Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) phát biểu trước giới truyền thông tại thủ đô New Delhi vào ngày 24/6/2024. (Ảnh: -/AFP thông qua Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng và xung đột thương mại Mỹ - Trung không ngừng gia tăng, các doanh nghiệp Đài Loan đang chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ, người đứng đầu một tổ chức do Bộ Kinh tế Đài Loan thành lập cho hay.

 

 

Ông James Huang (Hoàng Chí Phương), Chủ tịch Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA - Taiwan External Trade Development Council), nói với Reuters hôm thứ Hai (ngày 15/7) rằng xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thúc đẩy Đài Loan tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ, đã tăng lên hơn 665 triệu USD trong 5 năm tính đến năm 2023. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào Ấn Độ trong 10 năm từ năm 2006 - 2017 còn chưa đến 277 triệu USD.

 

Ông Huang nói thêm: “Rất rõ ràng, ngày càng nhiều công ty Đài Loan đang chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc và thiết lập chuỗi cung ứng ở Ấn Độ”.

 

Đài Loan tuy có diện tích nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng lớn trên vũ đài thế giới. Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan là nhà sản xuất chip tiên tiến lớn nhất thế giới. Eo biển Đài Loan cũng là một trong những tuyến đường thủy quan trọng trên thế giới. Ấn Độ không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng hai bên đã thiết lập quan hệ thương mại chặt chẽ. Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn luôn tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và hy vọng sẽ nhận được nhiều đầu tư hơn từ Đài Loan để thúc đẩy phát triển ngành này.

 

Ông Huang cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch đưa các sinh viên và nhân tài Ấn Độ đến Đài Loan để đào tạo về chất bán dẫn. Điều này sẽ mở đường cho sự hợp tác trong tương lai của chúng tôi”. Ông Huang nói thêm rằng, sự chuyển dịch [hiện giờ] trong chuỗi cung ứng của Đài Loan chủ yếu tập trung ở ngành lắp ráp điện thoại di động và ngành giầy dép.

 

 

Trong năm tài chính tính đến tháng 3/2024, thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Đài Loan là 10,1 tỷ USD.

 

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhiều lần nổ ra xung đột trong vấn đề biên giới. Vào tháng 6/2020, quân đội hai nước đã giao tranh trực diện tại Thung lũng Galwan ở khu vực Ladakh và dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ. Phía Trung Quốc cũng có thương vong nhưng chính quyền nước này không công bố tổng số.

 

Xung đột biên giới đã khiến quan hệ Trung - Ấn xấu đi. Ấn Độ không khuyến khích các công ty của nước mình đầu tư và giao thương với Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã ra lệnh cấm trên toàn quốc đối với một số lượng lớn ứng dụng di động của Trung Quốc (bao gồm cả TikTok, WeChat) và giảm cấp thị thực cho công dân Trung Quốc. Nước này còn tung ra một loạt biện pháp nhằm tích cực thu hút các công ty nước ngoài chuyển ra khỏi Trung Quốc.

 

Đồng thời, quan hệ Trung Quốc - Đài Loan cũng đang xấu đi. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố phải thống nhất Đài Loan và đe dọa không từ bỏ lựa chọn thống nhất bằng vũ lực. Trong khi đó, chính phủ Đài Loan vẫn kiên quyết bác bỏ các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc và tuyên bố rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có thể tự quyết định tương lai của chính mình.

 

Căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng và sự bất ổn của môi trường sản xuất ở Trung Quốc đã tác động rất lớn đến các công ty đặt tại đây. Hãng tin Nikkei của Nhật Bản tiết lộ trong một bài viết vào tháng Năm năm ngoái rằng, các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) Đài Loan của các công ty Mỹ như Apple đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Những công ty này đang đầu tư vào những nước có chi phí lao động thấp hơn và ít rủi ro địa chính trị hơn, như Việt Nam và Ấn Độ.

 

Năm nay, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Powerchip (PSMC) của Đài Loan đã hợp tác với Tập đoàn Tata của Ấn Độ để xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại bang Gujarat nằm ở phía tây Ấn Độ, dựa theo một chương trình khuyến khích trị giá 10 tỷ USD.

 

 

(Theo The Epoch Times tiếng Trung)

(ntdvn.net; Minh Lý biên dịch)