Một đứa trẻ được sinh ra ngày nay có khả năng phải đối mặt với nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn trong cuộc đời của chúng gấp ba đến bốn lần so với ông bà của chúng Nguồn: Getty / Mike Hollingshead/Getty Images

 

 

 

QUỐC TẾ - Một phúc trình quan trọng về biến đổi khí hậu cho thấy, con người có một số khả năng đối phó với tình trạng khẩn cấp khí hậu toàn cầu, nhưng những thay đổi này vẫn là mối đe dọa lớn lao đối với các hệ thống tự nhiên và con người. Nghiên cứu của ‘Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu, gọi tắt là IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change)  cho thấy, tác động của cuộc khủng hoảng nhanh hơn và tồi tệ hơn, so với những dự đoán trước đó.

 

Úc đã đóng một vai trò hàng đầu, trong báo cáo tổng hợp mới nhất của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu - IPCC.

 

Đây là một cơ quan liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm nâng cao kiến thức khoa học về sự thay đổi môi trường do con người gây ra, hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp.

 

Báo cáo của Hội đồng tóm tắt những gì thế giới biết, về biến đổi khí hậu cho đến nay.

 

Phúc trình khẳng định, con người đã gây ra sự nóng lên toàn cầu và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đang tiếp tục gia tăng.

 

Giáo sư Mark Howden từ Đại học Quốc gia Úc, cho biết, rõ ràng là các nhóm dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi biến đổi khí hậu.

Giáo sư Mark Howden nói “Các tác động về mặt cân bằng, có xu hướng tiêu cực hơn là tích cực, nên thực tế đã tạo ra những tác động có vấn đề trên diện rộng, đối với cuộc sống, sinh kế và các hệ thống tự nhiên”.

 

Trong khi đó phúc trình cho thấy, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến thời tiết cực đoan ở mọi nơi trên thế giới.

 

Một đứa trẻ được sinh ra ngày nay, có khả năng phải đối mặt với nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt hơn trong suốt cuộc đời của chúng, gấp ba đến bốn lần so với thế hệ ông bà của chúng.

 

Khi lượng khí thải ròng từ tất cả các lãnh vực chính yếu tiếp tục gia tăng, trong đó năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng chiếm 79% lượng khí thải nhà kính vào năm 2019, Giáo sư Howden cảnh báo thế giới đang trở nên không an toàn hơn cho thế hệ tiếp theo, nhưng ông nói rằng có một số hy vọng.

Giáo sư Mark Howden nói “Giữa tất cả các báo cáo về rủi ro ngày càng tăng, tôi nghĩ rằng cũng cần phải có thông báo về việc tăng cường khả năng giải quyết vấn đề này, nếu chúng ta chọn làm như vậy”.

 

Ước tính có hơn ba tỷ người sống ở những khu vực có nguy cơ cao, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

Được biết bản báo cáo của IPCC kêu gọi, chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt sang năng lượng tái tạo, bao gồm cả việc áp dụng rộng rãi xe điện.

 

Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy, con người đang thích nghi với những thay đổi do sự nóng lên toàn cầu gây ra, ông Howden nói rằng chúng thường ‘phân mảnh và có quy mô nhỏ’.

 

Giáo sư Malte Meinshausen từ Đại học Melbourne cho biết, việc giảm phát thải khí nhà kính đặc biệt là carbon dioxide, đang giảm một nửa trong thập niên này.

Giáo sư Malte Meinshausen nói “Điều được nhấn mạnh hơn trước đây, là thập niên này thực sự là 10 năm cuối cùng và những năm 2030 là lần cuối, chúng ta có cơ hội giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở nhiệt độ 1,5 độ".

"Trong chu kỳ đánh giá tiếp theo, nếu chúng ta trình bày cho bạn phúc trình kế tiếp, thì cơ hội đó sẽ biến mất”.

 

Trong khi đó Giáo sư Frank Jotzo của Đại học Quốc gia Úc cho biết, phúc trình không phân tích các quốc gia cụ thể và không phải là một nhận định về bất kỳ quốc gia riêng biệt nào.

 

Giáo sư Frank Jotzo nói “Vì vậy tôi muốn nói rằng, để phù hợp với quỹ đạo tới 1,5 độ, sẽ cần một nỗ lực rất lớn và sự thay đổi quỹ đạo phát thải ngay lập tức".

"Do đó chúng tôi thực sự không thấy sự thay đổi tức thời ở bất kỳ quốc gia nào, cũng như không thấy điều đó ở Úc".

"Nhưng tôi xin nói thêm một lần nữa rằng, phúc trình không đưa ra phân tích về từng quốc gia riêng lẻ".

“Vì vậy những gì tôi cung cấp cho bạn ở đây, chỉ là đánh giá chuyên môn của tôi về tình hình hiện tại, đó không phải là phán quyết của IPCC về Úc hay bất cứ điều gì.”