Lý do việc làm của Trung Quốc sẽ ào ạt chảy sang Ấn Độ

 

Một công nhân đi ngang qua một khu chung cư do nhà phát triển địa ốc Trung Quốc Evergrande xây dựng ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, vào ngày 28/09/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

 

 

QUỐC TẾ - Trong bốn thập niên, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, dù cho không được đồng đều, nhờ dòng đầu tư ngoại quốc và bí quyết công nghệ dường như không ngừng nghỉ từ phương Tây, nguồn lao động giá rẻ dường như vô tận, và các thị trường mở to lớn luôn khao khát mua bất cứ mặt hàng nào mà Trung Quốc sản xuất.

 

 

Phương Tây khiến Trung Quốc giàu có

Kết quả là, các trung tâm sản xuất toàn cầu đã chứng kiến các ​​cơ sở sản xuất của họ biến mất nhanh chóng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khi các công ty chuyển đến Trung Quốc nhằm duy trì khả năng cạnh tranh, tận dụng một loạt lợi thế về chi phí ở Trung Quốc. Toàn bộ ngành công nghiệp của Hoa Kỳ — từ dệt may đến điện tử, phụ tùng xe hơi, máy điện toán, và thậm chí ngay cả các hệ thống quân sự mang tính chiến lược cao — đều đã biến mất trong vòng vài năm, nếu không muốn nói là chỉ sau một đêm. Người ta ước tính rằng chỉ riêng ở Hoa Kỳ, hơn 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã bị mất vào tay Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2018.

 

Trung Quốc đã chứng kiến ​​​​sự trỗi dậy của một giai tầng trung lưu, với ước tính khoảng 800 triệu người thoát nghèo từ năm 1979 đến năm 2014. Một giai tầng thượng lưu “mới nổi” cũng xuất hiện, với các thương gia, những ông trùm công nghệ, các nhà sản xuất ngày càng trở nên phi thường giàu có, và các đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng vậy. Giờ đây, đó là một đảng gồm nhiều triệu phú và tỷ phú. Chỉ cách đây vài năm (trước dịch COVID-19), lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình còn tự hào tuyên bố rằng ĐCSTQ là lực lượng trực tiếp đứng sau sự tăng trưởng và thành công chưa từng có của Trung Quốc.

 

Nhưng những ngày đó đã qua rồi.

 

 

Một cuộc sụp đổ có thể đoán trước

Trạng thái tăng trưởng siêu tốc và kéo dài trên diện rộng của Trung Quốc đi đến hồi kết là điều mà người ta phần nào có thể đoán trước được, cũng như cuộc thoái trào lớn mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Các nhà quan sát Trung Quốc như ông Gordon Chang (và xin tự xưng một cách khiêm tốn, là tôi) đã thấy trước kết cục này từ nhiều năm trước đây, nếu không muốn nói là hàng thập niên trước đây như trong trường hợp của ông Chang. Mặc dù không ai (theo như tôi được biết) lường trước được cảnh tượng dịch bệnh COVID-19 bùng phát và những đợt phong tỏa kéo dài sau đó của ĐCSTQ, nhưng những diễn biến như vậy rất có khả năng xảy ra trong một chuỗi dài sai lầm và những hành vi bóp méo kinh tế vốn đã kích thích cho cuộc sụp đổ mà Trung Quốc đang trải qua.

 

Qua sự phụ thuộc vào vốn và công nghệ ngoại quốc (sự lạm dụng lâu dài đối với các đối tác thương mại), một nền kinh tế dựa trên hối lộ, việc bóp méo thị trường địa ốc, và đánh cắp từ chính người dân của họ một cách tràn lan, ĐCSTQ đang từng bước phát hiện ra rằng quy luật lợi suất giảm dần rốt cuộc đã phát huy tác dụng. Hầu hết các đối tác thương mại của Trung Quốc, dù ở phương Tây hay trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đều không còn tin tưởng ĐCSTQ sẽ giao dịch công bằng và muốn giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc. Cùng với nhiều công ty khác, các công ty lớn như Apple, công ty đã giúp xây dựng lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc, đang rời đi.

 

 

Trung Quốc là một lựa chọn có thể thay thế

Các yếu tố tiêu cực đang tiếp tục gia tăng. Tác động của cuộc khủng hoảng địa ốc, ngành công nghiệp chiếm khoảng ⅓ GDP Trung Quốc, đang tiếp tục lan tỏa ra khắp nền kinh tế. Đồng thời, sự xa lánh về mặt văn hóa đối với một dân số già đi với số lượng đang suy giảm nhanh chóng cũng vậy.

 

Trên thực tế, lần đầu tiên sau 40 năm, lượng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, và Nam Hàn đang chảy ra khỏi Trung Quốc với số lượng nhiều hơn số vốn được đổ vào. Không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng đó sẽ sớm đảo chiều. Điều đáng lo ngại là khi mọi thứ ngày càng trở nên tệ hại, thì ĐCSTQ càng phải trở nên áp bức hơn để giữ lấy quyền lực. Quả là một vòng xoáy đi xuống. Tình hình của Trung Quốc hiện nay chính là như vậy.

