Quân đội Cam Bốt nạp rốc-két vào dàn phóng đa nòng BM-21, tại tỉnh Preah Vihear, biên giới với Thái Lan, ngày 24/07/2025. AFP - STR
CHIẾN SỰ CAM BỐT – THÁI LAN, Căng thẳng biên giới Cam Bốt -Thái Lan đột ngột leo thang thành xung đột vũ trang. Sáng hôm qua 24/07/2025, Bangkok huy động tiêm kích F-16 oanh kích vào « các mục tiêu quân sự Cam Bốt » sau khi tố cáo quân đội Cam Bốt nổ súng, làm 12 người chết, 24 người bị thương ở khu vực « Tam Giác Ngọc ».
Văn phòng thủ tướng Thái Lan sáng 24/07/2025 loan báo quân đội Cam Bốt đã « nổ súng trước, nhắm vào một ngôi nhà ở quận Kap Choeng, tỉnh Surin », làm 1 người chết và 3 người bị thương. Bộ Y tế Thái Lan trước đó thông báo có ít nhất 11 người chết, bao gồm 8 người trong vụ tấn công bằng rocket vào một trạm xăng ở tỉnh Sisaket, đông bắc Thái Lan.
Để trả đũa, chánh quyền Bangkok đã huy động 6 tiêm kích F-16, nhắm vào « 2 mục tiêu quân sự trên bộ của Cam Bốt ».
Cùng lúc sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh kêu gọi toàn bộ công dân Thái Lan rời khỏi Cam Bốt « càng sớm chừng nào tốt chừng nấy ». Quyền thủ tướng Thái Lan, Phumtham Wechayachai, tuyên bố « tình hình đòi hỏi phải được ứng xử một cách thận trọng và trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ».
Thủ tướng Hun Manet, trong một bức thư gửi đến chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn và lên án Bangkok « cố tình, có chủ ý » tấn công nước láng giềng, cho dù Cam Bốt « không khiêu khích » Thái Lan. Thông cáo của bộ Ngoại Giao Cam Bốt tố cáo Thái Lan có hành vi « xâm lược quân sự »
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, tranh chấp biên giới đã kéo dài giữa hai quốc gia Đông Nam Á này từ « gần 15 năm qua », nhưng căng thẳng đột ngột leo thang trong năm nay: Cuối tháng 5/2025, một binh sĩ Cam Bốt đã thiệt mạng trong một cuộc chạm súng.
Thông tín viên RFI Valentin Cebron từ Bangkok cho biết thêm thông tin:
« Phải chăng đây là những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc chiến? Có một điều chắc chắn: Tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Cam Bốt đang bùng lên trở lại và tình hình ngày càng đáng lo ngại.
Sáng 24/07, đã xảy ra các cuộc chạm súng giữa quân đội hai bên gần ngôi đền Ta Muen Thom, trong khu vực có tranh chấp dọc theo biên giới Cam Bốt và Thái Lan. Hai bên đổ lỗi cho đối phương đã nổ súng trước.
Tại Thái Lan, thống đốc tỉnh Surin đã ra lệnh cho dân cư ở các địa điểm có giao tranh trú ẩn trong boongke, chờ đợi khả năng phải sơ tán đến các nơi an toàn hơn.
Những vụ đụng độ này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước Đông Nam Á đang rơi xuống mức thấp nhất. Hôm qua, Bangkok đã trục xuất đại sứ Cam Bốt và triệu hồi đại diện Thái Lan tại Phnom Penh sau vụ một quả mìn phát nổ làm 5 binh sĩ Thái Lan bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng. Đây là vụ nổ thứ hai chỉ trong vòng một tuần.
Trong bối cảnh tranh chấp biên giới, Bangkok cáo buộc Phnom Penh trong thời gian gần đây cho đã gài thêm mìn trên lãnh thổ Thái Lan ».
