Bộ Ngoại giao Đức cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền Mỹ trong việc thực hiện tuyên bố chung liên quan tới dự án xây dựng tuyến đường ống trị giá 11 tỷ USD của Nga.

 

 

 

Trạm tiếp nhận khí đốt của hệ thống đường ống dẫn khí trên bộ Dòng chảy Phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức), ngày 21/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

 

 

 

Ngày 28/11, Đức khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện thỏa thuận liên quan tới dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

 

 

Bộ Ngoại giao Đức cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền Mỹ trong việc thực hiện tuyên bố chung liên quan tới dự án xây dựng tuyến đường ống trị giá 11 tỷ USD này của Nga.

 

 

Liên quan đến việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt liên quan tới dự án này, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Về nền tảng, Đức phản đối các lệnh trừng phạt giữa các đồng minh.”

 

 

Berlin đã kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ không thông qua các biện pháp trừng phạt, cho rằng điều này sẽ làm "suy yếu" và “gây tổn hại” tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

 

 

Trước đó, sau nhiều năm tranh cãi, Đức và Mỹ hồi tháng Bảy đã đạt được bước đột phá trong bất đồng về dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Trong thỏa thuận đạt được, Mỹ sẽ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

 

 

Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 22/11 thông báo nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tiếp theo liên quan đến dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

 

 

Lệnh trừng phạt không nhắm đến công ty chính đang hoàn thành dự án, thay vào đó được áp đặt đối với công ty Transadria Ltd, cùng 2 tàu của công ty này, trong đó tàu Marlin bị đưa vào diện tài sản bị phong toả và một tàu khác chưa được tiết lộ.

 

 

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 dài hơn 1,200km, cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức và các nước Âu châu khác, là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua.

 

 

Mặc dù vấp phải nhiều phản đối nhưng chính phủ Đức vẫn quyết tâm hoàn thành dự án, vì đường ống này được đánh giá có tầm quan trọng rất lớn đối với vấn đề an ninh năng lượng của nền kinh tế đứng đầu Âu châu này.