Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ, Lisa Monaco. Ảnh: SBS
QUỐC TẾ - Hôm thứ Hai 25/3, Hoa Kỳ và Anh Quốc khởi tố, tiến hành trừng phạt một số người, và cáo buộc Bắc Kinh về một chiến dịch gián điệp quy mô lớn trên mạng, bị xem là đã ảnh hưởng đến hàng triệu người bao gồm các nhà lập pháp, học giả và nhà báo cũng như các công ty, bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng. Các nhà chức trách ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đặt biệt danh cho nhóm tin tặc là Advanced Persistent Threat 31 (Mối đe dọa nghiêm trọng dai dẳng) hay “APT31”.
Họ cho rằng, nhóm này là một nhánh của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc.
Họ đưa ra một danh sách dài các mục tiêu: như nhân viên Toà Bạch Ốc, dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ, nghị sĩ Anh và các viên chức chính phủ trên khắp thế giới, vốn là những người chỉ trích Bắc Kinh.
Chỉ có một số nạn nhân được nêu tên rõ ràng, nhưng Mỹ cho hay, hoạt động gián điệp kéo dài hàng thập niên của những tay tin tặc, đã làm hại các nhà thầu quốc phòng, các nhà bất đồng chính kiến và nhiều công ty Hoa Kỳ, bao gồm các công ty thép, năng lượng và may mặc của Mỹ.
Trong số các mục tiêu có các nhà cung cấp thiết bị điện thoại di động 5G và công nghệ không dây hàng đầu.
Họ cũng nói rằng, đến cả vợ hay chồng của các viên chức cao cấp và các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng là mục tiêu.
Các bộ trưởng chính phủ Úc đã lên án việc nhắm mục tiêu vào các tổ chức dân chủ trong các cuộc tấn công mạng ở Anh và Mỹ.
Các tác nhân liên kết với nhà nước Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ chỉ đích danh, là kẻ đứng sau hai chiến dịch mạng độc hại nhắm vào các nghị sĩ Anh Quốc và 40 triệu cử tri, từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Penny Wong và Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil cho rằng, các cuộc tấn công là "không thể chấp nhận được và phải dừng lại".
Còn Chính phủ Úc cho biết, hệ thống bầu cử của Úc không bị xâm phạm, bởi các chiến dịch mạng nhắm vào Vương quốc Anh.
Trong khi đó, New Zealand cho biết ở giai đoạn nà,y họ không có kế hoạch công bố các biện pháp trừng phạt, nhưng lần đầu tiên tiết lộ một tác nhân do nhà nước Trung Quốc bảo trợ, đứng đằng sau một cuộc tấn công mạng vào năm 2021 nhằm vào quốc hội và các thượng nghị sĩ Tân Tây Lan.
Sự việc dẫn đến việc một số thông tin bị xóa, nhưng không có nội dung nào mang tính chất nhạy cảm, hoặc mang tính chiến lược.
Ông Andrew Clark là giám đốc cơ quan tình báo của đất nước, có tên là Cục An ninh Truyền thông Chính phủ (GCSB).
Ông cho rằng còn rất nhiều việc cần phải làm, để tăng cường các biện pháp bảo vệ.
Ông nói, "Mặc dù có lợi ích to lớn hàng ngày từ các công nghệ kỹ thuật số trong thế giới hiện đại, cũng có những rủi ro bị xâm phạm bởi các tác nhân độc hại. GCSB tiếp tục phát triển các công cụ mới, để giúp bảo vệ mạng và cung cấp khả năng phục hồi mạng, thông tin tình báo và lời khuyên cập nhật . Nhưng chúng tôi không phải là tường lửa quốc gia. An ninh mạng cần được đưa vào cuộc sống hàng ngày của mọi người."
Phía Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc, về các cuộc tấn công ở Mỹ, Anh và New Zealand, nói rằng chúng "hoàn toàn bịa đặt".
Trong khi đó Thứ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Lisa Monaco nói rằng, mục đích của hoạt động tin tặc ở quy mô toàn cầu này, là “đàn áp những người chỉ trích chế độ Trung Quốc, xâm phạm các tổ chức chính phủ và đánh cắp bí mật thương mại”.
Trong bản cáo trạng được công bố hôm 25/3 đối với 7 tay hacker Trung Quốc, các công tố viên Hoa Kỳ tại tòa nói rằng, hoạt động tin tặc đã dẫn đến những vụ xâm phạm đã được xác nhận, hoặc có thể xảy ra đối với các tài khoản công việc, email cá nhân, kho lưu trữ trực tuyến và hồ sơ cuộc gọi điện thoại của hàng triệu người Mỹ.
Giám đốc FBI Christopher Wray nói “Thông báo hôm nay vạch trần những nỗ lực liên tục và liều lĩnh của Trung Quốc, nhằm phá hoại an ninh mạng của quốc gia chúng ta, cũng như nhắm vào người Mỹ và hoạt động sáng tạo của chúng ta”.
Được biết Luân Đôn cáo buộc APT31, đã hack các nhà lập pháp Anh chỉ trích Trung Quốc và nói rằng, có một nhóm gián điệp Trung Quốc thứ hai, đứng đằng sau vụ hack cơ quan giám sát bầu cử của Anh, riêng vụ này đã gây hại đến dữ liệu của hàng triệu người nữa ở Vương quốc Anh.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Anh và Mỹ, bác bỏ những cáo buộc nêu trên là không có cơ sở.
Sứ quán Trung Quốc tại London gọi cáo buộc này, là “hoàn toàn bịa đặt và vu khống ác ý”.
Những tuyên bố kể trên được đưa ra cùng lúc cả Anh lẫn Mỹ, đều áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một công ty mà họ cho là công ty bình phong của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, có liên quan đến hoạt động hack.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong một tuyên bố cho biết, các lệnh trừng phạt nhằm vào hãng Khoa học và Công nghệ Vũ Hán Xiaoruizhi, cũng như đối với hai công dân Trung Quốc.
Còn Giám đốc FBI Christopher Wray nói trong một tuyên bố, “Thông báo hôm nay vạch trần những nỗ lực liên tục và liều lĩnh của Trung Quốc, nhằm phá hoại an ninh mạng của quốc gia chúng ta, cũng như nhắm vào người Mỹ và hoạt động sáng tạo của chúng ta”.
Được biết căng thẳng về các vấn đề liên quan đến gián điệp mạng, đã và đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, cùng lúc các cơ quan tình báo phương Tây ngày càng gióng lên hồi chuông cảnh báo, về các hoạt động tin tặc, bị xem là có sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc.