Ảnh chụp vào ngày 10 tháng 12 năm 2023 cho thấy một tàu hải cảnh của Trung Quốc đang theo dõi một tàu của Philippines (trái) chở đầy hàng hóa cho ngư dân và quân đội Philippines trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. (Ảnh: TED ALJIBE/AFP via Getty Images)

 

 

ĐÔNG NAM Á - Ngày 10/12, một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng gần Bãi cạn Second Thomas, còn gọi là bãi Cỏ Mây, và đâm vào một tàu tiếp tế quân sự của Philippines. Đây là ví dụ mới nhất về xung đột giữa hai bên ở Biển Đông đã gia tăng đáng kể vào năm 2023. Philippines đã chỉ trích mạnh mẽ về điều này. Tình hình Biển Đông đang sục sôi và rất có thể sẽ leo thang trong thời gian tới.

 

Vào ngày 11/12, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cho biết đây là “sự leo thang nghiêm trọng” đơn phương từ phía Trung Quốc. Philippines chiếu hình ảnh và video tàu Trung Quốc bắn vòi rồng và đâm vào tàu chiến nước này. Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines nói với đài phát thanh rằng ông đang ở trên một trong những con tàu tuần duyên vừa bị bắn vòi rồng lại vừa bị đâm trúng.

 

 

Ngày 12/12, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines để phản đối việc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc “liên tục quấy rối” tàu Philippines ở Biển Đông cuối tuần qua. Phát ngôn viên của Philippines nói rằng việc tuyên bố ông Hoàng Khê Liên - đại sứ Trung Quốc tại Philippines, là “người không được chào đón” cũng là “điều cần phải được xem xét nghiêm túc”.

 

Vào ngày 13/12, Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ, là ông Jose Romualdez, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Nikkei Asia rằng sự đối đầu và xích mích giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc ở Biển Đông có thể đưa đến xung đột lớn “bất cứ lúc nào”. Biển Đông mới là ngòi nổ, chứ không phải Đài Loan. "Bất cứ điều gì xảy ra trong khu vực của chúng tôi, nó sẽ giống như sự khởi đầu của một trận chiến khác, một cuộc chiến tranh thế giới khác".

 

Ông Romualdez cũng nhớ lại rằng, trong Hội nghị thượng đỉnh APEC San Francisco (từ ngày 11 đến ngày 17/11), khi Tổng thống Philippines Marcos gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông hy vọng có thể thảo luận về cách giải quyết căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng theo ông Marcos, "Ông ấy không nói gì, chỉ lắng nghe rồi nói: 'Hãy để các quan chức quốc phòng và đối ngoại của chúng ta thảo luận về vấn đề này”.

 

Có thể thấy, sự lạc quan trong quan hệ song phương từ chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines vào tháng 1 năm nay đã sớm tiêu tan, và mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc lại bước sang một bước ngoặt mới. Ông Marcos từng muốn đi dây giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi tăng cường quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines.

 

Ngoại trưởng Philippines ngày 19/4 tuyên bố Philippines sẽ không cho phép Mỹ cất giữ vũ khí tại các căn cứ quân sự của Philippines để phục vụ các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan, cũng như không cho phép tàu chiến và máy bay Mỹ tiếp nhiên liệu, sửa chữa hoặc nâng cấp vũ khí tại căn cứ trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh đã buộc ông Marcos phải từ bỏ hoàn toàn chính sách “xa Mỹ gần Trung” của người tiền nhiệm, không còn ôm giữ bất cứ ảo mộng nào về Trung Quốc nữa. Đồng thời, hiệu ứng ngoại giao trong việc Bắc Kinh bắt nạt Philippines ở Biển Đông tiếp tục mở rộng.

 

Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng, tiếp theo là 26 quốc gia thành viên như: Vương quốc Anh, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và các nước khác chỉ trích hành vi của Bắc Kinh là không an toàn, và kêu gọi nước này tuân theo phán kết của trọng tài quốc tế năm 2016. Chính trong ngày 6/12, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 đã ra tuyên bố cho biết họ sẵn sàng thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, nhưng cũng nhấn mạnh mối quan ngại của họ về tình hình Biển Đông và các vấn đề khác, trong đó tuyên bố rõ ràng rằng: “Các yêu sách hàng hải rộng lớn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý”. Truyền thông Trung Quốc đã tuyên truyền rằng 32 quốc gia đã thành lập một “mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc”.

 

Không chỉ vậy, ngày 13/12, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano đã có cuộc điện đàm ba chiều với Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo, tái khẳng định cam kết của họ đối với quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như tầm quan trọng cơ bản của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Cơ chế đối thoại ba bên với sự tham gia của các cố vấn an ninh quốc gia của ba nước chỉ mới được thành lập trong năm nay. Phiên họp đầu tiên được tổ chức vào tháng 6 để đạt được thỏa thuận về hợp tác quốc phòng. Ba bên khẳng định sẽ tổ chức các cuộc họp thường kỳ về chiến lược an ninh của ba nước liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông theo định kỳ.