 

Nói tóm lại, theo quan điểm của thế giới, Trung Quốc là một lựa chọn có thể thay thế được. Các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia được hưởng lợi trực tiếp từ xu thế này, trong đó Ấn Độ sẽ là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc. Ai cũng đều thấy rõ điểm này.

 

 

Ấn Độ sẽ là câu chuyện phát triển lớn tiếp theo

 

Ấn Độ có vị thế tốt để trở thành câu chuyện phát triển lớn tiếp theo. Quốc gia này sở hữu một nền tảng dân số ngày càng gia tăng, với phần lớn công dân là người có trình độ học vấn cao, một nền văn hóa thiên hướng Tây phương hơn do từng là một thuộc địa của Anh quốc, và các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ khách hàng cũng như tự động hóa đã kiện toàn, v.v. Hơn nữa, Ấn Độ còn có lợi thế là thân thiện với phương Tây, hay nói cách khác, họ không như Trung Quốc.

 

Nhìn từ góc độ đầu tư ngoại quốc, nguồn vốn toàn cầu đang chảy mạnh vào ngành công nghiệp máy điện toán và tự động hóa của Ấn Độ. Không ai kỳ vọng nền kinh tế trị giá 3.75 ngàn tỷ USD của Ấn Độ sẽ thách thức được nền kinh tế 15 ngàn tỷ USD của Trung Quốc ngày nay, nhưng nhìn từ góc độ tăng trưởng, Ấn Độ có cơ hội tốt hơn nhiều. Ngay khi thời cơ chín muồi, các công ty sẽ nhanh chóng chớp lấy cơ hội để thay thế các thực tiễn kinh doanh bất lợi mà họ phải đối diện ở Trung Quốc bằng môi trường kinh doanh dễ chịu hơn của Ấn Độ. Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường OnePoll thực hiện gần đây trên 500 giám đốc điều hành Mỹ cho thấy 61% sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang Ấn Độ ngay khi cơ sở hạ tầng sẵn sàng.

 

 

Các xu hướng dài hạn đang thuận lợi cho Ấn Độ

 

Nhưng cùng lúc, cơ sở hạ tầng đường sá chưa phát triển và những trở ngại trong phân phối của Ấn Độ đang tạo ra những thách thức lớn cần phải vượt qua. Tuy nhiên, một số xu hướng dài hạn đang cho thấy những tín hiệu tích cực dành cho Ấn Độ, quốc gia sẽ tiếp tục thu hút việc làm từ Trung Quốc.

 

Không giống như Trung Quốc, Ấn Độ đang chứng kiến ​​thu nhập tăng lên, có nghĩa là nhu cầu trong nước về hàng hóa và dịch vụ sẽ mạnh hơn. Dân số thuộc giai tầng thượng lưu và trung lưu của Ấn Độ sẽ sớm đạt khoảng 400 triệu người, cung cấp một thị trường cởi mở hơn cạnh tranh với Trung Quốc, và sẽ thu hút các sản phẩm cao cấp. Ngược lại, Trung Quốc từ chối mở cửa phần lớn thị trường nội địa của nước này cho phương Tây.

 

Trong thập niên qua, chính phủ Ấn Độ đã bắt tay vào việc thực hiện những cải tổ về mặt cấu trúc để cải thiện môi trường kinh tế và đầu tư, đồng thời làm cho đất nước trở nên thân thiện hơn với doanh nghiệp. Họ cũng đã cam kết chuyển đổi kỹ thuật số cho toàn quốc. Quốc gia này hiện có một trong những cộng đồng trực tuyến lớn nhất thế giới, với mức phí dữ liệu thấp và việc áp dụng rộng rãi Giao diện Thanh toán Hợp nhất (UPI), dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ trong nền kinh tế trực tuyến của họ.

 

 

Bắc Kinh cảnh báo về ‘phi Trung Quốc hóa’

Phản ứng của ĐCSTQ trước những nỗ lực giảm thiểu rủi ro của phương Tây là gượng gạo và dễ đoán. Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng Hai, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo châu Âu và Hoa Kỳ rằng “Bất cứ ai cố gắng phi Trung Quốc hóa dưới danh nghĩa giảm rủi ro sẽ phạm phải một sai lầm lịch sử.”

 

ĐCSTQ không thừa nhận rằng các chính sách của họ đã phạm phải “những sai lầm lịch sử” trong nhiều trường hợp. Giai tầng trung lưu của nước này đang thu hẹp, dân số và nền kinh tế cũng vậy. Những thất bại đó không phải là kết quả của việc giảm thiểu rủi ro mà là hậu quả trực tiếp từ các chính sách của ĐCSTQ.

 

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

 

 

(Epochtimes Việt ngữ - Nhật Thăng biên dịch)

(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)

 

 

James Gorrie

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Ông James R. Gorrie là tác giả cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông ấy sống tại Nam California.