Hình ảnh được lấy từ cảnh quay phim được ghi vào giữa tháng Sáu năm 2020 và được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát hành vào ngày 20 tháng 2 năm 2021 cho thấy binh lính Trung Quốc (tiền cảnh) và Ấn Độ (phải, hậu cảnh) trong một sự cố mà quân đội của cả hai nước đụng độ ở Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Thung lũng Galwan, thuộc Dãy núi Karakoram thuộc dãy Himalaya. (Ảnh: -/CCTV/AFP via Getty Images)

 

Á CHÂU - US News tiết lộ, Ấn Độ đã có thể đẩy lùi một cuộc xâm nhập quân sự của Trung Quốc vào lãnh thổ biên giới tranh chấp ở dãy núi Himalaya vào cuối năm ngoái nhờ sự chia sẻ thông tin tình báo chưa từng có với quân đội Mỹ.

 

Đó là hành động khiến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mất cảnh giác, phẫn nộ và dường như đã buộc ĐCSTQ phải xem xét lại cách tiếp cận đối với việc xâm chiếm đất đai dọc theo biên giới của mình.

 

Chính phủ Mỹ lần đầu tiên cung cấp thông tin tình báo chi tiết theo thời gian thực cho các đối tác Ấn Độ về vị trí và sức mạnh lực lượng của Trung Quốc trước một cuộc xâm nhập của PLA, theo một nguồn tin quen thuộc. Thông tin bao gồm hình ảnh vệ tinh chi tiết hơn và được chuyển giao nhanh hơn bất kỳ thứ gì mà Mỹ đã chia sẻ trước đây với quân đội Ấn Độ.

 

Và nó đã tạo nên sự khác biệt.

 

Cuộc đụng độ giữa binh lính Trung - Ấn vào ngày 9 tháng 12 năm ngoái với sự tham gia của hàng trăm binh sĩ cầm dùi cui có gai và súng điện không dẫn đến bất kỳ trường hợp tử vong nào như các cuộc chạm trán trước đó. Thay vào đó, nó chỉ giới hạn ở khoảng hơn chục người bị thương và – điều dễ thấy nhất – là sự rút lui của Trung Quốc.

"Họ đã chuẩn bị sẵn sàng. Và đó là vì Mỹ đã cung cấp cho Ấn Độ mọi thứ để chuẩn bị đầy đủ cho việc này”, nguồn tin cho biết. “Nó cho thấy một ví dụ thành công trong cách quân đội hai nước hiện đang hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo”.

 

Một số nhà phân tích và quan chức giấu tên đã xác nhận chi tiết về cuộc chạm trán cũng như vai trò của Mỹ, bao gồm cả sự hỗ trợ chưa từng có mà quân đội Mỹ cung cấp cho Ấn Độ trên thực địa. Đó chính là thành quả của một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai cường quốc nhằm đẩy lùi chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

“PLA nhìn chung đang trong giai đoạn thăm dò và thử nghiệm", Vikram Singh, cựu quan chức hàng đầu về các vấn đề khu vực tại Lầu Năm Góc, hiện làm việc cho Viện Hòa bình Mỹ, cho biết: “Họ muốn biết người Ấn Độ có thể và sẽ phản ứng như thế nào cũng như xem người Ấn Độ có thể phát hiện ra điều gì. Đó là về cách Trung Quốc chuẩn bị cho xung đột trong tương lai”.

Các binh sĩ Quân đội Ấn Độ đứng cạnh hệ thống radar điều khiển súng phòng không L70 nâng cấp ở Tawang, gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), thuộc bang Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ vào ngày 20 tháng 10 năm 2021. (Ảnh: MONEY SHARMA/AFP via Getty Images)

 

Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết nhiều tuần trước cuộc chạm trán, chính phủ Mỹ hoàn toàn nhận thức được rằng Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận thử nghiệm trong khu vực để xem liệu họ có thể giành được chỗ đứng mới trong khu vực hay không. Đó là những ngọn núi xa xôi ở đó hoặc trong lãnh thổ khác mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền.

 

Vài trăm binh sĩ PLA hoạt động ở phía Trung Quốc đã lên kế hoạch xem liệu họ có thể tiến lên và ở lại dọc theo phần biên giới không được phân định chính thức như họ đã làm trong quá khứ hay không. Đáng chú ý nhất là vào năm 2020 ở Thung lũng Galwan, cách đó vài nghìn km về phía tây, là lần gần nhất quân đội hai nước đụng độ. Cuộc ẩu đả đó đã gây ra cái chết cho hàng chục binh sĩ ở cả hai bên.

 

Nhưng cuộc chạm trán cuối năm 2022 không giống như trước đó, các lực lượng Ấn Độ đã xác định được vị trí của quân đội Trung Quốc bằng cách sử dụng thông tin tình báo do Mỹ cung cấp và cơ động để đánh chặn chúng.

 

Cơ sở cho việc chia sẻ thông tin tình báo này bắt nguồn từ một thỏa thuận mà chính phủ Ấn Độ và Mỹ đã ký vào năm 2020, được gọi là Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản về hợp tác không gian địa lý, hay BECA. Đây là thỏa thuận thứ tư đảm bảo mức độ hội nhập mới giữa hai cường quốc trong trao đổi thông tin quân sự, hậu cần, khả năng tương thích và an ninh.

 

Cũng như các cuộc chạm trán trước đây mà lực lượng Trung Quốc không giành được chiến thắng, các cơ quan thông tấn nhà nước và các quan chức Bắc Kinh vẫn khá im lặng về cuộc đụng độ đáng xấu hổ này. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vài ngày sau đó rằng tình hình ở biên giới "nhìn chung là ổn định".

 

Trước nay, Ấn Độ có truyền thống tránh xa các liên minh quân sự chính thức, duy trì an ninh bằng cách duy trì quan hệ với nhiều bên. Chẳng hạn như họ vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ với Nga, đối tác cung cấp vũ khí lâu đời cho quân đội Ấn Độ từ thời Liên Xô.

 

Tuy nhiên, điều đó bắt đầu thay đổi vào năm 2020 khi nhiều binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan. Đó cũng là thời điểm Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đang tìm cách đẩy nhanh hợp tác với New Delhi.

 

Kể từ cuộc giao tranh năm 2020, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm nóng. Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.

 

Ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, phát biểu trong một sự kiện của India Today hôm 18/3 rằng "Theo tôi, tình hình vẫn còn rất mong manh vì có những nơi lực lượng đôi bên triển khai rất gần nhau và theo đánh giá quân sự thì khá nguy hiểm".

 

Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc sẽ không thể trở lại bình thường cho đến khi tranh chấp biên giới được giải quyết phù hợp với thỏa thuận nguyên tắc mà ông đã đạt được với người đồng cấp Trung Quốc vào tháng 9 năm 2020.

Ông nói "Trung Quốc phải thực hiện những gì đã được thỏa thuận và họ đã chật vật với điều đó".

 

Ông Jaishankar cho biết mặc dù lực lượng của đôi bên đã rút khỏi nhiều khu vực nhưng các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành xoay quanh những điểm bất đồng.

"Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với phía Trung Quốc rằng không thể vi phạm hòa bình và yên tĩnh. Các bạn không thể vi phạm thỏa thuận và muốn phần còn lại của mối quan hệ tiếp tục như thể không có chuyện gì xảy ra. Điều đó là không thể biện hộ được".

 

(Theo ntdvn.net)