Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/4 cho biết, nước này đã giải ngân 12,4 tỷ USD trong gói cứu trợ dành cho 93 hãng hàng không để đảm bảo giữ việc làm cho người lao động, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19

 

 

Ngành hàng không Mỹ đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. (Nguồn: CNN)

 

Bộ Tài chính Mỹ cho hay sẽ tiếp tục thực hiện chi trả các khoản cứu trợ bổ sung. Ngành vận tải hàng không đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giữa lúc nhu cầu đi lại giảm mạnh buộc các hãng hàng không trên khắp thế giới phải hủy hàng nghìn chuyến bay.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, những hãng hàng không nhận được tiền hỗ trợ trả lương từ 50 triệu USD trở xuống và các nhà thầu nhận được 37,5 triệu USD trở xuống sẽ không phải đưa ra các các công cụ tài chính để đổi lấy khoản cứu trợ.

 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhóm các hãng hàng không hàng đầu của Mỹ đã đạt được thỏa thuận vào giữa tháng Tư về các điều khoản trong gói cứu trợ nhằm giúp các công ty này tránh nguy cơ phá sản và sa thải lao động quy mô lớn. Khoảng 750,000 người lao động làm việc trong ngành hàng không Mỹ.

 

Mặc dù Bộ Tài chính chưa tiết lộ các điều khoản của thỏa thuận, các nguồn thạo tin cho biết, Bộ này kêu gọi Chính quyền liên bang tiếp nhận quyền sở hữu một số sản phẩm tài chính đảm bảo có thể được chuyển đổi thành cổ phần của hãng hàng không, để đổi lấy gói cứu trợ. Điều này có nghĩa là nhà nước có khả năng trở thành cổ đông nhỏ tại hàng chục công ty hàng không.

 

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm phân bổ khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 2.200 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Trump ký ban hành vào cuối tháng Ba. Để tránh nguy cơ thiên vị trong quá trình giải ngân khoản cứu trợ, chính quyền Mỹ đã điều chỉnh các điều kiện viện trợ cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.