Tổng thống Tanzania trong tuần này đã hủy "khoản vay chết người" trị giá 10 tỉ USD từ Trung Quốc, nói rằng "chỉ có người điên mới chấp nhận các điều kiện vô lý của Bắc Kinh".

 

Tổng thống John Magufuli của Tanzania - Ảnh: East African Herald

 

Tổng thống John Magufuli của Tanzania vừa tạo một tiền lệ quan trọng cho các quốc gia châu Phi khi hủy gói vay 10 tỉ USD từ Trung Quốc dù thỏa thuận đã được ký từ thời chính quyền tiền nhiệm.

 

Thỏa thuận nhằm xây dựng một dự án cảng ở thị trấn Bagamoyo của Tanzania. Tổng thống của chính quyền tiền nhiệm, ông Jakaya Kikwete, đã đồng ý cho các nhà đầu tư Trung Quốc xây cảng với điều kiện họ được bảo lãnh 30 năm và thuê liên tục trong 99 năm.

 

Một yêu cầu gây sốc khác của các nhà đầu tư Trung Quốc là chính quyền Tanzania sẽ hoàn toàn không có quyền ý kiến về việc ai sẽ đầu tư vào cảng này trong suốt thời gian đó. Các điều kiện vay của Trung Quốc khiến nhiều tổ chức và người dân châu Phi yêu cầu tổng thống Tanzania hủy thỏa thuận vay.

 

Tổng thống đương nhiệm Magufuli đã tạm dừng khoản vay từ giữa năm ngoái và đề xuất đàm phán lại thỏa thuận, trong đó giảm thời hạn cho thuê xuống còn 33 năm.

 

Chính quyền ông Magufuli cũng muốn các nhà đầu tư Trung Quốc không được ưu đãi về thuế và phải chờ được chính quyền Tanzania thông qua trước khi bắt đầu các hoạt động tại cảng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không đáp ứng được hạn chót mà ông Magufuli đặt ra, vì vậy dự án vay bị hủy, theo tờ International Business Times.

 

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc bị cáo buộc đã đẩy các quốc gia nghèo đói ở châu Phi vào các bẫy nợ, cho các quốc gia này vay tiền để phát triển hạ tầng và và dùng khoản nợ này để thao túng các nước.

 

Trong khi đó, nhiều nước châu Phi vẫn lao vào các khoản vay dù biết rằng mình sẽ khó có thể trả nợ. Nguyên nhân được cho là do một số chính trị gia đã mờ mắt trước các khoản lại quả và lợi lộc đi kèm.

 

Phần lớn trong các trường hợp, nhà đầu tư Trung Quốc có thể siết nợ bằng cách thâu tóm các cơ sở quan trọng của các nước vay. Gần đây, chính phủ Kenya đã lo ngại việc mất nhiều cảng biển quan trọng vào tay Bắc Kinh vì nước này không trả được nợ.

 

Không chỉ ở châu Phi, Sri Lanka trước đó cũng buộc phải cho Trung Quốc thuê một cảng biển trong 99 năm để gán nợ.