Phản ứng quốc tế
Cộng đồng quốc tế lo ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa Thái Lan và Cam Bốt, 2 thành viên ASEAN. Trong cương vị chủ tịch luân phiên khối 10 nước Đông Nam Á, thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã lập tức kêu gọi các bên « kềm chế », hy vọng Bangkok và Phnom Penh « đàm phán » để giải quyết tranh chấp.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh "quan ngại sâu sắc" về các vụ đụng độ tại "Tam Giác Ngọc" giữa Cam Bốt và Thái Lan và kêu gọi hai bên "duy trì quan hệ láng giềng và hữu nghị tốt đẹp, cũng như giải quyết các tranh chấp một cách thích hợp thông qua đối thoại và tham vấn".Trung Quốc cũng đã cảnh báo công dân của họ không nên đến khu vực biên giới giữa Cam Bốt và Thái Lan. Bắc Kinh chủ trương duy trì quan hệ tốt với cả hai nước, đặc biệt là với Cam Bốt, nước đã nhận hàng tỷ euro đầu tư từ Trung Quốc.
Hơn một thế kỷ tranh chấp biên giới
Cam Bốt và Thái Lan có chung 817 km biên giới, nhưng nhiều đoạn không được phân định rõ ràng. Năm 1907, Pháp lập bản đồ biên giới Thái Lan và Cam Bốt, lúc đó là một thuộc địa ở Đông Dương. Bản đồ này bị Thái Lan phản đối. Các điểm tranh chấp lãnh thổ trở thành nguồn cơn của căng thẳng từ hơn một thế kỷ nay, trong đó có khu đền Preah Vihear. Năm 1962, Tòa Án Công Lý Quốc Tế khẳng định Cam Bốt có chủ quyền đối với khu đền cổ 900 tuổi. Nhưng phán quyết này không khép lại vấn đề, căng thẳng tiếp tục bùng phát. Năm 2000, hai nước thành lập một ủy ban biên giới hỗn hợp, nhưng có rất ít tiến triển trong hồ sơ.
Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 27/06/2025, Pavin Chachavalpongpun, chuyên viên nghiên cứu chánh trị và quan hệ quốc tế, tại Viện nghiên cứu về Đông Nam Á, Đại học Kyoto ở Nhật Bổn cho biết trong giai đoạn 2008-2011, tranh chấp biên giới lại bị chánh trị hóa. Cam Bốt bị cáo buộc can thiệp vào nội tình Thái Lan, công khai ủng hộ các phe thân gia tộc Thaksin. Năm 2011, quân đội Thái Lan và Cam Bốt đụng độ ở khu đền Preah Vihear mà cả hai nước đều đòi chủ quyền, mỗi bên thiệt hại khoảng 20 người. Tháng 11/2013, Phnom Penh lại đưa vụ việc lên Tòa Án Công Lý Quốc Tế và được khẳng định có chủ quyền đối với khu vực quanh đền, rộng 4,6 km2. Phán quyết mang tính chất ràng buộc và các bên không thể kháng nghị.
Quan hệ song phương đã xấu đi từ ngày 28/05/2025, khi một quân nhân Cam Bốt tử thương trong một cuộc giao tranh ngắn. Hai tháng sau, Thái Lan cáo buộc Cam Bốt cài mìn ở khu vực biên giới có tranh chấp. Bộ Quốc Phòng Cam Bốt « bác bỏ hoàn toàn » cáo buộc đó, đồng thời khẳng định Phnom Penh sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ « trong mọi hoàn cảnh và bằng mọi giá ». Theo Cam Bốt, lính Thái Lan bị thương là do giẫm phải mìn cũ, được cài trong giai đoạn nội chiến. Bangkok cho biết sẽ đệ trình một văn bản phản đối chánh thức lên Chủ tịch Công ước Ottawa về mìn sát thương, công ước mà cả hai nước đều ký kết từ năm 1997.
(Theo RFI)