(Ảnh: BBC Việt ngữ)

 

 

Trong khi các tỷ phú Thái Lan thu hàng tỷ đô-la từ các dự án ở Việt Nam, giới quan sát cho rằng việc họ thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực mũi nhọn là một vấn đề đáng lo ngại cho Hà Nội.

 

Hồi tháng 9/2024, chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã tuyên bố khai triển các kế hoạch hành động như một phần của quan hệ đối tác chiến lược tăng cường, với mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD.

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các nhà đầu tư Thái Lan đã cam kết rót 141,42 triệu USD vào Việt Nam trong mười tháng đầu năm 2024, đưa Thái Lan lên vị trí thứ 15 trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI trong giai đoạn này.

 

Tính đến cuối tháng 10/2024, Thái Lan đã đầu tư vào 755 dự án với tổng giá trị gần 15 tỷ USD tại Việt Nam.

 

 

Đầu tư và thâu tóm

 

 

 

GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Bia Sài Gòn một thời từng là niềm tự hào của người dân Việt Nam đã rơi vào tay tỷ phú Thái Lan

 

 

Trong tháng 11/2024, tập đoàn WHA, công ty cung cấp giải pháp hậu cần và cơ sở công nghiệp tích hợp hoàn chỉnh hàng đầu của Thái Lan, đã nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc từ chính phủ Việt Nam để đầu tư một khu công nghiệp ở Thanh Hóa với tổng vốn 55 triệu USD, theo tạp chí The Investor.

 

Trong cùng tháng Mười một, Thantawan Industry Public Company Limited, một công ty sản xuất bao bì nhựa cao cấp hàng đầu của Thái Lan, đã ký một hợp đồng thuê nhà máy ở tỉnh Tây Ninh trong 30 năm.

 

Bên cạnh hoạt động đầu tư, nhiều tập đoàn Thái Lan đã khai triển chiến lược thâu tóm doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong 10 năm qua, và từ đó đến nay đã làm ăn rất hiệu quả, thu về lợi nhuận lớn.

 

Cùng tháng Mười một, F&N Dairy Investment - công ty con của Fraser & Neave Limited (F&N), một công ty thực phẩm và đồ uống, xuất bản và trước đây là tập đoàn sản xuất bia và bất động sản tại Singapore do tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi nắm giữ - đã công bố việc mua thành công sáu triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM), nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,65%.

 

F&N Dairy Investments là cổ đông lớn của Vinamilk kể từ khi công ty sữa này được cổ phần hóa vào năm 2005.

 

Nawaplastic Industry, một công ty con của tập đoàn Xi măng Siam (SCG) Thái Lan, bắt đầu tiến trình thâu tóm Nhựa Bình Minh vào năm 2021. Hiện tại, Nawaplastic sở hữu 55% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh.

 

Giới quan sát nhận định rằng, thông qua việc thâu tóm BMP và Nhựa Tiền Phong, Nawaplastic sẽ tận dụng lợi thế về hệ thống sản xuất, phân phối cũng như thương hiệu để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

 

Ngoài Nhựa Bình Minh hiện do chủ Thái Lan kiểm soát, đến nay, TCG Solutions của Thái Lan đang nắm hơn 94% cổ phần Bao bì Biên Hòa (SVI).

 

Indorama Venture của Thái nắm khoảng 98% cổ phần Nhựa Ngọc Nghĩa.

 

Vào đầu tháng 2/2024, Central Pattana, công ty phát triển bất động sản bán lẻ hàng đầu của Thái Lan và là thành viên của Central Group Thái Lan, đã công bố việc công ty con CPN Global thành lập văn phòng tại Việt Nam.

 

 

Siam Cement Group (SCG) - tập đoàn xi măng lớn nhất của Thái Lan và lâu đời nhất ở Đông Nam Á - đã hoàn thành Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn trị giá 5,4 tỷ USD vào đầu năm 2024 tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

Đầu năm 2023, gã khổng lồ bán lẻ của Thái Lan Central Retail, thành viên của Central Group, một tập đoàn đa ngành của Thái Lan thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Chirathivat, gia tộc giàu thứ năm Thái Lan, công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,45 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.

 

Tập đoàn Central Group đang vận hành hệ thống 41 trung tâm thương mại GO!, siêu thị TOP Markets và hệ thống siêu thị Nguyễn Kim tại Việt Nam.

 

Central Group mua 49% cổ phần của Nguyễn Kim năm 2015. Sau đó, nâng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn lên 100% vào năm 2019, hoàn tất việc thâu tóm hệ thống siêu thị này.

 

Ngoài ra Central Group còn mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi - thương hiệu hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Việt Nam.

 

Năm 2015, Central Group cũng thành công thâu tóm Big C Việt Nam từ tập đoàn Casin0 (Pháp) trong thương vụ trị giá 1 tỷ USD.

 

Năm 2017, tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi chi gần 5 tỷ USD thâu tóm Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với xấp xỉ 54% cổ phần sở hữu.

 

Mới đây, Sabeco có kế hoạch mua 43,2% cổ phần, trị giá gần 34 triệu USD, của công ty sản xuất bia địa phương Sabibeco Group (SBB) trong năm nay.

 

Hai công ty con của Fraser & Neave Ltd. (F&N) của tỷ phú Thái, ông Charoen Sirivadhanabhakdi - là F&N Beverages Manufacturing Sdn. Bhd. và F&N Dairy Investments Pte., Ltd. - hiện đang sở hữu hơn 20% tại Vinamilk.

 

TCC Group - một đại gia Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ - năm 2016 đã chi ra 655 triệu euro để thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market).

 

Nhiều quỹ đầu tư lớn của Thái Lan cũng đang đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam như Kasikorn Asset Management, Principal Vietnam Equity Fund, Bualuang Vietnam Equity Fund, Asset Plus Vietnam Growth RMF Fund, Asset Plus Vietnam Growth Fund…

 

 

Thu lợi

 

Các công ty Việt Nam bị mua đứt hoặc chịu một phần kiểm soát của tỷ phú Thái Lan

 

 

 

Central Retail, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan, đạt doanh thu 1,09 tỷ USD tại Việt Nam trong chín tháng đầu năm nay, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Central Retail đang có kế hoạch mở các chi nhánh mới tại Ninh Thuận, sau đó sẽ mở rộng thêm tại Hưng Yên và Yên Bái.

 

Trong đợt tạm ứng cổ tức năm 2024, Thai Beverage, nắm giữ 53,59% cổ phần tại Sabeco, nhận khoảng 40 triệu USD, nâng tổng số tiền nhận được sau 7 năm thâu tóm lên hơn 345 triệu USD.

 

Ở các doanh nghiệp khác, các đại gia Thái Lan cũng thu về lợi nhuận lớn từ những khoản đầu tư của mình.

 

Việc doanh nghiệp Thái Lan liên tiếp thâu tóm các ngành hàng sản xuất mũi nhọn tại Việt Nam trong 10 năm qua, theo một số nhân vật quan sát, là điều đáng lo ngại. Trong đó có khả năng Thái Lan thâu tóm cả sản xuất, phân phối, chiếm thị phần lớn, có thể chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Cũng có ý kiến cho rằng đây là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập, "cá lớn nuốt cá bé" và các doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải tự cứu mình (nếu có thể).

 

 

(Theo BBC Việt ngữ)