Nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ vừa thực hiện giai đoạn một cuộc tập trận hải quân Malabar kéo dài 4 ngày (từ ngày 3 đến 6-11) ở vịnh Bengal (Ấn Độ). Đây là động thái nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng và thể hiện quyết tâm của các nước tham gia trong việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ, xây dựng một liên minh như “NATO của châu Á”.

 

 

 

 

 

 

Mỹ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ lần đầu cùng tham gia tập trận hải quân Malabar.

 

 

 

Cuộc tập trận Malabar được tiến hành lần đầu năm 1992 giữa Ấn Độ và Mỹ. Năm 2015, Nhật Bản cũng tham gia với tư cách thành viên thường trực và cuối tháng 10 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức mời Úc tham gia cuộc tập trận trong bối cảnh New Delhi tìm cách tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Trước đó, hồi năm 2007, Úc đã từng tham gia tập trận Malabar nhưng chỉ với tư cách là đối tác không thường trực. Do vậy, động thái này được đánh giá sẽ tạo cơ sở cho việc chính thức hóa nhóm bộ tứ khi lần đầu tiên các quốc gia trong nhóm tương tác với nhau ở cấp độ quân sự.

 

 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cuộc tập trận Malabar lần thứ 24 được thực hiện theo hình thức “không tiếp xúc, chỉ trên biển”. Trong giai đoạn đầu này, các nước thực hiện các bài diễn tập hải quân phức tạp ở cấp độ cao, thể hiện sức mạnh tổng hợp và phối hợp cao độ giữa các lực lượng hải quân như tác chiến trên mặt nước, chống tàu ngầm và phòng không, đáp máy bay trên tàu của nhau và khai hỏa vũ khí.

 

 

Hải quân Ấn Độ đã triển khai một số nền tảng chủ chốt như tàu khu trục Ranvijay, tàu tuần tra xa bờ Sukanya, tàu hỗ trợ hạm đội Shakti, tàu ngầm Sindhuraj, máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P-8I, máy bay tuần tra hàng hải Dornier... Tàu Hải quân Mỹ USS John S McCain, tàu hộ tống tầm xa HMAS Ballarat của Hải quân Úc với trực thăng MH-60 tích hợp và tàu khu trục JS Onami của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản cũng nằm trong số các phương tiện, khí tài tham gia giai đoạn đầu của cuộc tập trận Malabar.

 

 

Các chuyên gia nhận định, đây được coi là hoạt động có ý nghĩa lịch sử trong hợp tác và có thể tiến tới việc xây dựng một liên minh như “NATO của châu Á”, trong bối cảnh các nước bộ tứ tăng cường hợp tác quân sự với nhiều thỏa thuận có giá trị. Hiện, cả 4 thành viên của nhóm bộ tứ đều đã ký kết song phương Thỏa thuận thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) hoặc Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA), cho phép quân đội tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chia sẻ hậu cần, vận tải, hệ thống thông tin liên lạc…, từ đó tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc phòng.

 

 

Sự tham gia của Úc sau 13 năm cũng cho thấy nỗ lực của Canberra trong việc củng cố cam kết với nhóm bộ tứ. Vào tháng 6-2020, Ấn Độ và Úc đã nâng tầm mối quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện và ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc tiếp cận qua lại các căn cứ quân sự để hỗ trợ hậu cần trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc, Scott Morrison. Trong khi đó, cuối tháng 10-2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã tới Ấn Độ và có cuộc đối thoại chiến lược 2+2 với những người đồng cấp nước chủ nhà, ký kết thỏa thuận mở rộng chia sẻ thông tin vệ tinh quân sự, nhấn mạnh hợp tác chiến lược giữa Washington và New Delhi. 

 

 

Các quốc gia tham gia đều khẳng định các cuộc tập trận Malabar là chìa khóa nâng cao năng lực hàng hải, xây dựng khả năng phối hợp hoạt động với các đối tác thân cận nhằm thể hiện quyết tâm ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, dựa trên luật lệ và thịnh vượng. Giai đoạn hai của cuộc tập trận năm nay dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 20-11 trên biển Arab.