là một câu chuyện xa xưa - cả người Hy Lạp và La Mã cổ đại đều có luật xung quanh việc sử dụng hương liệu và chất tạo màu.
Gần đây hơn, nhà sản xuất rượu vang Penfolds của Úc đã trở thành mục tiêu của gian thương, với các hoạt động làm hàng giả bị phát hiện ở Trung Quốc vào năm 2017, cũng như ở Campuchia, cảnh sát đã thu giữ 14,000 chai rượu.
Giáo sư Ranadheera cho biết các sản phẩm xa xỉ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn.
“Các sản phẩm có giá trị cao dễ bị gian lận thực phẩm hơn. Ví dụ, một số đồ uống có cồn, như rượu vang, và cả những thứ như trứng cá muối, một số loại gia vị có giá trị cao, cũng như dầu ăn và mật ong."
Ngành công nghiệp mật ong toàn cầu đã nổi tiếng vì nạn gian lận - từ pha mật ong với xi-rô mía, đến mật ong giả Manuka - với cụm từ "rửa mật ong" thường được sử dụng.
Nhưng cả Giáo sư Ranadheera và Giáo sư Cox đều nói rằng theo tiêu chuẩn toàn cầu, Úc là một trong những quốc gia tốt nhất về an toàn thực phẩm, mặc dù thái độ hoài nghi tích cực về nguồn gốc thực phẩm luôn là điều tốt.
Giáo sư Ranadheera khuyên mọi người nên kiểm tra mã vạch và ngày hết hạn để tìm bất kỳ dấu hiệu giả mạo nào, và báo cáo bất cứ điều gì khác thường cho cơ quan an toàn thực phẩm ở tiểu bang.
Và Giáo sư Cox nói rằng nếu một sản phẩm có giá rẻ đến mức khó tin thì rất có thể là sự gian lận.
"Thực sự bất cứ ai, ngay cả một giáo sư như tôi, đều có thể bị lừa khi mua một miếng cá được ghi tên một loại cá nào đó trên bảng hoặc trên bao bì, với giá khác với sản phẩm thực sự mà tôi trả tiền để mua. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể bất ngờ mua thịt bò Wagyu với giá 10 đô la một ký thì rõ ràng đó là trò gian lận.”