By Nga Pham, Danielle Kurtzleben
Dân Việt Newspaper biên dịch.
(Ảnh đồ họa: BBC)
WASHINGTON - Tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam như một phần trong nỗ lực đàm phán lại quan thuế với hàng chục quốc gia khác nhau trên thế giới. Thỏa thuận này được đưa ra khi thời hạn tự đặt ra cho các cuộc đàm phán quan thuế chỉ còn một tuần nữa.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump cho biết mức thuế hiện sẽ là 20% đối với hàng hóa từ Việt Nam, và 40% đối với hàng hóa được trung chuyển qua Việt Nam. Mặc dù ông Trump viết rằng Việt Nam sẽ gánh các mức thuế này, nhưng điều đó không đúng. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập cảng hàng hóa từ Việt Nam sẽ phải trả thuế cho chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Trump cho biết đổi lại, Việt Nam sẽ "cho Hoa Kỳ QUYỀN TIẾP CẬN TOÀN BỘ với Thị trường Thương mại của Việt Nam", nghĩa là "chúng ta sẽ có thể bán sản phẩm của mình vào Việt Nam với Quan Thuế bằng KHÔNG ". Đặc biệt, Ông nói rằng xe SUV (hay còn gọi là các dòng xe hơi có động cơ lớn) là sản phẩm sẽ được xuất cảng với số lượng lớn sang Việt Nam. Tuy nhiên, Tòa Bạch Cung vẫn chưa công bố thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận này.
Thông báo này được đưa ra sau khi ông Trump đề xướng mức quan thuế lên đến 46% đối với hàng nhập cảng từ Việt Nam vào tháng Tư — một trong những mức thuế cao nhất áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào — nói rằng ông sẽ giải quyết thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam. Kể từ đó, ông Trump đã tạm thời áp mức thuế quan là 10%, mà ông gọi là "tạm dừng", trong khi chờ đàm phán về quan thuế giữa các quan chức tại Hà Nội và Washington.
Dù ông Trump đã công khai con số thuế là 20% đối với hàng Việt Nam, và 40% hàng trung chuyển, trang Thông tin Chính phủ nước CHXCN Việt Nam chỉ đưa tin chung chung rằng ông Trump khẳng định sẽ "cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên."
Quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển đáng kể kể từ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam vào năm 1994. Hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995.
Năm 2001, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một hiệp định thương mại song phương, trao cho Việt Nam quy chế quốc gia được ưu đãi nhất và mở đường cho việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trong hai thập niên tiếp theo, thương mại giữa hai nước tăng vọt, đạt 149,6 tỷ đô-la vào năm 2024 — tăng khoảng 50 lần kể từ năm 2002.
Vào năm 2023, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng mối quan hệ của họ lên "quan hệ đối tác sách lược toàn diện", củng cố các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần một phần ba tổng kim ngạch xuất cảng của Việt Nam. Theo Bộ Thương mại, các mặt hàng xuất cảng chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm máy móc, thiết bị, quần áo và giày dép.
Tuy nhiên, với sự mất cân bằng thương mại đáng kể có lợi cho Việt Nam đang gây lo ngại ở Washington — thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đạt hơn 123,5 tỷ đô-la vào năm 2024, và 39,1 tỷ đô-la trong quý đầu tiên của năm 2025, các viên chức Hoa Kỳ đã gây sức ép buộc Việt Nam giải quyết các rào cản phi thương mại, chống gian lận, và hạn chế hàng hóa xuất cảng được trung chuyển qua cửa ngõ nước Việt Nam. Họ cũng kêu gọi Việt Nam mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là 8% vào năm 2025, nhưng một báo cáo gần đây được Ngân hàng Phát triển Á Châu (Asian Development Bank) hỗ trợ cho rằng mức quan thuế đối xứng của Hoa Kỳ là 20% hoặc cao hơn có thể cản trở việc đạt được mục tiêu này.
(Theo NPR, BBC News)