Quang cảnh lễ tang Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Peter ở Vatican, ngày 26/04/2025. AP - Alessandra Tarantino

 

 

Sau buổi thánh lễ tại quảng trưởng Thánh Peter với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia, hôm 26/04/2025, một biển người đã đến đưa tiễn linh cữu của Giáo hoàng, an nghỉ tại Vương cung thánh đường Đức bà cả (Basilica Papale di Santa Maria Maggiore), tại Roma, Ý, nơi ngài, sinh thời, thường đến cầu nguyện sau mỗi chuyến công du nước ngoài.

 

Sáng ngày 27/04, nhiều tín đồ tiếp tục đến để thăm viếng linh cữu của Giáo hoàng, được chở từ Vatican đến Vương cung thánh đường Đức bà cả. Vatican trước đó đã thông báo để tang cho vị Giáo hoàng người Nam Mỹ trong 9 ngày, và thánh lễ sẽ được tổ chức hàng ngày tại Nhà thờ Thánh Peter cho đến ngày 04/05. Francis cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử không lựa chọn an táng tại Vatican, mà chọn một nhà thờ được đặt ở trung tâm thủ đô Ý.

 

Vatican cũng sẽ sớm tổ chức mật nghị, quy tụ các hồng y từ khắp nơi trên thế giới để bầu ra tân Giáo hoàng theo quy tắc có từ lâu đời tại Nhà nguyện Sistina. Theo AFP, có khả năng Vatican sẽ thông báo lịch cụ thể vào thứ Hai 28/04.

 

Giới trẻ mong đợi gì từ vị tân Giáo hoàng, đặc phái viên Murielle Paradon cho biết thêm thông tin:

« Tang lễ của Giáo hoàng đã kết thúc. Những tín đồ đã tự hỏi ai sẽ là người kế vị ngài. Nhiều thanh niên có mặt tại tang lễ bày tỏ lòng kính trọng đối với vị Giáo hoàng Francis vì tính nhân văn của ngài, như cô Laura: « Cần phải thúc đẩy các giá trị và nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau của Giáo hoàng, cũng như là việc chào đón và bác ái với tất cả mọi người ».

 

Cô Blanca, đến từ thành phố Brest miền tây nước Pháp, thì bày tỏ mong muốn vị Giáo hoàng tương lai sẽ tiếp tục công cuộc « mở cửa » mà ngài Francis đã bắt đầu, về những vấn đề xã hội. Cô nói: «  Tôi cho rằng Giáo hoàng Francis đã đặt chút nền tảng cho mọi thứ, đặc biệt là cho phép giáo hội cởi mở hơn, chẳng hạn như việc ban phước cho các cặp đôi đồng tính. Tôi nghĩ đó là bước đầu tiên của giáo hội, và cũng là hướng đi của cộng đồng. Tôi hy vọng rằng tân Giáo hoàng sẽ tiếp tục đi theo hướng đó và có thể tiếp tục xây dựng những gì mà Giáo hoàng Francis đã khởi xướng ».

 

Về phần mình, cô Elsa tỏ ra dè dặt về việc lựa chọn Giáo hoàng tương lai, và để cho cuộc mật nghị các hồng y quyết định.

 

Cuộc Mật nghị (conclave) sẽ sớm diễn ra. Hiện đã có nhiều tranh luận giữa việc lựa chọn một Giáo hoàng theo chủ nghĩa truyền thống hơn, mà một số người cho rằng đó sẽ là một bước thụt lụt của giáo hội, hay chọn một Giáo hoàng theo chủ nghĩa tiến bộ, có thể sẽ tiếp tục các đường hướng tương tự như Giáo hoàng Francis. Đó cũng là những câu hỏi mà chúng tôi tự đặt ra và tất mong chờ kết quả từ cuộc mật nghị này ».

 

Cuộc mật nghị hồng y sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày nữa để bầu ra Giáo hoàng tương lai.

 

 

Achentina: Hàng ngàn người tiễn biệt Giáo hoàng tại quê hương ngài

 

Còn tại quê hương của Giáo hoàng, hàng ngàn người Achentina đã đến tiễn biệt ngài ở thủ đô Buenos Aires, thông tín viên Théo Conscience tường thuật:

« Phút mặc niệm đã kết thúc trong tiếng reo hò, tổng giám mục Buenos Aires, cha Cuerva, nghẹn ngào, tưởng nhớ về Giáo hoàng. « Ngài đã lên thiên đàng, và khuấy động từ trên cao ».

 

Sự khuấy động đó tương tự như cách mà ngài đã kêu gọi những người trẻ trong Ngày giới trẻ thế giới 2013. « Trong một trong những lá thư gửi giới trẻ, Giáo hoàng đã viết rằng: Đừng trở thành khách du lịch, mà hãy dấn thân, và đừng thờ ơ ».

 

Anh Danilo, 24 tuổi cho biết: « Tôi nghĩ rằng đó là thách thức lớn nhất của chúng tôi, « gây náo loạn » là điều mà ngài muốn nói đến: « Hãy thay đổi thực tế đi, hãy đi ngược lại xu hướng. Trong một thế giới thường đề cao chủ nghĩa cá nhân, Đức Giáo hoàng kêu gọi chúng ta đoàn kết, tỏ ra dấn thân hơn vì người khác, và gây náo động trên đường phố ».

 

Đối với cha xứ Pedro Baya, Đức Giáo hoàng Francis khi thành công trong việc kêu gọi, chất vấn giới trẻ, đã đưa Giáo hội tiến vào thế kỷ 21.

 

Cha Baya nói: « Ngài đã đưa người nghèo, người di cư, môi trường và nền kinh tế nhân văn hơn trở thành mối quan tâm chính. Ngài đã để lại một giáo hội đổi mới liên tục, hướng tới tương lai ».

 

Một ngày kết thúc trong không khí náo động vui tươi, vì không thể khác hơn được, với một cuộc hành hương, bước theo dấu chân của Đức Francis tại thủ đô của nước Achentina (Á Căn Đình).

 

 

 

(Theo RFI)