Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan. Nguồn: AAP / Tigran Mehrabyan/AP

 

Nghị viện Armenia bỏ phiếu chấp nhận gia nhập Toà án Hình sự Quốc tế. Hành động nầy của quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ, đã gây khó chịu cho quốc gia đồng minh truyền thống là Nga.

 

Trong một hành động sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Armenia và Nga, Nghị viện Armenia đã bỏ phiếu gia nhập Tòa án Hình sự Quốc tế, (International Criminal Court, viết tắt là ICC).

 

Tòa án có trụ sở tại The Hague điều tra và khi được bảo đảm, xét xử những người bị buộc tội nghiêm trọng nhất, bao gồm diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác xâm lược.

 

Thủ tướng Armenia là ông Nikol Pashinyan nói rằng, quyết định gia nhập I-C-C là nhằm giải quyết các tội ác chiến tranh, được cho là do nước láng giềng Azerbaijan gây ra.

 

Sau khi ký và phê chuẩn các văn kiện thành lập I-C-C, Armenia sẽ buộc phải chấp nhận thẩm quyền của tòa án.

 

Nước này dự kiến sẽ bắt giữ nhà lãnh đạo của quốc gia đồng minh Nga, Tổng thống Vladimir Putin, nếu ông này xâm nhập vào lãnh thổ của họ.

 

Được biết Tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga vào đầu năm nay, liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và cáo buộc trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em Ukraine sang Nga.

 

Tại thủ đô Armenia, những người này hoan nghênh kết quả bỏ phiếu của Nghị viện.

 

Họ không lo lắng về khả năng, Tổng thống Putin bị bắt ở nước này.

 

Một người dân nói "Thực sự tôi sẽ rất vui khi nghe về nó, có nghĩa là chúng ta mạnh mẽ đến mức chúng ta có thể làm điều đó".

"Bởi vì chúng ta phải mạnh mẽ để thực hiện bước đó và điều đó sẽ mang lại chuyện tốt đẹp cho hành tinh này".

 

Một người dân Armenia khác nói "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra, không quan trọng Putin có đến hay không, hay bất cứ ai đến. Nó cho thấy Armenia là một quốc gia độc lập".

 

Trong khi đó hồi tháng Ba, Nga cảnh báo về ‘hậu quả nghiêm trọng’, nếu đối tác thuộc Liên Xô cũ của họ, công nhận thẩm quyền của ICC.

 

Sau cuộc bỏ phiếu, người phát ngôn chính phủ Nga, là ông Dmitry Peskov, cho biết  Armenia đã đưa ra quyết định 'không chính xác'.

 

Ông Dmitry Peskov nói "Tất nhiên, chúng tôi không muốn một ngày nào đó Tổng thống Vladimir Putin vì bất kỳ lý do gì, phải từ chối đến thăm Armenia".

"Armenia là đồng minh của chúng tôi, đó là một quốc gia thân thiện đối với chúng tôi và đối tác của chúng tôi".

 

Được biết quan hệ Nga-Armenia đã trở nên căng thẳng do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và Nga nhận thấy không hành động, khi Azerbaijan chiếm lại nước cộng hòa tự xưng là Nagorno-Karabakh vào tháng trước.

 

Được biết lãnh thổ nầy nằm trong biên giới, được quốc tế công nhận của Azerbaijan, nhưng lại đã được người Armenia kiểm soát trong ba thập niên.

 

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không can thiệp, để ngăn chặn chiến dịch quân sự của Azerbaijan.

 

Thủ tướng Armenia đã chỉ trích quyết định đó và gọi liên minh an ninh của nước ông với Nga là ‘không hiệu quả’.

 

Ông Dmitry Peskov nói rằng, chính ông Nikol Pashinyan đã thúc đẩy sự sụp đổ của Nagorno-Karabakh.

 

Ông Dmitry Peskov nói "Về Karabakh, chúng ta nên luôn nhớ quyết định của Pashinyan mà ông đã đưa ra ở Prague, công nhận biên giới của Azerbaijan vào năm 1991".

"Theo đó, ông công nhận lãnh thổ Karabakh nằm trên lãnh thổ Azerbaijan".

"Chính xác điều này đã trở thành tiền thân của tất cả các tình huống hiện giờ".

 

Trong khi đó Nga tuyên bố, Armenia không có lựa chọn thay thế nào cho một liên minh an ninh do Nga dẫn đầu, được gọi là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.