Mỏ graphite Zavallievsky tại Ukraine. REUTERS - Thomas Peter

 

 

Sau nhiều tháng đàm phán, thỏa thuận khoáng sản giữa Ukraine và Hoa Kỳ chưa biết đi về đâu. Vào lúc truyền thông quốc tế phân tích các tình huống hợp tác giữa Kyiv và Washington về « đất hiếm », về « những kim loại chiến lược » thì chuyên gia trong lĩnh vực này, chuyên gia nghiên cứu Raphaël Danino-Perraud, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI khẳng định Ukraine có nhiều tài nguyên và khoáng sản Mỹ đang cần nhưng « không có đất hiếm ».

 

 

Hôm 17/04/2025, Ukraine thông báo đã ký kết với Mỹ một văn bản cho phép hướng tới « một thỏa thuận » về khoáng sản, « tiền đề cho quan hệ đối tác kinh tế song phương ». Vài ngày sau, thủ tướng Denys Shmygal đến Washington tiếp tục thảo luận về hợp tác khoáng sản với Hoa Kỳ. Washington và Kyiv hy vọng sẽ kết thúc đàm phán và đạt được thỏa thuận trước ngày 26/04/2025. Nhưng từ đó đến nay, không có thêm thông tin về « hợp tác khoáng sản » giữa Ukraine với Mỹ.

 

Là nguồn sản xuất hơn 60 % và tinh lọc 90 % kim loại hiếm cho toàn cầu, Trung Quốc đang sử dụng lá bài đất hiếm để đương đầu với Mỹ trong cuộc thương chiến. Từ đầu tháng 4/2025 Bắc Kinh hạn chế xuất cảng sang Hoa Kỳ 7 « kim loại nặng » do biết chắc đối phương sẽ « khó tìm nguồn thay thế ».

 

Trả lời RFI Việt ngữ, Raphaël Danino-Perraud của viện IFRI trước hết nhắc lại « đất hiếm » không là một đề tài mới mẻ, nhưng đang được truyền thông quốc tế chú ý đến nhiều dưới tác động kép: 

 

Raphaël Danino-Perraud: «Thật ra đây là một vấn đề nổi cộm từ 15 năm nay. Vào năm 2010, Trung Quốc cấm xuất cảng đất hiếm sang Nhật Bản do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh chung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Trung Quốc trả đũa ngừng xuất cảng đất hiếm cho Nhật và đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp. Giá cả tăng cao và ảnh hưởng luôn cả đến dây chuyền sản xuất của thế giới. Nói như vậy để thấy đây không là một chủ đề mới, nhưng hồ sơ này đang được quan tâm trở lại vì căng thẳng gia tăng trong việc cung cấp đất hiếm nói riêng, kim loại chiến lược và khoáng sản nói chung ».

 

RFI: Nhờ đâu Trung Quốc chiếm vị trí gần như độc quyền thế giới về đất hiếm?

 

Raphaël Danino-Perraud: « Về câu hỏi do dâu Trung Quốc chiếm thế độc quyền trên thị trường này? Đây là cả một chiến lược dài hơi. Từ thập niên 1980/1990 Trung Quốc đã tận dụng các mỏ đất hiếm phẩm chất cao trên lãnh thổ của mình. Rồi từng bước gặm nhấm thị trường, khai thác thế mạnh cạnh tranh, nhất là khi các tập đoàn quốc tế của Pháp, của Mỹ chuyển hoạt động sản xuất sang Hoa Lục. Nhờ vậy Trung Quốc đã mua lại được các công cụ sản xuất của Âu Mỹ, hưởng lợi từ khâu chuyển giao công nghệ để phát triển. Đã phải mất từ 20 đến 25 năm trước khi Trung Quốc lật ngửa ván bài, khẳng định thế độc quyền ».  

 

RFI: Ông vừa nói, từ 15 năm nay Âu Mỹ ý thức được là không thể để bị phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm, vậy tại sao vẫn chậm trễ trong lĩnh vực này để rồi giờ đây, chúng ta có cảm tưởng là Hoa Kỳ gấp rút đi tìm kim loại hiếm từ ở Groenland đến Ukraine để phá thế độc quyền của Trung Quốc? 

 

Raphaël Danino-Perraud : « Đây không chỉ là một ngành công nghiệp khai thác khoáng sản mà trước hết là cả một chuỗi cung ứng đi từ khâu thăm dò, khai thác cho đến khi có được thành sản phẩm, để phục vụ sản xuất linh kiện bán dẫn. Chúng ta cần hiểu rõ điều này vì cũng chính yếu tố đó giải thích cho mức độ phức tạp và giá trị của kim loại hiếm. Ở mỗi công đoạn là cả một mảng công nghiệp hoàn toàn khác nhau.

