Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 29/7, toàn cầu ghi nhận 16.871.053 người mắc Covid-19, trong đó có 661.982 ca tử vong và 10.433.113 bệnh nhân bình phục.
Chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại New York, Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Nhiều người cho rằng, SARS-CoV-2 khó phát triển vào mùa Hè, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giối (WHO) cho rằng, sự lây lan của virus này dường như không bị ảnh hưởng bởi mùa nóng hay mùa lạnh và cảnh báo đây là những suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Phát ngôn viên của WHO, Margaret Harris, cho biết, một số quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện ở vào các mùa khác nhau trong năm. Điển hình như Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bênh, đang là mùa Hè trong khi Brazil, quốc gia đứng ngay sau Mỹ về số ca nhiễm và tử vong, lại đang trong mùa Đông.
Tại Mỹ, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 60.359 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1.067 ca tử vong, cao nhất trong 3 ngày trở lại đây. Hai ngày trước đó, số ca tử vong ở mức dưới 600 trường hợp.
Cho đến nay, Mỹ đã 4.493.769 người mắc Covid-19, trong đó có 152.142 trường hợp tử vong và 2.174.154 bệnh nhân đã bình phục, xuất viện.
Sau Mỹ, các quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 và thứ 3 toàn cầu lần lượt là Brazil với 2.483.191 ca nhiễm, 88.539 ca tử vong và Ấn Độ với 1.532.135 ca nhiễm, 34.224 ca tử vong.
* Tại châu Âu, ngày 28/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, nhiều dấu hiệu làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 đang xuất hiện một số nơi ở châu lục này và để ngỏ khả năng Anh có thể sẽ yêu cầu cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ một số quốc gia khác ngoài Tây Ban Nha.
Tình trạng gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Liên minh châu Âu (EU) trong tuần qua khiến nhiều nước trong khối dự định sẽ lại đưa ra một số quy định thắt chặt đi lại. Hiện các nước Đức, Pháp và Bỉ đã tái áp dụng một số biện pháp như lệnh giới nghiêm, giãn cách xã hội và cách ly bắt buộc.
Ông Johnson cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở Anh sẽ xảy ra vào mùa Thu trong bối cảnh các công ty đang chuẩn bị kêu gọi nhân viên của mình trở lại làm việc tại công sở từ tháng 8.
Tuy vậy, ông Johnson trấn an các doanh nghiệp khi nói rằng làn sóng thứ 2 sẽ không tồi tệ như lần đầu và nhấn mạnh Chính phủ sẽ tìm mọi cách để tránh áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, đồng thời bày tỏ hy vọng nước Anh sẽ hoạt động hoàn toàn bình thường trở lại vào mùa Xuân 2021.
Tính đến nay, Anh đã ghi nhận 300.692 người mắc bệnh với 45.878 ca tử vong.
Văn phòng báo chí Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Nga Rospotrebnadzor cho biết, hiện nước này có 261.722 người đang được giám sát y tế do nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2. Trong toàn bộ thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Nga đã thực hiện hơn 27,3 triệu xét nghiệm và hiện khoảng 185.000 xét nghiệm/ngày.
Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm gia tăng. Chỉ trong 7 ngày qua, Đức ghi nhận thêm trung bình 557 ca nhiễm mới/ngày, tăng so với 350 ca/ngày vào đầu tháng 6.
Theo Worldometers, cho đến nay, Đức xác nhận 207.951 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 9.207 ca tử vong. Trong ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Đức cập nhật khuyến cáo về du lịch, trong đó đề nghị công dân nước này không đi du lịch tới 3 vùng ở miền Bắc Tây Ban Nha vốn đang chật vật đối phó với dịch bệnh bùng phát trở lại.
Để phòng dịch bệnh lây lan, chính quyền khu vực thủ đô Madrid của Tây Ban Nha thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang toàn bộ thời gian trong ngày trong gói các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19.
Gói biện pháp phòng ngừa này còn bao gồm quy định các quán rượu đóng cửa trước 1h sáng, các nhà hàng có không gian ngoài trời hạn chế số lượng khách có mặt đồng thời trong quán dưới 10 người, cấm các buổi tụ tập riêng từ 10 người trở lên.
Ngoài ra, chính quyền Madrid cũng sẽ tăng cường kiểm tra y tế tại sân bay.
Tại Hy Lạp, Chính phủ cũng thông báo từ ngày 29/7 sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng kín.
* Tại châu Á, Trung Quốc đại lục thông báo đã ghi nhận thêm 68 ca mới trong ngày 28/7, gồm 4 ca "ngoại nhập" và 64 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca mới tăng cao. Tính đến hiện tại, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 83.959 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), theo một nghiên cứu mới nhất của Đại học Bách khoa Hong Kong đối với hơn 20 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng cho thấy, SARS-CoV-2 lây lan ở đặc khu hành chính này đến từ Kazakhstan và Phillipines.
Cùng ngày, Hong Kong tiếp tục ghi nhận 106 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 98 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc bệnh ở đặc khu này lên gần 2.900, trong đó có 23 ca tử vong. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở mức trên 100 ca.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 28 ca mới, trong đó có 23 ca "ngoại nhập", nâng tổng số ca mắc bệnh lên 14.203 với 300 ca tử vong.
Tình hình dịch Covid-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Indonesia. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, trong ngày 28/7, Indonesia phát hiện thêm 1.748 ca mới, nâng tổng số lên 102.051 ca, trong khi số ca tử vong tăng 63 ca lên 4.901 ca. Số ca mắc trong ngày ở quốc gia Đông Nam Á này hiện ở mức trên 1.500 ca.
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran thông báo đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 235 ca không qua khỏi. Theo đó, tổng số ca tử vong tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất Trung Đông này tăng lên 16.147 ca trong số 296.273 ca nhiễm.
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran lưu ý tình hình dịch đáng lo ngại khi số ca nhập viện mỗi ngày đang tiến tới mốc ghi nhận vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 3. Tỉnh Tehran đã được đưa vào danh sách 15 trong số 31 tỉnh tại Iran cảnh báo “đỏ” về dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên tỉnh đông dân nhất Iran bị đưa vào danh sách trên kể từ đỉnh dịch đầu tiên. Màu đỏ là mức cao nhất trong thang cảnh báo dịch Covid-19 tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
* Tại châu Phi, số ca nhiễm đang tiến tới mức 1 triệu ca, trong khi giới chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh sắp tới sẽ tồi tệ hơn tại lục địa này vốn đang chật vật vì hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực kinh tế hạn hẹp.
Theo Worldometers, tính đến ngày 28/7, các quốc gia châu Phi ghi nhận tổng cộng hơn 877.566 ca nhiễm với 18.540 ca tử vong. Chuyên gia Mary Stephens tại Văn phòng WHO khu vực châu Phi cảnh báo, châu lục này chưa đạt đến đỉnh dịch, đồng thời lưu ý "tất cả các nước tại đây đang gặp rủi ro bởi hệ thống y tế khá yếu kém".