Các nhân viên làm việc tại trụ sở của nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC ở Đài Loan, ngày 29/1/2021. (Ảnh: SAM YEH / AFP qua Getty Images)
QUỐC TẾ - Báo cáo thu nhập quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới cho thấy, cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đang diễn biến tồi tệ. Tình trạng thiếu chip và những rắc rối liên quan đến chuỗi cung ứng đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp và kết quả tài chính toàn cầu.
Trong tuần này, General Motors (GM) đã báo cáo doanh thu giảm 25% và thừa nhận tình trạng thiếu hụt chip sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tập đoàn này trong năm tới. Maruti Suzuki Ấn Độ dự báo doanh số bán hàng giảm mạnh. Samsung Electronics tuyên bố họ không thể dự đoán kết quả tài chính cho năm 2022 bởi diễn biến thị trường đang rất khó lường. Tập đoàn chế tạo robot khổng lồ của Nhật Bản là Fanuc Corp. đã hạ thấp dự báo doanh thu năm 2021, đồng thời thừa nhận trong vòng 50 năm qua, họ chưa từng phải đối mặt với tình hình tương tự hiện nay.
Giám đốc điều hành Kenji Yamaguchi của Fanuc cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải tình trạng thiếu chất bán dẫn như thế này. Chúng tôi đang nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nhưng không thể tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, vì chúng tôi không thể mua được các linh kiện cần thiết”.
Thời gian chờ đợi trung bình đối với chip đã đạt mốc cao nhất trong lịch sử, ở mức 21,9 tuần vào ngày 01/10/2021, theo số liệu của Susquehanna Financial Group.
Giám đốc điều hành của các tập đoàn hàng đầu đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng chip hiện là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Tác động tới các nhà sản xuất ô tô
CEO Mary Barra của GM cho biết trên Bloomberg TV rằng: “Chúng tôi đang bán mọi chiếc xe mà chúng tôi có thể làm ra”. Theo bà, tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài sang năm sau và mọi chuyện sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2022. Cổ phiếu GM đã giảm hơn 5% vào hôm thứ 4 (27/10).
Ford đã nâng dự báo lợi nhuận năm 2021 của tập đoàn này, khiến cổ phiếu của hãng tăng vọt. Tuy nhiên, Giám đốc tài chính John Lawler của Ford cho hay, các nhà máy của công ty sẽ không thể hoạt động hết công suất cho đến cuối năm sau, và cuộc khủng hoảng chip có thể kéo dài đến năm 2023. “Doanh số của hãng tăng trưởng khoảng 10% vào năm 2021. Và chúng tôi đánh giá việc hạn chế trong nguồn cung chip vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tập đoàn”.
Trong khi đó, Chủ tịch R.C. Bhargava của Maruti Suzuki cho biết vào hôm thứ 4: “Chúng tôi đã không ngờ rằng việc thiếu chip lại khiến sản lượng trong quý II sụt giảm như vậy, bên cạnh đó, giá cả hàng hóa đã tăng lên nhanh chóng”.
Nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực
Cuộc khủng hoảng chip đã lan rộng đến mức nó đang gây tổn hại cho nhiều nền kinh tế. Ví dụ, nước Đức trong tuần này đã cắt giảm triển vọng phát triển năm 2021 xuống 2,6% - so với mức ước tính 3,5% được công bố vào cuối tháng 4. Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier của nước này cho biết: “Tình trạng thiếu chip đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn chiếc ô tô đã không thể được hoàn thiện và giao hàng. Vì vậy, điều quan trọng là các chuỗi cung ứng quốc tế cần được ‘hồi sinh’ và duy trì hoạt động hiệu quả”.
Các nhà sản xuất chip tăng cường đầu tư mới.
TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD để tăng cường sản xuất từ năm 2021 - 2023. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành C.C. Wei của tập đoàn này cho biết công suất của hãng sẽ vẫn bị hạn chế trong ít nhất một năm nữa.
Tập đoàn Intel đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng đầu tư vào nhà máy sản xuất chip mới. Việc này đã khiến cổ phiếu của hãng giảm 12% do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng sinh lời của dự án. Giám đốc điều hành Pat Gelsinger phát biểu: “Chúng tôi có thể chọn một con đường thận trọng hơn với triển vọng tài chính tốt hơn, nhưng thay vào đó, hội đồng quản trị, đội ngũ quản lý… lại chọn đầu tư để tối đa hóa khả năng kinh doanh trong dài hạn của tập đoàn”.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, Samsung đang có kế hoạch tăng gấp 3 lần công suất sản xuất chip vào năm 2026 so với năm 2017. Theo phía công ty, sản lượng chip không phải là nguyên nhân duy nhất của việc thiếu hụt chip, mà vấn đề nằm ở "sự không phù hợp" của cung và cầu. Phó chủ tịch Jinman Han của Samsung cho biết: “Mặc dù rất khó để nói một cách dứt khoát nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng cuộc khủng hoảng sẽ dịu bớt phần nào vào nửa cuối năm tới”.
Dư thừa chip trong tương lai
Các nhà sản xuất chip đã cam kết đầu tư hơn 700 tỷ USD trong thập kỷ tới để mở rộng khả năng sản xuất của họ, từ đó làm dấy lên lo ngại rằng ngành công nghiệp này sẽ chuyển từ tình trạng thiếu hụt sang tình trạng dư thừa. Các chính phủ từ Trung Quốc đến Mỹ, Nhật Bản, và Nam Hàn đều khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm vào lĩnh vực mà họ đang coi là ngành công nghiệp chiến lược này.
(ntdnv.com-Theo Bloomberg)