Người đi bộ đi ngang qua gian hàng Huawei ở London, Vương Quốc Anh, vào ngày 29/04/2019. (Ảnh: Tonga Akmen/AFP/Getty Images)

 

QUỐC TẾ - Huawei, công ty công nghệ nằm trong danh sách đen của Mỹ, đã rót ít nhất 30 triệu GBP (bảng Anh) (tương đương 37,9 triệu USD) vào các trường đại học tại Vương quốc Anh, trong đó có Cambridge và Oxford, dưới hình thức các khoản quyên góp và tài trợ nghiên cứu. Việc này tạo ra nhiều rủi ro lớn.

 

Gã khổng lồ viễn thông - được chính phủ Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia - là nhà tài trợ Trung Quốc lớn nhất của các tổ chức giáo dục đại học ở Anh.

 

 

Trong 4 năm qua, Huawei và công ty sản xuất chip tiên tiến HiSilicon của họ đã chi hàng triệu bảng Anh tài trợ cho các dự án thông tin, công nghệ và truyền thông của các chuyên gia.

 

Một trường đại học đã nhận được 10,7 triệu GBP (13,5 triệu USD) tiền tài trợ kể từ năm 2017.

 

Khoản tài trợ này một lần nữa làm dấy lên những lo ngại. Những người chỉ trích cho rằng việc tài trợ tiền của Bắc Kinh đang khiến các trường đại học và thành phố nơi họ đặt trụ sở có nguy cơ phải gánh chịu thiệt hại “rất lớn”.

 

Những tiết lộ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một trong những trường đại học hàng đầu của Canada cho biết họ đã cắt đứt quan hệ với Huawei.

 

Đại học Waterloo tuyên bố rằng họ sẽ không hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nữa sau khi hợp đồng kết thúc vào năm nay để “bảo vệ hoạt động nghiên cứu khoa học” tại trường, theo bà Charmaine Dean, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của trường đại học.

 

Cơ quan Tình báo An ninh Canada trước đây đã cảnh báo các tổ chức học thuật Canada rằng, quan hệ đối tác nghiên cứu có thể là phương tiện cho hoạt động gián điệp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cho phép các tiến bộ công nghệ rơi vào tay Trung Quốc hoặc các chế độ khác.

 

Bà Dean cho biết trong một tuyên bố rằng việc chấm dứt quan hệ đối tác của trường đại học này với Huawei sẽ để lại khoảng trống về tài trợ nghiên cứu. Bà hy vọng các doanh nghiệp và chính phủ Canada sẽ giúp lấp đầy khoảng trống đó.

 

Tài trợ chảy vào đâu?

Theo phân tích của The Epoch Times, Huawei đã tài trợ 30 triệu GBP (37,9 triệu USD) cho các trường đại học của Vương Quốc Anh.

 

Các yêu cầu Tự do Thông tin (FOI) đã được gửi tới hơn 160 tổ chức giáo dục. Kết quả cho thấy nhiều tổ chức đang lấy tiền từ Huawei và các công ty con của Huawei nằm trong danh sách đen, cũng như các công ty khác của Bắc Kinh bị cáo buộc phạm tội và vi phạm nhân quyền.

 

Trong số tất cả các tổ chức của Anh đã trả lời các câu hỏi về nguồn tài trợ của họ, hầu hết tất cả đều đã nhận được tài trợ hoặc quyên góp từ Huawei hoặc các công ty con của Huawei.

 

Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London vào ngày 15/04/2013, ở London, Vương Quốc Anh. (Ảnh: Oli Scarff/Getty Images)

 

 

Một số trường đại học, bao gồm cả Trường Kinh tế Luân Đôn, đã từ chối trả lời các câu hỏi về nguồn tiền Trung Quốc của họ, có nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn đáng kể.

 

Trong số những bên đã phản hồi, Đại học Edinburgh xác nhận họ đã nhận được 10.798.369 GBP (13,6 triệu USD) tài trợ nghiên cứu từ gã khổng lồ 5G.

