Nguồn hình ảnh: Getty Images

 

Tác giả, Koh Ewe & Laura Bicker

Vai trò, BBC News

 

 

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể đang lắng xuống khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chuẩn bị bắt đầu các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ.

 

Các viên chức thương mại hàng đầu của cả hai bên đã gặp nhau vào ngày 10/05, tại Thụy Sĩ, trong cuộc họp cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp thuế lên Trung Quốc từ tháng Một.

 

Bắc Kinh đã trả đũa ngay lập tức và một cuộc đối đầu căng thẳng đã xảy ra khi hai nước áp thuế lên nhau. Hiện tại, mức thuế là 125%, mặc dù một số mặt hàng nhập cảng của Trung Quốc vào Hoa Kỳ phải đối mặt với thuế suất cao đến 245%.

 

Suốt nhiều tuần qua, hai bên liên tục tung ra những tuyên bố cứng rắn, thậm chí có lúc gay gắt, bên này tô vẽ bên kia như đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng hơn.

 

Nhưng cuối tuần này, họ sẽ đối mặt với nhau trên bàn đàm phán.

Vậy tại sao lại là bây giờ?

 

 

 

Giữ thể diện

 

Bất chấp nhiều vòng áp thuế trả đũa, cả hai bên đều gửi tín hiệu rằng họ muốn phá vỡ bế tắc. Chỉ là không rõ bên nào sẽ xuống nước trước.

 

Stephen Olson, học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore và từng là một viên chức đàm phán thương mại của Hoa Kỳ cho biết, "Không bên nào muốn tỏ ra mình đang chùn chân",

"Các cuộc đàm phán diễn ra lúc này vì cả hai bên đều cho rằng họ có thể đẩy tiến trình đàm phán đi xa hơn mà không tỏ ra là đã nhượng bộ phía bên kia".

 

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lin Jian, vào hôm 7/05 nói rằng "các cuộc đàm phán đang được tổ chức theo yêu cầu của Hoa Kỳ".

 

Và Bộ Thương mại Trung Quốc mô tả động thái này như một sự ưu ái cho Washington, nói rằng họ đang đáp lại "lời kêu gọi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ".

 

Tuy nhiên, chính quyền Trump lại tuyên bố rằng các quan chức Trung Quốc "rất muốn làm ăn" vì "nền kinh tế của họ đang sụp đổ".

 

Vào ngày 7/05, ông Trump nói tại Tòa Bạch Ốc rằng, “Họ nói rằng chúng tôi đã khởi xướng? Vâng, tôi nghĩ họ nên quay lại và nghiên cứu hồ sơ của họ."

 

 

Trong khi các quan chức thương mại Trung Quốc đến Geneva, ông Tập Cận Bình đang ở Moscow để gặp ông Vladimir Putin. Nguồn hình ảnh: Getty Images

 

 

Nhưng khi các cuộc đàm phán đến gần hơn, giọng điệu của tổng thống trở nên ngoại giao hơn, ông nói với các phóng viên vào thứ Năm: "Chúng ta ai cũng có thể chơi trò chơi cả. Ai gọi trước, ai không - điều đó không quan trọng. Quan trọng là chuyện gì xảy ra trong căn phòng đó".

 

Thời điểm diễn ra đàm phán cũng mang ý nghĩa quan trọng đối với Bắc Kinh, bởi nó trùng với chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow. Ông Tập là khách mời danh dự trong lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng tại Moscow vào thứ Sáu (9/5), nhân dịp kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II.

 

Chủ tịch Tập đứng bên cạnh các nhà lãnh đạo đến từ khắp các quốc gia thuộc khối Nam bán cầu – một lời nhắc nhở đối với chính quyền Trump rằng Trung Quốc không chỉ có những lựa chọn khác trong thương mại, mà còn đang tự định hình mình như một nhà lãnh đạo toàn cầu thay thế.

 

Điều này cho phép Bắc Kinh thể hiện sức mạnh ngay cả khi tiến đến bàn đàm phán.

 

 

Áp lực đang đè nặng

 

Ông Trump nhấn mạnh rằng quan thuế sẽ khiến nước Mỹ mạnh hơn, còn Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" - nhưng thực tế là các khoản thuế đang gây tổn hại cho cả hai nước.

