Bắc Kinh sẽ « không chấp nhận bất kỳ một thỏa thuận thương mại và kinh tế nào giữa các đối tác với Hoa Kỳ gây bất lợi cho Trung Quốc ». Bộ Thương Mại Trung Quốc ngày 21/04/2025 cảnh cáo như trên vào lúc châu Á đang hối hả tìm cách đàm phán với chính quyền Trump để tránh bị áp thuế « đối xứng ».

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28/03/2025. REUTERS - Florence Lo
Đây là thông điệp của Bắc Kinh gửi đến Washington và nhất là nhằm răn đe các nước khác trên thế giới đứng về phe Mỹ, để cô lập Trung Quốc. Lời đe dọa này cũng là một cuộc trắc nghiệm về ảnh hưởng của Bắc Kinh với Á châu -Thái Bình Dương.
Việc Trung Quốc hù dọa là một diễn biến mới vào lúc « có nhiều dấu hiệu khả quan » về việc các đối tác chủ chốt của Mỹ ở Á châu -Thái Bình Dương chóng đạt được đồng thuận và phần nào hóa giải được biện pháp « thuế đối xứng » chính quyền Trump ban hành.
Trung Quốc sợ mất ảnh hưởng
Một phái đoàn Nam Hàn chuẩn bị đến Washington nội trong tuần này để đàm phán với phía Mỹ. Trước đó, đích thân tổng thống Trump đã tiếp trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, và, để ngỏ cơ hội Mỹ-Nhật nhanh chóng « tìm được đồng thuận » về thương mại. Tại Tokyo, thủ tướng Shigeru Ishiba thậm chí cho là « đối thoại Mỹ-Nhật có thể là một khuôn mẫu cho mọi nền kinh tế cần thương lượng với Washington ». Phó tổng thống Hoa Kỳ, JD Vance, bắt đầu chuyến công du Ấn Độ trong bốn ngày, kể từ hôm qua ngày 21/04, với trọng tâm là « đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương ».
Đài Loan đã liên tục thông báo ý định mua thêm trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. Việt Nam có thặng dư mậu dịch lớn với Hoa Kỳ, chịu mức thuế đối xứng đến 46 %, đã vội vã điều một phó thủ tướng đến Washington họp với bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent vào ngày 09/04/2025. Từ Mã Lai Á đến Thái Lan, từ Singapore đến Nam Dương (Indonesia) đều hối hả bày tỏ thiện chí thu hẹp xuất siêu với Hoa Kỳ. Chính quyền Bangkok loan báo sẽ mua thêm khí hóa lỏng của Mỹ.
Do vậy, theo hãng tin Mỹ Bloomberg, Trung Quốc cảm thấy ảnh hưởng của mình với các đối tác Á châu có thể bị suy giảm nếu Mỹ dùng đòn quan thuế đòi ASEAN hay các nước Đông Bắc Á giảm bớt giao dịch với Bắc Kinh.
Chiến thuật vừa đấm vừa xoa
Thông cáo sáng ngày 21/04/2025 của bộ Thương Mại Trung Quốc lên án chính quyền Trump « lạm dụng » thuế hải quan để uy hiếp và bắt chẹt các đối tác kinh tế và thương mại, lôi kép họ về phía Mỹ nhằm « cô lập » Bắc Kinh. Do vậy Trung Quốc sẽ « đáp trả mạnh mẽ và một cách tương xứng » mọi quyết định của một nền kinh tế thương lượng với Hoa Kỳ « trên lưng Trung Quốc ». Hãng tin Reuters Anh Quốc ghi nhận lời lẽ cứng rắn này xuất phát từ việc nhiều nguồn tin thông thạo cho biết Tòa Bạch Ốc đang « chuẩn bị siết chặt thêm gọng kềm » nhắm vào Bắc Kinh.
Theo quan điểm của một chuyên gia Trung Quốc được Reuters trích dẫn, lời lẽ này trước hết đặt Á châu trong thế kẹt, vì thực ra « không một quốc gia nào muốn phải chọn phe » mà « phần lớn các nước Đông Nam Á thì lại lệ thuộc nhiều vào hàng hóa, đầu tư, công nghệ và cả tiêu thụ của Trung Quốc ».
Giọng điệu hù dọa này được đưa ra ngay sau khi chủ tịch Tập Cận Bình vừa kết thúc vòng công du ba nước Đông Nam Á, qua Việt Nam, Mã Lai Á và Cam Bốt. Tại mỗi chặng dừng vừa qua lãnh đạo Trung Quốc vừa quảng bá hình ảnh một đất nước Trung Quốc ổn định và ôn hòa, vừa kêu gọi thành lập một liên minh chống lại chính sách bảo hộ của Mỹ.
Tuy nhiên báo chí Tây phương cho rằng, Bắc Kinh đang lo Hoa Kỳ mượn tay các đối tác kinh tế của Mỹ để cô lập Trung Quốc. Hiện tại nhiều phái đoàn từ Nam Dương đến Thái Lan, Đài Loan … gần như đang túc trực sẵn tại Washington. Nam Dương đang lên kế hoạch tăng nhập cảng thực phẩm và hàng hóa của Mỹ.
Á Châu lâm vào thế « phải chọn phe »
Riêng ASEAN bị kẹt giữa cuộc chiến quan thuế Trung-Mỹ. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc 234 tỷ đô-la trong quý một 2025. Còn với Mỹ là gần 480 tỷ cho cả năm. Nhưng Hoa Kỳ chỉ là « đối tác thương mại lớn thứ tư của khối khu vực này » theo các thống kê của Washington.
Một điểm thứ nhì được ghi nhận sau thông cáo trong ngày 21/04 của bộ Thương Mại Trung Quốc là, một khi mà chính quyền Trump dùng thuế hải quan như một công cụ để phục vụ các mục tiêu địa chính trị, và thậm chí là như một loại vũ khí để trừng trị thiên hạ, thì coi như Mỹ cũng đang « vẽ đường cho hươu (Trung Quốc) chạy ». Chỉ có ASEAN, các nước mang nợ Trung Quốc hay phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc là bị đẩy vào thế phải « chọn phe ». Đây là điều mà từ hàng chục năm nay các nước Đông Nam Á hết sức tránh né. Từ Tân Gia Ba (Singapore) đến Phi Luật Tân (Philippines) nổi tiếng là gần gũi với Hoa Kỳ đã cố gắng tránh né tối đa để bị đẩy vào tình huống này.
(Theo RFI)