Chất bán dẫn được sử dụng trên bảng mạch cung cấp năng lượng cho máy quay video Samsung tại sự kiện phân tích và truyền thông di động hóa Samsung ở San Jose, California, vào ngày 23 tháng 3 năm 2011. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

 

 

 

Theo nguồn tin từ Nhật báo kinh doanh Nga Kommersant, tỷ lệ hỏng hóc chip Nga nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 2% trước chiến tranh Ukraine lên tới 40%. Liệu “quan hệ hợp tác không giới hạn” mà Nga và Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 2 có "lung lay" sau sự cố này?

 

Theo Nhật báo kinh doanh Nga Kommersant, trước khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, tỷ lệ hỏng hóc của chip Trung Quốc xuất khẩu sang Nga là 2%, nhưng hiện đã lên tới 40%. Điều này cho thấy tỷ lệ hỏng hóc tăng 1.900% trong những tháng gần đây.

 

Tỷ lệ hỏng hóc 2% vốn đã là quá cao, cho thấy nhiều sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Nay tỷ lệ hỏng hóc lên tới 40% chứng tỏ rằng, các nhà cung cấp mặt hàng này về cơ bản không đạt yêu cầu.

 

Tờ Kommersant đã trích dẫn một nguồn ẩn danh, đổ lỗi cho cả đại dịch COVID-19 lẫn các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga gần đây.

 

Theo tờ báo, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Nga và buộc nước này phải nhập khẩu một lượng lớn chất bán dẫn thành phẩm từ các nhà cung cấp trái phép ở "thị trường xám". Đây được cho là những nhà sản xuất không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

 

Thứ hai, các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ đứng đầu đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài rời bỏ thị trường Nga. Do đó, các nhà phân phối và các nhà khai thác không chính thức đã trở thành những thực thể duy nhất sẵn sàng giao dịch với các nhà máy Nga.

 

Theo tờ Kommersant, các nhà sản xuất thiết bị điện tử của Nga về cơ bản không thể sản xuất được các sản phẩm. Bởi vì, ngoài tỷ lệ hỏng hóc của chip Trung Quốc cao, các nhà sản xuất thiết bị điện tử của Nga còn vấp phải sự "tắc nghẽn" trong chuỗi cung ứng do chiến tranh Nga-Ukraine.

 

Nga đang sở hữu nhiều trang thiết bị hiện đại, nhất là khí tài quân sự vốn đòi hỏi nhiều loại linh kiện bán dẫn khác nhau. Nhưng có đến 40% chip nhận được lại bị lỗi, về cơ bản không thể dùng vào việc gì, theo tờ Tomshardware.

 

Nhưng báo này cũng cho hay, vấn đề là không thể khẳng định liệu các "đại lý" Trung Quốc có mua các công nghệ liên quan rồi bán lại cho Nga hay không.

 

Sự phụ thuộc của Nga vào công nghệ phương Tây, đặc biệt là chip, chính là trọng tâm của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga vì cuộc chiến tại Ukraine.

 

Theo đó, Washington cho rằng việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích buộc Nga ngừng cuộc xâm lược tại Ukraine. Bên cạnh đó, chính quyền ông Biden tin rằng, lệnh cấm vận sẽ hạn chế đáng kể khả năng hiện đại hóa quân sự và các chương trình vũ trụ của Nga, khiến nước này "thụt lùi" về công nghệ trong những năm tới.

 

Trung Quốc thường được biết đến với các tuyên bố chống tham nhũng và phát triển các sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trước sự cố khó hiểu này, liệu “quan hệ hợp tác không giới hạn” mà Nga và Trung Quốc tuyên bố hồi tháng 2 có "lung lay"?

(Nguồn: ntdvn.net)