Tính đến 6h ngày 9/6, theo thống kế của Worldometers, thế giới ghi nhận 7.188.208 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 408.229 ca tử vong và 3.506.728 bệnhngười bình phục.

 

 

Mỹ Latinh hiện là tâm dịch Covid-19 nguy hiểm của thế giới với hơn 50.000 ca tử vong và vẫn chưa đạt đỉnh dịch. (Nguồn: CNN)

 

 

Ngày 8/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19, khẳng định dịch bệnh đang diễn biến xấu đi trên toàn cầu và vẫn chưa đạt đỉnh tại Trung Mỹ.

 

Trả lời họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nêu rõ: "Đại dịch đã trải qua hơn 6 tháng, hiện không phải thời điểm để bất kỳ nước nào lơ là trong cuộc chiến chống Covid-19".

 

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết, số ca mắc bệnh tại các quốc gia Trung Mỹ vẫn đang trên đà gia tăng. Theo ông, đây là thời điểm đáng quan ngại, đồng thời ông kêu gọi chính phủ các nước lãnh đạo một cách vững vàng cũng như quốc tế hỗ trợ cho khu vực. Ông Ryan nói rằng, giờ đây cần tập trung vào việc ngăn chặn một đợt đỉnh dịch Covid-19 thứ hai.

 

Tiến sĩ Maria van Kerkhove, lãnh đạo kỹ thuật của Chương trình y tế khẩn cấp cho hay Nam Mỹ cần có "cách tiếp cận toàn diện". Bà khẳng định, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc.

 

Liên quan tình hình dịch bệnh, các quốc gia Mỹ Latinh đang chuẩn bị tinh thần để bước vào giai đoạn đỉnh dịch.

 

Những điểm nóng dịch bệnh như Brazil, Mexico và Peru đang "gồng mình" chống dịch. Hiện Brazil ghi nhận tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ 3 thế giới, với 37.312 ca trong tổng số 710.887 ca nhiễm, cao thứ 2 thế giới.

 

Trong khi đó, số ca tử vong tại Chile cũng tăng lên mức 2.264 ca trong tổng số 138.846 người nhiễm bệnh khi có sự điều chỉnh tăng số liệu vì nhầm lẫn trong thống kê dịch từ tháng 3 và tháng 4.

 

* Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các quốc gia châu Âu tiếp tục thử nghiệm các bước nới lỏng hạn chế ngay cả khi số ca mắc bệnh trên toàn cầu tăng vượt mốc 7 triệu người.

Trong ngày 8/6, Anh triển khai chương trình cách ly bắt buộc trong 14 ngày với tất cả du khách, bao gồm cả các công dân Anh, tới quốc gia này. Biện pháp này nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ ngành hàng không vốn đang "nóng lòng" chờ đón nhu cầu đi lại phục hồi. Các hãng hàng không như British Airways, EasyJet và Ryanair cho rằng biện pháp này có thể ảnh hưởng tới ngành du lịch và khiến thêm nhiều người mất việc làm.

 

Tại Bỉ, các quán rượu và nhà hàng đã mở cửa nhưng với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội trong khi Ireland đã cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại, mọi ngươi có thể tụ tập và đi lại nhưng trong những giới hạn nhất định.

 

Cùng ngày, giới chức quản lý y tế Liên minh châu Âu (EU) cho biết, sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép cho thuốc kháng virus Remdesivir, của công ty Gilead Sciences Inc (Mỹ), như một loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19 tại châu Âu.

 

Remdesivir là loại thuốc đầu tiên cho kết quả cải thiện tình hình bệnh nhân Covid-19 trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức. Tại Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc, thuốc này đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị những ca bệnh nặng. Tại một số quốc gia châu Âu, thuốc cũng được sử dụng theo các chương trình đặc biệt.

 

Thông báo của Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) nêu rõ, cơ quan này đang đẩy nhanh quá trình đánh giá lợi ích và nguy cơ của thuốc và sẽ sớm đưa ra quyết định trong vài tuần tới. Hồi tháng trước, báo cáo trước Nghị viện châu Âu (EP), EMA cho biết, có thể "bật đèn xanh" cho việc bán thuốc này như một loại thuốc điều trị Covid-19 và đưa thuốc ra phân phối trên thị trường sớm nhất có thể.

 

Trong thông báo ngày 8/6, cơ quan này khẳng định có thể đẩy nhanh quy trình đánh giá vì một số dữ liệu đã được cơ quan quản lý của ủy ban dược phẩm dành cho người (thuộc EP) đánh giá.

 

Nếu được cấp phép, thuốc Remdesivir sẽ là thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên được lưu hành tại châu Âu. Các bước cấp phép cuối cùng tại châu Âu sẽ tùy thuộc vào Ủy ban châu Âu (EC), trong khi cơ quan này thường đưa ra quyết định theo đề xuất của EMA.

 

* Ở châu Á, số ca tử vong và mắc bệnh tại Ấn Độ tiếp tục tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ.

 

Tuy nhiên, sau 10 tuần phong tỏa với những tác động kinh tế to lớn, Chính phủ Ấn Độ vẫn thực hiện kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa, nhiều trung tâm thương mại, đền thờ ở một số thành phố của Ấn Độ đã mở cửa trở lại từ ngày 8/6.