 

Về câu hỏi vậy thì Âu châu và Hoa Kỳ đã có những bước chuẩn bị nào hay chưa để hóa giải thế độc quyền của Trung Quốc, chúng tôi nhận thấy Âu châu cho dù chỉ với khá ít dự án phát triển kim loại hiếm, các chương trình đã được thực hiện thì bắt đầu đem lại những kết quả đầu tiên. Đức bắt đầu có những dự án phát triển nam châm vĩnh cửu. Còn Pháp có các cơ sở tinh luyện và tái chế đang được thiết lập. Nhưng thật ra Mỹ mới là nước khai triển các chương trình quy mô nhất:  Ngay từ 2010, Hoa Kỳ đã cố gắng khởi động lại hoạt động của một công ty đất hiếm từng được chuyển nhượng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tập đoàn này của Mỹ cũng đã thất bại nhiều lần, do không cạnh tranh lại được với giá cả của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ 2020, Washington bắt đầu trợ cấp cho các dự án khai thác mỏ ở Texas và cả nhà máy tinh luyện do công ty Úc Lynas xây dựng ».

 

RFI: Những quy định về môi trường là một trở lực lớn đối với ngành công nghiệp khoáng sản của Âu Mỹ, nhất là Âu châu?

 

Raphaël Danino-Perraud: « Đương nhiên rồi. Khác với Trung Quốc, những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường gây bất lợi cho ngành công nghiệp khai thác và tinh lọc đất hiếm của Âu, Mỹ. Tuy nhiên Trung Quốc cũng bắt đầu chú ý đến môi trường do hiện tượng đất đai bị ô nhiễm.

 

Một yếu tố khác giải thích cho sự chậm trễ của Âu châu và Mỹ trong lĩnh vực này, như vừa nói, là do tính phức tạp của cả chuỗi sản xuất những khoáng sản chiến lược. Mảng này đòi hỏi nhiều đầu tư từ các khâu nghiên cứu và phát triển đến những phí tổn rất lớn để vận hành. Để khôi phục một chuỗi cung ứng phức tạp như vậy, cần từ 10 đến 15 năm. Vấn đề đối với Âu Mỹ là chu kỳ một chánh sách công nghiệp của họ chi là khoảng 5 năm, nên muốn xây dựng lại mảng công nghiệp này bắt buộc phải có tầm nhìn dài hạn ».

 

RFI: Về khoáng sản của Ukraine: Trong một bài tham luận gần đây của Viện IFRI, ông đã giải thích Ukraine có thể cung cấp « 21 trong số 30 nguyên liêe5u chiến lược cần thiết cho Âu  châu » và Ukraine là một mỏ titan lớn của thế giới, chiếm tới 7 % trữ lượng toàn cầu, 20 % dự trữ về graphite của thế giới, nguyên liệu thiết yếu để chế tạo bình điện cho xe ô tô … Nói cách khác, đâu chỉ có Hoa Kỳ nhòm ngó đến kim loại hiếm của Ukraine?

 

Raphaël Danino-Perraud: «Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải đặt vấn đề khoáng sản của Ukraine trong bối cảnh địa chánh trị (đại thế chánh trị) và địa chiến lược hiện nay. Vì thực ra có nhiều khoáng sản khác còn dễ khai thác hơn, gần Mỹ hơn là khoáng sản của Ukraine. Thí dụ như Greenland có thể giàu khoáng sản hơn, dễ lập dự án hơn, nhưng Groenland thiếu các hạ tầng cơ sở và năng lượng cần thiết để cho phép khai thác khoáng sản. Đây là một thách thức rất lớn. Khai thác mỏ đòi hỏi nhiều năng lượng, nguồn nước và cả mạng lưới cơ sở hạ tầng, mà những điều này phải mất nhiều năm để xây dựng. Do vậy, theo tôi, quan tâm đến khoáng sản Ukraine trước hết là để khẳng định sự hiện diện, hoặc để mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại một quốc gia nào đó.

 

Chúng ta biết Ukraine không có đất hiếm, hoặc rất ít. Nhưng các khoáng sản ở đây lại rất phong phú. Ukraine có đủ các khoáng sản như mangan, titan, than, graphite và có thể là germanium. Đây đều là kim loại chiến lược hay kim loại hiếm. Đất hiếm chỉ là một nhóm trong số đó, như cobalt, nickel, lithium, titan, tuy không phải đất hiếm nhưng đều là kim loại quan trọng. Và như đã nói, để Mỹ sản xuất được gì từ tài nguyên Ukraine thì cũng phải mất 10-15 năm. Vì Ukraine là một quốc gia đang phải xây dựng lại mọi thứ: từ đường sá, năng lượng, nước, mỏ, nguồn nhân lực… và lại còn phải đối mặt với các mối đe dọa từ Nga.

 

Vậy nên tôi không nghĩ rằng tài nguyên ở Ukraine có thể được khai thác nhanh chóng. Nhưng khoáng sản của Ukraine là những tài nguyên mà Mỹ có thể quan tâm. Nói cách khác, điều này một lần nữa cho thấy đây là một tính toán địa chánh trị (đại thế chánh trị) hơn là kinh tế. Và đó là một thực tế ».

 

RFI: Xin cảm ơn chuyên gia Raphaël Danino-Perraud, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.