Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot trả lời báo giới bên lề cuộc họp các nước thành viên NATO tại trụ sở của NATO ở Bruxelles © Geert Vanden Wijngaert / AP
ÂU CHÂU, Hôm 01/05/2025, ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết Liên Hiệp Âu Châu đang chuẩn bị bản kế hoạch trừng phạt thứ 17 nhắm vào Nga, và hy vọng có thể phối hợp với Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định Vladimir Putin hiện là "trở ngại duy nhất đối với hòa bình ở Ukraine".
Tuyên bố của ngoại trưởng Pháp được đưa ra không lâu sau cuộc gặp với lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ Marco Rubio tại Washington. Trong chuyến thăm đến Hoa Kỳ, ông Barrot cho biết đã gặp thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bên đảng Cộng Hòa. Ông Graham đề xuất tăng cường trừng phạt Nga và đã tập hợp hơn 70 nghị sĩ từ cả phe Dân Chủ và Cộng Hòa để ủng hộ sáng kiến này.
Thông cáo của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 01/5, cũng đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ « hợp tác chặt chẽ với Pháp và các nước đối tác Âu châu khác, nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài » cho Ukraine, nhưng cũng lưu ý rằng « Âu châu phải khai triển các nguồn lực thực sự và thể hiện quyết tâm chính trị cần thiết để chấm dứt chiến tranh ».
Thep AFP, tổng thống Donald Trump cũng không loại trừ khả năng áp đặt các trừng phạt mới đối với Nga nếu Moscow không chấp nhận thỏa thuận hòa bình với Kiev.
Trả lời AFP vào ngày 01/5, ngoại trưởng Pháp Barrot nhắc lại rằng « Ukraine đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện, và ký thỏa thuận về khoáng sản với Hoa Kỳ », trong khi đó, Nga lại không có nỗ lực nào, và « rõ ràng là Vladimir Putin hiện đang là trở ngại duy nhất » đối với hòa bình ở Ukraine.
Thỏa thuận khoáng sản ký với Mỹ: Người dân Ukraine phản ứng dè dặt.
Tối ngày 30/04/2025, Washington và Kiev đã đúc kết được thỏa thuận về khai thác khoáng sản Ukraine sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng. Ngày 01/05, Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh một thỏa thuận mà ông cho là « thực sự công bằng » với Mỹ. Nhưng công luận bị chia rẽ giữa ngờ vực và hy vọng.
Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev tường thuật:
« Tại Ukraine, một ngày sau khi thỏa thuận được ký kết sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng giữa Mỹ và Ukraine liên quan đến việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, chính phủ tỏ ra yên tâm nhưng người dân Ukraine đón nhận thông tin này một cách thận trọng.
Một người nói: "Đó là những nguồn tài nguyên của Ukraine, vì vậy, thỏa thuận này hẳn nhiên sẽ có những tác động tiêu cực. Nhưng nếu như điều này giúp chấm dứt chiến tranh, trong trường hợp này điều đó tốt thôi."
Người thứ hai bày tỏ: "Về nguyên tắc, nếu như điều này thực sự có lợi cho Ukraine, nếu như tiền vẫn ở tại Ukraine, vậy thì tôi chẳng thấy gì là tệ cả. Tôi biết là Ukraine không có một số công nghệ để khai thác một số nguyên liệu, kim loại nhất định. Nếu như những doanh nghiệp đó đến lúc này cùng với công nghệ của họ, với mong muốn hoạt động, để kiếm tiền và tăng cường ngân sách Nhà nước, về nguyên tắc tại sao không?"
Trong dân chúng, sự hăm hở khá dè dặt và chủ yếu kỳ vọng vào những hứa hẹn hòa bình của ông Donald Trump vào lúc trên thực địa, Nga không hề tỏ ra có ý định giảm bớt các cuộc tấn công bất chấp những tuyên bố trái ngược trên phương diện ngoại giao. »
(Nguồn: RFI)