 

Các chính quyền địa phương của Ấn Độ đã trưng dụng các cơ sở của hơn 600 tổ chức giáo dục để làm trung tâm cách ly. Quá trình trên đã bắt đầu được thực hiện ngay sau khi Chính phủ Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ ngày 25/3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

 

Đi đôi với việc từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và mở cửa trở lại nền kinh tế, Ấn Độ đã tăng cường xét nghiệm và cũng phát hiện thêm nhiều ca dương tính hơn. Bởi vậy, nhu cầu thiết lập thêm các cơ sở cách ly cũng gia tăng, nhất là khi hạn chế về đi lại trong bang và giữa các bang được dỡ bỏ.

 

Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận 265.928 ca mắc Covid-19, cao thứ 6 trên thế giới, trong đó có 7.473 ca tử vong.

 

* Tại Pakistan, tổng số ca mắc Covid-19 đã vượt ngưỡng 100.000 ca lên 103.671 trường hợp, trong đó có 2.067 ca tử vong.

 

Số ca nhiễm mới tăng cao nhất trong vòng 10 ngày gần đây phần nào phản ánh việc tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nước này. Trong tổng số 23.000 xét nghiệm được thực hiện 10 ngày qua, trên 20% xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tỷ lệ này tăng cao gấp đôi so với chỉ 10% số ca dương tính ghi nhận trước thời điểm quốc gia Nam Á dỡ bỏ lệnh phong tỏa hôm 9/5 vừa qua.

 

Nam Hàn vẫn cảnh giác cao độ đề phòng nguy cơ bùng phát các ổ dịch mới. Trong ngày 8/6, tất cả các câu lạc bộ bóng bàn ở thủ đô Seoul đã được yêu cầu tạm thời đóng cửa để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 sau khi một loạt ca nhiễm mới bùng phát tại một câu lạc bộ bóng bàn ở phía Tây thủ đô Seoul.

 

Chính quyền đã yêu cầu tất cả 350 câu lạc bộ bóng bàn trong thành phố phải đóng cửa trong thời gian này hoặc hoạt động với điều kiện phải tuân thủ triệt để các quy định phòng ngừa dịch bệnh. Lệnh hành chính mới nhất đối với các câu lạc bộ bóng bàn được đưa ra sau khi các hạn chế tương tự được áp dụng cho các cơ sở thể thao trong nhà khác liên quan đến các hoạt động thể chất cường độ cao, như tập gym, nhảy Zumba...

 

Chính quyền Seoul cũng đã yêu cầu người dân không tụ tập tham gia các chương trình khuyến mãi và các sự kiện quảng cáo bán hàng do các công ty tiếp thị đa cấp thực hiện đồng thời bỏ ngỏ khả năng ban hành thêm các biện pháp cứng rắn hơn.

 

* Tại Đông Nam Á, Chính phủ Singapore đang thúc đẩy kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, trong đó vẫn yêu cầu nhiều người tiếp tục làm việc ở nhà và chỉ giao tiếp với người thân trong gia đình. Hồi tuần trước, Singapore đã mở cửa trở lại trường học và một số hoạt động kinh doanh sau gần hai tháng áp đặt lệnh phong tỏa.

 

Singapore là nước có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất Đông Nam Á, với hơn 38.000 ca nhiễm do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các khu nhà ở cho người lao động nhập cư.

 

Cùng ngày, giới chức Philippines cho biết, hàng chục triệu học sinh ở nước này sẽ chưa được đến trường cho đến khi có vaccine phòng SARS-CoV-2 trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm vẫn rất lớn tại nước này.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Philippines có 22.474 ca mắc Covid-19 và 1.011 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 579 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua.

 

Một số nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia vẫn tiếp tục có số ca nhiễm mới gia tăng trong 24 giờ qua.

 

Cụ thể, Malaysia công bố ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 8.329 ca trong khi số ca tử vong vẫn là 117 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt hạn chế đối với hoạt động đi lại và kinh doanh hồi tháng Ba.

 

Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 847 ca nhiễm mới và 32 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 32.033 trong đó có 1.883 ca tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này đến nay đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 274.400 người. Khoảng 10.904 bệnh nhân đã phục hồi và được xuất viện.

 

* Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu thông báo sẽ ngừng nới lỏng các quy định liên quan đến dịch Covid-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới "tăng rất mạnh", đồng thời thúc giục người dân duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và giữ vệ sinh.

 

Ông Netanyahu không thông tin chi tiết về các quyết định nới lỏng bị hoãn lại, nhưng truyền thông Israel cho hay, trong đó có việc ngừng mở lại dịch vụ đường sắt quốc gia, các nhà hát và rạp chiếu phim.

 

Đến nay Israel đã có 17.863 ca mắc Covid-19, trong đó có 298 trường hợp tử vong. Chính phủ đã bỏ lệnh phong tỏa hồi giữa tháng 4/2020 và dần cho phép các trường học, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, bãi biển, cửa hàng và nhà hàng hoạt động trở lại.