Ông Tập và ông Biden gặp mặt tại Nhà Trắng ngày 14/2/2012. (Chip Somodevilla/Getty Images)

 

HOA KỲ - Phân tích chỉ ra rằng, một cuộc chiến tài chính trên diện rộng đã bắt đầu và Hoa Kỳ vẫn chưa sử dụng chiến thuật chí mạng nhất – loại Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

 

Ngoại giới đang tập trung vào thái độ thân Nga của Bắc Kinh trong cuộc chiến Nga - Ukraine và các động thái cứng rắn có thể xảy ra đối với Đài Loan. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng đây sẽ là một sai lầm lớn.

 

Ông Biden đưa ra lời cảnh báo rõ ràng hơn cho ông Tập

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình "60 Minutes" của đài CBS phát sóng vào ngày 18/9, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng đã gọi điện cho ông Tập Cận Bình vào đầu năm nay, sau khi ông Tập gặp ông Putin ở Bắc Kinh.

 

Khi đó, ông Biden nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng: "Nếu ông nghĩ rằng người Mỹ và những người khác sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc khi ông vi phạm lệnh trừng phạt đối với Nga, tôi nghĩ ông đã mắc một sai lầm rất lớn”.

 

Ông Biden cho biết, cuộc gọi này không phải để đe dọa ông Tập, mà là để cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra khi vi phạm các lệnh trừng phạt.

 

Tổng thống Mỹ không đề cập đến thời gian chính xác của cuộc gọi trên. Nhưng những lời ông nói trong cuộc phỏng vấn đồng nhất với lập trường được công bố sau cuộc gọi vào tháng 3 của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khi đó, ông Biden chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những tác động và hậu quả nếu hỗ trợ vật chất cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.

 

Trả lời phỏng vấn độc quyền, ông Biden nói rằng cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga.

 

Mặc dù vậy, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn khá căng thẳng. Nhà Trắng đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ chuỗi cung ứng trong nước, bao gồm cả vấn đề chất bán dẫn, và tăng cường giám sát đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ. Chính quyền ông Biden cũng đang tiếp tục duy trì mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc, và đang xem xét các bước tiếp theo trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

 

Đặc biệt là vấn đề Đài Loan, nó đang được thế giới quan tâm nhiều hơn. Trong cuộc phỏng vấn "60 Minutes", người dẫn chương trình đã hỏi ông Biden rằng liệu quân đội Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không?

 

Ông Biden trả lời: "Có, nếu ở đó thực sự xảy ra một cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử".

 

Người dẫn chương trình hỏi tiếp, "Để làm rõ hơn nữa, [ý ngài là] không giống như tình hình ở Ukraine, nếu Trung Quốc xâm lược, các binh sĩ của quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan".

 

Tổng thống nói, "Đúng vậy".

 

Đây là tuyên bố thứ ba trong năm của ông Biden về vấn đề Đài Loan: Nếu nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động chiến tranh xâm lược Đài Loan, Hoa Kỳ sẽ đưa quân đến bảo vệ Đài Loan, và lần này rõ ràng hơn hai lần trước.

 

Quan hệ Trung - Nga và hướng đi của Mỹ

Ngày 16/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan rằng, ông và ông Tập Cận Bình đã thảo luận về những việc hai bên cần làm trong điều kiện hiện nay để đối phó với các hạn chế từ phương Tây.

 

Nguồn tin nói với Reuters rằng, Washington đã tăng cường thảo luận về phương án trừng phạt Trung Quốc sau phản ứng của Bắc Kinh về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi tháng 8; trong khi đó, Liên minh Châu Âu cũng đang có hành động tương tự.

 

Tổ chức tư vấn Tianjun Zhengjing ở hải ngoại đã chỉ ra rằng, một cuộc chiến tài chính trên diện rộng đã bắt đầu và Hoa Kỳ vẫn chưa sử dụng chiến thuật chí mạng nhất. Chính quyền của ông Tập Cận Bình không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị cho ‘lựa chọn hạt nhân’ của Mỹ.

 

Cụ thể, giải pháp ‘hạt nhân’ đó là loại trừ Trung Quốc khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). Theo một báo cáo nghiên cứu, nếu Mỹ loại Trung Quốc khỏi SWIFT, mỗi năm Trung Quốc có thể mất 300 tỷ USD ngoại thương, hơn 90 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và 80 tỷ USD đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

 

Theo VOA, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Trung Quốc, bao gồm: trừng phạt ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác, loại trừ các ngân hàng Trung Quốc ra khỏi thị trường toàn cầu, cấm các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, cấm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, cũng như hạn chế các dự án năng lượng của Trung Quốc, v.v.

 

Hành động cấm tất cả hoạt động kinh doanh bằng đồng USD giữa các ngân hàng Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng được coi là một 'lựa chọn hạt nhân'. Nhưng cũng có chuyên gia cho rằng, khả năng áp đặt "các biện pháp trừng phạt toàn diện" đối với Trung Quốc là không cao, nhất là khi một số biện pháp trong đó còn chưa được áp đặt lên Nga.

(ntdvn.net; Đông Phương - Theo Vision Times)