 

Từ năm 2017 đến năm 2022, Huawei đã cung cấp nguồn tài chính cho các dự án công nghệ do Trường Tin học của Đại học Edinburgh (một trường đại học tại Scotland).

 

Năm ngoái, Huawei Technologies đã cung cấp một khoản tài trợ cho “sự hợp tác nghiên cứu về đảm bảo dịch vụ dựa trên đám mây”. Thông tin từ trường đại học cho thấy khoản tài trợ rơi vào khoảng từ 200.001 GBP (252.397 USD) đến 450.000 GBP (567.900 USD).

 

Cùng năm đó, nó đã nhận được thêm 222.257 GBP (280.500 USD) cho “nghiên cứu nâng cao trong lĩnh vực hệ điều hành máy tính”.

 

Vào năm 2020, Edinburgh đã nhận được khoản tiền mặt trị giá 4,2 triệu GBP (5,3 triệu USD) từ Huawei cho Phòng thí nghiệm xử lý và quản lý dữ liệu phân tán của mình.

 

Công ty công nghệ này cũng đã tài trợ cho nhiều học bổng sinh viên và nghiên cứu sinh tiến sĩ để nghiên cứu trong các lĩnh vực tương tự.

 

Trường Imperial College of London (Đại học Hoàng gia London), chuyên về khoa học, kỹ thuật, y học và kinh doanh, đã được trao 18.380.012 GBP (23,2 triệu USD) từ các nguồn tài trợ của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2022.

 

Huawei được liệt kê là một trong 20 tổ chức có liên kết với Bắc Kinh tài trợ số tiền mặt khổng lồ cho các dự án nghiên cứu.

 

Theo tài liệu FOI, công ty viễn thông này đã tài trợ cho 16 dự án của trường đại học Imperial trong những năm đó.

 

Chúng bao gồm nghiên cứu về học máy dữ liệu lớn, thuật toán theo dõi cử chỉ cánh tay và mã hóa kênh an toàn.

 

Huewai cũng đã quyên góp những khoản tiền không xác định cho Phòng học thuật của đại học Imperial về Truyền thông thông minh, các hội thảo về AI cũng như các dự án trong “trung tâm dữ liệu thế hệ tiếp theo”.

 

Trường đại học của London cũng đã nhận tiền từ Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc – một công ty dầu khí nhà nước bị cáo buộc trong quá khứ có mối liên hệ với hoạt động buôn bán ma túy và thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền ở Miến Điện.

 

Công ty này cũng được cho là đã hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc để đưa những học viên tập Pháp Luân Công đến các trại lao động và các cơ sở kiểm soát tâm trí nhằm buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình.

 

Cambridge và Oxford

Hai trong số các trường đại học danh giá nhất của Vương quốc Anh, Cambridge và Oxford, cũng nhận được khoản tài trợ đáng kể từ Huawei.

 

Trong 4 năm qua, Đại học Cambridge đã bỏ túi 2,6 triệu GBP (3,3 triệu USD) tiền tài trợ nghiên cứu từ Huawei.

 

Trường cũng đã chấp nhận khoản đóng góp ước tính 10 triệu GBP (12,6 triệu USD) từ công ty viễn thông này, theo tài liệu của FOI.

 

Trong số đó, 7 khoản quyên góp nằm trong khoảng từ 100.000 GBP (126.206 USD) đến 499.000 GBP (629.770 USD), 5 khoản từ 500.000 GBP (631.082 USD) đến 999.000 GBP (1,26 triệu USD) và một khoản từ 1,2 triệu GBP (1,51 triệu USD) đến 4,9 triệu GBP (6,2 triệu USD).

 

Cambridge tuyên bố rằng những đóng góp đó được dành cho khoa học máy tính, hỗ trợ sinh viên, kỹ thuật và “toán học thiên niên kỷ”.

 

Đại học Oxford chỉ nhận được tiền từ một khoản tài trợ nghiên cứu từ Huawei vào năm 2018: khoản tiền mặt từ 100.000 GBP (126.206 USD) đến 249.000 GBP (314.267 USD) cho một dự án về AI.

