Tổng thống Nga, Vladimir Putin được chủ tịch Bắc Hàn, Kim Jong Un ra tận phi trường quốc tế Sunan, ngoại ô Bình Nhưỡng, đón tiếp. Ảnh ngày 19/06/2024. AP - Gavriil Grigorov

 

 

QUỐC TẾ - Mối quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) bước vào « một kỷ nguyên thịnh vượng mới » với một thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược được tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo Kim Jong Un ký ngày 19/06/2024 tại Bình Nhưỡng. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO lo ngại Nga hỗ trợ chương trình hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử của Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) đổi lấy vũ khí thông thường để sử dụng trên chiến trường Ukraine.

 

Theo Reuters, Hoa Kỳ cáo buộc Bắc Hàn cung cấp cho Nga « vài chục hỏa tiễn đạn đạo và hơn 11.000 container đạn dược ». Sau cuộc họp với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/06, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định với báo chí Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « quan ngại về sự hỗ trợ của Nga dành cho Bắc Hàn trong chương trình  hỏa tiễn đạn đạo và nguyên tử ».

 

Mối quan hệ này, cũng như việc Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của Nga, cho thấy những thách thức về an ninh ở Âu châu liên quan đến Á châu đến mức độ nào. Ông Jens Stoltenberg cảnh báo đến một lúc nào đó, Bắc Kinh phải lĩnh « hậu quả » vì « họ không thể tiếp tục duy trì quan hệ thương mại bình thường với các nước Âu châu cùng lúc với việc nuôi dưỡng cuộc chiến lớn nhất mà Âu châu đang trải qua kể từ Thế Chiến II ».

 

Trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Bảy, với khả năng cựu thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có thể được bầu là tổng thư ký, NATO sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với các đối tác Á châu -Thái Bình Dương, gồm Úc, New Zealand, Nam Hàn (Nam Triều Tiên) và Nhật Bản.

 

 

Nga muốn khai triển hỏa tiễn tầm xa ở Á châu và Nam Mỹ

 

Vào lúc tổng thống Putin công du Bình Nhưỡng, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergueï Ryabkov, được hãng thông tấn TASS trích dẫn ngày 19/06, cho biết, Moscow có « nhiều đối tác bạn hữu » ở Á châu và Nam Mỹ và « đã đề cập vấn đề (khai triển vũ khí tầm xa) với một số đối tác này »

 

Về mối quan hệ với Mỹ, ông cho biết là « bị giảm xuống mức tối thiểu. Không có trao đổi về các vấn đề chính trị, ngoài một số cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế ». Mối quan hệ này sẽ còn xấu đi nữa vì các biện pháp đáp trả của Moscow sau khi Mỹ và Âu châu quyết định trưng dụng tiền lãi từ tài sản của Nga để tài trợ cho Ukraine.

 

(Theo RFI Việt ngữ)