Giận dữ đang bao trùm Iraq sau khi điện bị cắt trên khắp cả nước trong thời tiết oi nóng kỷ lục. Các vụ biểu tình bạo lực đã nổ ra khiến nhiều cảnh sát bị thương.

 

 

Tuần qua, khi nhiệt kế hiển thị con số 52 độ C ở Al Hilla, ông Ali Karrar phải cho đứa con nhỏ ngồi vào trong tủ lạnh vài phút vì cái nóng bức sa mạc vượt quá mức chịu đựng.

 

 

Nhưng rồi tới ngày 1/7, điện bị cắt trên khắp Iraq. Người dân không còn bất cứ lựa chọn nào để có thể thoát khỏi cái nóng kinh hoàng bao trùm giữa mùa hè.

 

 

Một số nhà giàu có thể tạm thời vượt qua buổi đêm nhờ máy phát điện giúp họ vận hành quạt máy hoặc điều hòa nhiệt độ. Nhưng đa phần người dân nghèo không có lựa chọn xa xỉ này.

 

 

Kể từ 29/6, 4 tỉnh miền Nam của Iraq đã bị cắt điện, trong đó có Basra, nơi đặt hải cảng chính của đất nước. Và khi cái nóng càng thêm oi bức bởi độ ẩm cao, mất điện chẳng khác nào thảm họa với người dân.

 

 

Meshaal Hashem, cha của ba đứa trẻ ở thành phố Basra, cho biết: "Lũ trẻ ngủ ngay trên nền nhà để tự làm mát, nhưng người lớn chúng tôi đã không thể chợp mắt suốt vài ngày qua".

 

 

Tại thành phố Diwaniyah, không ít người dân phải mua đá về để giúp hạ nhiệt cho trẻ con trong nhà.

 

 

Các cửa hàng phải đặt vòi nước, vòi hoa sen tạm ở ngoài cửa với hy vọng thu hút khách tới mua hàng.

 

 

 

Tham nhũng và lệ thuộc nước ngoài.

 

Làn sóng giận dữ đang sôi sục tại đất nước 40 triệu dân Iraq trước tình trạng cắt điện trầm trọng chưa từng có, hệ thống dịch vụ tồi tệ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, trong khi các chính trị gia đổ lỗi qua lại.

 

 

Sajad Jiyad, phân tích gia chính trị Iraq, cho biết: "Bộ Điện lực đổ lỗi cho Bộ Dầu mỏ, Bộ Dầu mỏ đỗ lỗi cho Bộ Tài chính, còn Bộ Tài chính thì đổ lỗi cho Iran. Nhưng Iran nói lỗi nằm ở chính phủ Iraq, và rồi chính phủ lại đổ lỗi cho người dân".

 

 

Nắng nóng và mất điện không phải điều mới lạ trong các tháng mùa hè ở Iraq. Nhưng năm nay, tình hình trở nên đặc biệt tồi tệ, đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gây bất ổn xã hội.

 

 

 

 

Một người đàn ông đứng trước quạt hơi nước ở thủ đô Baghdad. Ảnh: Getty.

 

 

 

 

                                     

Iraq, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của khối OPEC, mua khí đốt và điện từ quốc gia láng giềng Iran để phục vụ 1/3 nhu cầu năng lượng. Nhiều thập kỷ chiến tranh và thiếu đầu tư đã khiến ngành điện lực Iraq xuống cấp trầm trọng.

 

 

Nhưng kể từ 29/6, Iran đã cắt toàn bộ nguồn cung năng lượng cho Iraq. Tehran cáo buộc Bộ Điện lực Iraq còn đang thiếu nợ 6 tỷ USD. Bản thân Iran lúc này cũng đang rơi vào cảnh thiếu điện.

 

 

 

Baghdad cho biết Iraq không thể chuyển tiền để trả cho Iran bởi Tehran nằm dưới lệnh cấm vận quốc tế của Mỹ.

 

 

 

Không dừng lại ở đó, chính phủ Iraq cũng cáo buộc ngày càng ít khách hàng sử dụng điện trả tiền hóa đơn, nhiều người dân ăn cắp điện bằng cách câu nối trộm đường dây vào mạng lưới điện quốc gia.

