Dan Viet Newspaper

Biểu tượng ứng dụng chia sẻ video TikTok trên điện thoại di động. (Ảnh: Getty Images)

 

VƯƠNG QUỐC ANH - Hôm thứ Năm (16/3), Vương Quốc Anh thông báo cấm ứng dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ, sau khi các nước phương Tây có động thái tương tự do lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin.

 

Theo hãng tin Reuters, TikTok ngày càng bị giám sát chặt chẽ do các quốc gia lo ngại rằng dữ liệu người dùng từ ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh có thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc, làm suy yếu lợi ích an ninh của phương Tây.

 

Người đứng đầu Văn phòng Nội các Anh Oliver Dowden cho hay “Việc bảo mật thông tin nhạy cảm của chính phủ phải được đặt lên hàng đầu, vì vậy từ hôm nay chúng tôi sẽ cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Vương Quốc Anh sẽ xem xét việc sử dụng các ứng dụng trích xuất dữ liệu khác”.

 

Chính phủ Anh đã yêu cầu Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia xem xét lỗ hổng tiềm tàng của dữ liệu chính phủ từ các ứng dụng mạng xã hội và rủi ro xung quanh cách truy cập, sử dụng thông tin nhạy cảm.

 

Trước Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, Bỉ và Ủy ban Châu Âu cũng đã cấm ứng dụng này trên thiết bị của chính phủ.

Ông Dowden nói "Hạn chế sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ là một bước thận trọng và phù hợp theo lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng".

 

Phản ứng trước động thái này của Vương Quốc Anh, đại diện TikTok cho biết họ rất “thất vọng” về quyết định của Anh và các nước phương Tây. Đồng thời, phía TikTok cho biết họ đang thực hiện các bước để bảo vệ dữ liệu người dùng châu Âu.

 

Phát ngôn viên của TikTok cho biết: “Chúng tôi tin rằng lệnh cấm này dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản và được thúc đẩy bởi động cơ địa chính trị. Chúng tôi vẫn cam kết hợp tác với chính phủ để giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào nhưng phải được đánh giá dựa trên sự thật và đối xử bình đẳng với các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”.

 

Cùng với đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho rằng quyết định cấm TikTok dựa trên những tính toán chính trị hơn là thực tế.

 

Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho hay "Động thái này can thiệp vào hoạt động bình thường của các công ty có liên quan ở Anh và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại đến lợi ích của chính nước Anh".

 

Theo ông Dowden, lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức. Thiết bị chính phủ Anh hiện chỉ có thể truy cập ứng dụng của bên thứ ba trong danh sách được phê duyệt trước. Ông cũng nói thêm rằng sẽ có một số trường hợp miễn trừ, khi TikTok được phép cài trên thiết bị của chính phủ vì mục đích công việc.

 

Các cơ quan chính phủ và nhiều Bộ trưởng của Anh ngày càng yêu thích việc sử dụng TikTok và nhiều nền tảng khác để giao tiếp với cử tri.

 

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều xung quanh quyết định cấm TikTok của chính phủ Anh. Bộ trưởng Bộ An ninh Năng lượng Grant Shapps cho biết, lệnh cấm các thiết bị của chính phủ là hợp lý, nhưng ông sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng này trên điện thoại cá nhân của mình.

 

Ngay trước khi Vương Quốc Anh ban hành lệnh cấm TikTok, Bộ Quốc phòng Anh đã đăng một video trên nền tảng này cho thấy quá trình quân đội Anh huấn luyện lực lượng Ukraine sử dụng xe tăng chiến đấu Challenger 2.

 

Đài NBC đưa tin, tháng trước, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu nhân viên của các cơ quan liên bang phải xóa TikTok khỏi tất cả các thiết bị di động do chính phủ cấp. Cùng với đó, Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng, lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ đã ban bố lệnh cấm ứng dụng này.

 

Đáp lại, Trung Quốc hôm 16/3 đã cáo buộc Hoa Kỳ truyền bá thông tin sai lệch đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng "đàn áp một cách vô lý" TikTok, ứng dụng có hơn một tỷ người dùng trên toàn cầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói "Đến nay, Mỹ không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy TikTok đe dọa đến an ninh quốc gia của họ".

 

Những nỗ lực cấm TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, đã tăng lên nhanh chóng trong những tháng gần đây. Những người tố giác cả TikTok và ByteDance đã nói với Thượng nghị sĩ Mỹ Josh Hawley và tờ Washington Post rằng các nhân viên TikTok và ByteDance có thể “chuyển đổi giữa dữ liệu của Trung Quốc và Hoa Kỳ chỉ bằng cách nhấp vào một nút sử dụng một công cụ độc quyền gọi là Dorado". Phía TikTok đã phủ nhận cáo buộc này.

 

Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) vẫn kiên trì theo đuổi cuộc điều tra TikTok trong nhiều năm, bất chấp việc một số nhà lập pháp đã thúc giục cơ quan này kết thúc cuộc điều tra. Theo tờ Forbes, cơ quan này gần đây đã đe dọa sẽ cấm ứng dụng này ở Hoa Kỳ, trừ khi các cổ đông của TikTok ở Trung Quốc bán cổ phần của họ trong công ty.

(Theo ntdvn.net)