 

 

Nhiều trường đại học khác đã nhận được những đóng góp nhỏ hơn nhưng đáng kể từ Huawei hoặc HiSilicon.

 

Chúng bao gồm Đại học Reading. Vào năm 2021, trường đã ký một thỏa thuận nghiên cứu trị giá 50.000 GBP (63.106 USD) để “xác định các yếu tố chính tác động đến chương trình 5G của Huawei” ở Anh.

 

 

Logo của công ty Trung Quốc Huawei tại văn phòng của công ty ở Vương quốc Anh ở London vào ngày 28/01/2020. (Ảnh: Daniel Leal-Olivas/AFP qua Getty Images)

 

 

 

Lệnh cấm và vấn đề an ninh quốc gia

Vào năm 2022, chính phủ Vương quốc Anh đã ra lệnh loại bỏ công nghệ Huawei khỏi tất cả các mạng công cộng 5G vào cuối năm 2027.

 

Lệnh cấm của Vương quốc Anh đối với Huawei trong lĩnh vực 5G tuân theo hướng dẫn của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia. Theo hướng dẫn đó, tính bảo mật của các sản phẩm của công ty này - chẳng hạn như thiết bị được sử dụng tại các điểm đặt cột điện thoại và tổng đài điện thoại - không còn có thể được đảm bảo.

 

Công ty được Mỹ liệt kê trong danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia vào năm 2020. Các công ty Mỹ bị cấm sử dụng trợ cấp để mua thiết bị của họ.

 

Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ trước đây đã cảnh báo rằng thiết bị viễn thông của Huawei có thể được chính quyền Trung Quốc sử dụng để theo dõi công dân Mỹ.

 

 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đeo kính 3D tại buổi trình diễn thiết bị y tế của Trung tâm Phẫu thuật Robot Hamlyn tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn vào ngày 21/10/2015. (Ảnh: Anthony Devlin/AFP qua Getty Images)

 

 

Rủi ro lớn

Ông Mark Sabah, Giám đốc Vương Quốc Anh Liên minh châu Âu của Tổ chức Ủy ban Tự do Hong Kong, cho biết các trường đại học đã tự đặt mình vào một tình huống có rủi ro rất lớn khi chỉ chấp nhận số tiền tài trợ khổng lồ từ các nguồn như Huawei.

 

Ông nói với The Epoch Times: “Khối lượng đầu tư khổng lồ của các công ty Trung Quốc, tất cả đều có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho thấy rủi ro mà các trường đại học Anh đang đối mặt, đặc biệt trong trường hợp chính phủ quyết định giới hạn đối tượng cung cấp và nguồn của đóng góp”.

 

“Đó là một chiến lược rủi ro cao của các trường đại học và có thể gây thiệt hại lớn cho lĩnh vực giáo dục đại học, cũng như các thành phố của Anh nói chung".

 

“Bởi vì nếu các trường đại học bắt đầu thua lỗ và mất đi sinh viên, họ đã không chuẩn bị kế hoạch đầy đủ để giảm thiểu rủi ro của những khoản đầu tư đó”.

 

Ông Sabah cho biết, gã khổng lồ công nghệ không chỉ đầu tư hàng triệu USD vào các trường đại học của Anh mà còn cả các dự án khác, bao gồm cả một nỗ lực vận hành mạng 5G của Vương quốc Anh.

 

Ông nói: “Chính phủ đã ngăn chặn điều đó xảy ra một cách đúng đắn do sự phản đối khổng lồ".

 

“Bước tiếp theo là đặt câu hỏi ai đang cấp tiền cho các tổ chức giáo dục đại học của chúng ta, tại sao họ lại cấp tiền với số lượng như vậy và những trường đại học đó có đưa ra kế hoạch giảm thiểu rủi ro nếu khoản tài trợ đó bị rút lại không?”

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Bảo Nguyên)