 

 

Hôm 28/6, Bộ trưởng Điện lực Majed Hantoosh đã từ chức, chỉ một ngày trước khi Tehran cắt nguồn cung năng lượng cho Iraq.

 

 

Bộ Điện lực Iraq cho biết tình trạng mất điện diện rộng bắt đầu từ khu vực miền Nam hiện đã lan ra phần còn lại của đất nước. Bộ này tuyên bố nguyên nhân bởi các cuộc tấn công không rõ nguyên nhân vào mạng lưới điện.

 

 

Ahmad Moussa, phát ngôn viên Bộ Điện lực, cho biết: "Ai đó đang tìm cách làm bất ổn đất nước và gieo rắc sự hỗn loạn".

 

 

 

Giận dữ âm ỉ, bạo lực bùng phát.

 

Một quan chức tại Bộ Điện lực Iraq cho biết trung bình mỗi ngày, cư dân bị cắt điện khoảng 18 tiếng đồng hồ. Tình hình này ảnh hưởng tới cuộc sống tất cả người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế.

 

 

Quan chức này thừa nhận hệ thống năng lượng Iraq đã tồn tại nhiều vấn đề từ trước, và việc Iran dừng cung cấp điện càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng thêm tồi tệ.

 

 

Ayad Khalaf, đại diện công ty phân phối điện Al-karkh Distribution, cho biết: "Tình thế của chính phủ Iraq đang rất bi quan, bởi nạn tham nhũng kéo dài, quy hoạch lộn xộn, và sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Iran".

 

 

Tại Basra, nhu cầu điện trong các tháng mùa hè là 4.000 megawatt. Nhưng năm nay, Basra dự kiến chỉ nhận được 830 megawatt.

 

 

Trên toàn Iraq, nhu cầu điện năng trong mùa hè là khoảng 20.000-30.000 megawatt/tuần. Nhưng tuần qua, hệ thống năng lượng của Iraq chỉ có thể cung cấp 12.500 megawatt điện.

 

 

"Nhu cầu điện chưa bao giờ được đáp ứng, mất điện luôn xảy ra. Nhưng tình hình lúc này trầm trọng hơn nhiều", một nhà phân tích chính trị Iraq cho biết.

 

 

 

 

Dân Iraq mua đá để giải nhiệt. ẢnhAFP.

 

 

 

 

Lưới điện quốc gia Iraq hiện nay chỉ có thể cung cấp điện khoảng 4-5/h mỗi ngày. Các chuyên gia cảnh báo biểu tình và bất ổn sẽ sớm nổ ra trên diện rộng nếu người dân bị phong tỏa tại nhà mà không có điện.

 

 

Đợt cắt điện mới nhất đã làm biểu tình và xô xát với cảnh sát nổ ra ở hai tỉnh Misan và Wassit. Ít nhất 12 người bị thương sau các vụ bạo lực, trong đó có 7 cảnh sát.

 

 

Ở thủ đô Baghdad, hàng trăm người đã biểu tình phản đối chính phủ sau khi cả điện và nước đều bị cắt hôm 2/7.

 

 

Haider Hussein, một công nhân 32 tuổi sống ở Baghdad, cho biết: "Tình hình chỉ ngày càng tồi tệ hơn. Chúng tôi có thể chịu được cắt điện, dù là 10 tiếng một ngày, nhưng họ phải cho chúng tôi thứ gì đó chứ".

 

 

 

Tại Basra, người dân địa phương cho biết điện đã hoàn toàn bị cắt và căng thẳng đang âm ỉ. Các gia đình có điều kiện phụ thuộc vào máy phát điện tự trang bị, trong khi những người nghèo hoàn toàn sống trong cảnh mất điện.

 

 

 

Một số tỉnh bị cắt điện nghiêm trọng nhất như Najaf, Diwanief, Diyala và Basra đã cắt giảm thời gian làm việc để đối phó với nhiệt độ mùa hè tăng cao. Người lao động chỉ phải đi làm từ 8h-12h mỗi ngày. Bên cạnh đó, công nhân được nghỉ làm vào thứ 4 và thứ 5.

 

 

 

 

Nhiều cư dân Iraq đi bơi ở bến cảng al-Maaqil, trên sông Shatt Al-Arab giữa thời tiết nóng bức ở phía nam thành phố Basra, ngày 2 tháng Bảy, 2021. (Hussein Faleh/AFP)