Ấn Độ, ngày 28/10, từ chối công bố mục tiêu phát thải carbon ròng bằng không và cho biết quan trọng hơn là thế giới phải vạch ra con đường để giảm lượng khí thải và ngăn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Trong ảnh (tư liệu): Khí thải bay lên từ nhà máy nhiệt điện Badarpur ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, đang chịu áp lực phải công bố kế hoạch trở thành nước trung hòa carbon đến giữa thế kỷ hoặc gần nhất là tại hội nghị khí hậu ở Scotland, sắp tới.
Phát biểu với báo chí, một quan chức Bộ Môi trường Ấn Độ cho rằng công bố không phát thải ròng carbon không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ông nói: “Lượng carbon mà bạn phát thải vào bầu khí quyển trước khi đạt tới phát thải ròng bằng 0, mới là điều quan trọng hơn”.
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đạt tới phát thải carbon ròng bằng 0. Điều đó đồng nghĩa với họ chỉ thải ra lượng khí thải nhà kính mà có thể được hấp thụ bởi rừng, cây trồng, đất và công nghệ “thu giữ carbon” đang ở giai đoạn “phôi thai”.
Trung Quốc và Saudi Arabia đều đặt mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2060. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng những mục tiêu trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có những hành động cụ thể ngay từ bây giờ.
Đại biểu của gần 200 quốc gia sẽ nhóm họp tại Scotland từ ngày 31/10-12/11 tới để tiến hành đàm phán về cách thức nhằm tăng cường các hành động chống lại tình trạng nóng lên trên toàn cầu theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupendra Yadav cho hay nước này đang đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đặt ra tại Hội nghị Paris năm 2015 và để ngỏ khả năng điều chỉnh các mục tiêu này.
Ấn Độ cam kết cắt giảm mức độ phát thải carbon trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đến năm 2035 ở mức 33-35% so với năm 2005. Ấn Độ đạt mức cắt giảm 24% vào năm 2016.
Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng Ấn Độ có thể xem xét cắt giảm cường độ phát thải ở mức 40% dựa trên khả năng tài chính và khả năng tiếp cận những công nghệ mới hơn.