 

Sản lượng của các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm, theo dữ liệu từ chính phủ. Hoạt động sản xuất trong tháng Tư đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023. Và một khảo sát của trang tin Caixin công bố trong tuần này cho thấy hoạt động dịch vụ đã đạt mức thấp nhất trong vòng bảy tháng qua.

 

BBC đã nhận thấy rằng các công ty xuất cảng của Trung Quốc đang phải đối mặt với tác động nặng nề từ các mức thuế cao, khiến hàng hóa tồn đọng trong kho, mặc dù họ vẫn giữ lập trường kiên định và tìm kiếm các thị trường ngoài Mỹ.

 

Bert Hofman, giáo sư tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, "Tôi nghĩ [Trung Quốc] nhận ra rằng có thỏa thuận vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận",

"Vì vậy, họ đã có quan điểm thực tế và nói rằng, 'Được rồi, chúng ta cần phải tiếp tục các cuộc đàm phán này'."

 

Chính vì thế, khi kỳ nghỉ lễ lớn Ngày Quốc tế Lao động ở Trung Quốc kết thúc, các quan chức ở Bắc Kinh đã quyết định rằng đã đến lúc phải đàm phán.

 

 

Bản thân ông Trump cũng đã thừa nhận rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải cảm thấy đau đớn. Ảnh: BBC/Xiqing Wang

 

 

 

Trẻ em Mỹ có thể "có hai con búp bê thay vì 30 con búp bê", ông nói tại một cuộc họp nội các trong tháng này, "và có thể hai con búp bê sẽ đắt hơn một vài đô-la so với bình thường".

 

Tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Trump cũng đã giảm do người dân lo ngại về lạm phát và suy trầm kinh tế có thể xảy ra.

 

Hơn 60% người Mỹ cho rằng ông Trump đã tập trung quá nhiều vào quan thuế.

 

Ông Olson nói, "Cả hai quốc gia đều đang chịu áp lực phải đưa ra một số cam kết để xoa dịu các lo ngại ngày càng tăng từ các thị trường, doanh nghiệp và cử tri trong nước,"

"Một vài ngày họp ở Geneva sẽ phục vụ mục đích đó".

 

 

 

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

 

Mặc dù các cuộc đàm phán đã được đón nhận với sự lạc quan, nhưng để đạt được thỏa thuận có thể phải mất một thời gian.

 

Các cuộc đàm phán chủ yếu sẽ xoay quanh "các thảo luận sơ bộ", ông Hofman cho biết, đồng thời nói thêm rằng điều này có thể gồm cả việc "trao đổi quan điểm" và nếu mọi việc suôn sẻ, "một chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ được vạch ra".

 

Nhìn chung, các cuộc đàm phán dự kiến ​​sẽ kéo dài nhiều tháng, giống như những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

 

Sau gần hai năm áp dụng quan thuế trả đũa, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận "giai đoạn một" vào đầu năm 2020 để bỏ hoặc giảm một số khoản thuế.

 

Ngay cả khi đó, thỏa thuận vẫn không bao gồm các vấn đề gai góc hơn, chẳng hạn như trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các ngành công nghiệp chính hoặc mốc thời gian để hủy bỏ các khoản thuế còn lại.

 

Trên thực tế, nhiều khoản thuế trong số đó vẫn được áp dụng trong suốt nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden và các mức thuế mới nhất của ông Trump sẽ được đưa thêm vào các khoản thuế cũ đó.

 

Ông Olson cho biết lần này có thể xuất hiện "thỏa thuận giai đoạn một được tăng cường": nghĩa là, thỏa thuận mới sẽ vượt ra ngoài các điều khoản của thỏa thuận trước đó và cố gắng giải quyết các điểm nóng.

Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, từ việc buôn bán fentanyl bất hợp pháp mà Washington muốn Trung Quốc trấn áp mạnh hơn cho đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow.

 

Nhưng tất cả những điều đó vẫn còn rất xa, các chuyên gia cảnh báo.

 

ông Olson nói thêm, "Những xung đột mang tính hệ thống đang gây khó khăn cho mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không sớm được giải quyết,"

"Geneva sẽ chỉ đưa ra những tuyên bố chung chung, về 'các cuộc đối thoại thẳng thắn' và mong muốn tiếp tục đàm phán".

 

 

(Theo BBC)