 

Trên thực tế, khi hành vi bắt nạt Philippines ở Biển Đông của Trung Quốc ngày càng trở nên ngông cuồng vào năm 2023, Hoa Kỳ cũng đã tăng cường đáng kể sự ủng hộ của mình đối với Philippines.

 

Vào tháng 2, Philippines đã đồng ý mở thêm 4 căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ sử dụng dựa trên Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) được hai bên ký kết vào năm 2014, trong đó hai căn cứ gần Đài Loan và Biển Đông. Điều này nâng số căn cứ quân sự mà quân đội Mỹ có thể sử dụng ở Philippines lên thành 9 cái.

 

Vào tháng 4, quân đội Philippines và quân đội Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất trong lịch sử hai nước.

 

Ngày 3/5, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng thống Philippines, Hoa Kỳ và Philippines đã công bố đường lối quốc phòng song phương đầu tiên. Hoa Kỳ đã bày tỏ rằng phòng ngự của Philippines sẽ bao trùm Biển Đông, bao gồm cả việc phòng ngự các cuộc tấn công vào Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Đường lỗi này cũng cập nhật sự hiểu biết về các hình thức chiến tranh hiện đại, trong đó có cả “chiến thuật vùng xám”.

 

Ngày 25/10, ông Biden cảnh báo Bắc Kinh không được thực hiện các hoạt động nguy hiểm và bất hợp pháp chống lại Philippines, bởi bất kỳ cuộc tấn công nào vào đồng minh của Mỹ là Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila.

 

Ngày 21/11, quân đội Philippines và Mỹ tiến hành cuộc tuần tra chung trên biển và trên không kéo dài 3 ngày ở Biển Đông gần Đài Loan, bắt đầu từ đảo Mavulis, hòn đảo cực bắc của Quần đảo Batanes ở Philippines, chỉ cách Đài Loan hơn 100 km. .

 

Philippines và Mỹ đàm phán để Úc và Nhật Bản tham gia tuần tra chung theo kế hoạch ở Biển Đông nhằm đảm bảo quy tắc ứng xử và tự do hàng hải ở địa phương .

 

Ngoài việc tăng cường liên minh với Hoa Kỳ, Philippines còn tiếp tục tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác, và đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Ví dụ: Vào tháng 9, Philippines và Úc đã nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược. Ngày 25/11, Philippines và Úc bắt đầu cuộc tuần tra chung trên biển và trên không đầu tiên ở Biển Đông, chỉ hai ngày sau cuộc tuần tra chung giữa Philippines và Mỹ.

 

Ngày 3/11, Tổng thống Philippines Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xác nhận trong cuộc gặp ở Manila rằng họ sẽ bắt đầu đàm phán để đạt được "Thỏa thuận tiếp cận lẫn nhau giữa Nhật Bản và Philippines” nhằm tăng cường quan hệ an ninh giữa hai nước và thúc đẩy diễn tập phòng thủ hợp tác chung. Khuôn khổ "Viện trợ an ninh chính thức” (OSA) do Nhật Bản thiết lập vào tháng 4 năm nay cũng lần đầu tiên được áp dụng, cung cấp radar giám sát bờ biển cho quân đội Philippines.

 

Vào ngày 2 tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và Pháp đã ký ý định thư tại Manila, trong đó bao gồm khả năng đàm phán để cho phép binh lính hai nước đi vào lãnh thổ của nhau.

 

Ngày 12/12, tàu khu trục INS Kadmatt của Hải quân Ấn Độ và tàu tuần tra BRP Ramon Alcaraz của Philippines đã tiến hành cuộc tập trận chung trên biển ở Biển Đông nhằm “Thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa hai nước và thúc đẩy cách tiếp cận chung về trật tự dựa trên quy tắc”. Đại sứ Ấn Độ tại Philippines cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của những người bạn Philippines nhằm đảm bảo rằng mọi sự kiện trên biển đều tôn trọng Luật hàng hải quốc tế”.

 

Những điều trên cho thấy chính sách quốc phòng và ngoại giao của Philippines đã trực tiếp chuyển sang hợp tác đa phương với các nước dân chủ do Mỹ dẫn đầu. Điều này đã mang đến những thay đổi sâu sắc về tình hình chiến lược ở Biển Đông. Philippines tuy là một quốc gia nhỏ nhưng lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Còn Trung Quốc thì sao? Lẻ loi cô độc một mình, đã rất bị động.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ôm giữ thái độ chiến lang và tiếp tục tố cáo phán quyết trọng tài quốc tế đối với Biển Đông là “bất hợp pháp và vô hiệu”, thậm chí còn cáo buộc Mỹ đứng sau giật dây trong các hành động khiêu khích của Philippines” và đe dọa tiếp tục “kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình”. Và kết quả cuối cùng chỉ có thể là tự vác đá nện chân mình.

 

(Theo Epochtimes)
(ntdvn.net, Viên Minh biên dịch)