Mặt trời mọc trên đường chân trời của Khu tài chính Lục Gia Chủy dọc theo sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 4/2/2018. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

 

Thế giới có sẵn sàng đối mặt với sự chuyển đổi sắp xảy ra ở Trung Quốc? Sự đổ vỡ từ từ tại Trung Quốc đang thu hút được sự chú ý của công chúng. Giờ đây, câu hỏi đặt ra là hệ quả và tác động của nó sẽ là như thế nào.

 

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, đối tượng của những đồn đoán vô tận thời gian gần đây, đang phải căng mình trên nhiều mặt trận. Kẻ thù lớn nhất của ông hiện nay không phải là Mỹ mà là chính ĐCSTQ.

 

Sự sụp đổ của chính quyền ông Tập, hoặc một cuộc nổi dậy dưới hình thức này hay hình thức khác của một bộ phận Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), có thể đe dọa chính ĐCSTQ và sự thống nhất của Trung Quốc. Hiện tại, ông Tập, ĐCSTQ, và thậm chí cả PLA có thể tạo ra một mặt trận thống nhất “chiến binh sói” để chống lại Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Mỹ, Nhật Bản, v.v., nhưng nó dường như ngày càng rõ ràng rằng cả ĐCSTQ và PLA đều không thích viễn cảnh chiến tranh ở Đài Loan.

 

Sự kiện đó sẽ gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, và đặt ra nhiều vấn đề đối với kết cục dành cho ĐCSTQ và Trung Quốc.

 

Về phần mình, ông Tập hiện đang thực hiện một nỗ lực vô ích nhằm ngăn chặn những diễn biến nằm ngoài tầm kiểm soát của ông giữa ĐCSTQ và PLA, vì vậy ông đã cố gắng loại bỏ các nhà lãnh đạo PLA có nhiều khả năng “độc lập”. Tất nhiên, làm như vậy sẽ làm tổn hại đến khả năng của PLA trong việc khởi xướng hoặc duy trì các hoạt động quân sự chống lại Đài Loan cũng như các lực lượng nước ngoài có liên quan.

 

 

Trung Quốc đã khánh kiệt

Đồng thời, Trung Quốc – và do đó là ĐCSTQ –, theo một nghĩa nào đó, đã “bị khánh kiệt”. Chắc chắn, Trung Quốc nắm giữ lượng ngoại tệ và vàng khổng lồ. Tuy nhiên, nước này cũng phải đối mặt với nguy cơ ngoại thương sụt giảm nhanh chóng và chi phí mua thực phẩm và năng lượng nước ngoài tăng cao.

 

Trong nước, Trung Quốc phải đối mặt với thách thức an ninh ngày càng leo thang khi thị trường nhà ở tiếp tục sụp đổ - lấy đi tiền tiết kiệm của hàng chục triệu người Trung Quốc - và cuộc khủng hoảng nợ chính quyền địa phương liên quan ngày càng trầm trọng hơn.

 

Tỷ lệ thất nghiệp cao đến mức ĐCSTQ đã ngừng công bố số liệu thống kê việc làm quan trọng, thậm chí khi đây là những số liệu rõ ràng là không đúng sự thật. Nạn đói, dấu ấn trong thời đại Mao Trạch Đông (nhà lãnh đạo của ĐCSTQ từ 1949 đến 1976), đã quay trở lại trên diện rộng, phần lớn là do ông Tập không tin tưởng vào hoạt động thương mại tư nhân và việc ông khăng khăng dựa vào các doanh nghiệp nhà nước, vốn, giống như thời Mao, không đóng góp gì cho năng suất, xuất khẩu hoặc khả năng tự lực của Trung Quốc.

 

 

Ông Tập đã nói rõ rằng ông đang gấp rút hướng tới một nhà nước theo chủ nghĩa Mao một lần nữa với việc dựa vào nền kinh tế “lưu thông nội bộ”. Nhưng điều đó, như các quan chức Trung Quốc hiện đại biết, là không bền vững; Trung Quốc thiếu khả năng nuôi sống dân số ngay cả khi dân số đó đang giảm nhanh chóng về quy mô.

 

Khi ông Tập đảm bảo nhiệm kỳ tổng bí thư lần thứ ba (chưa từng có) tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2022, người ta cho rằng ông đã loại bỏ tất cả những quan chức chủ chốt của đảng không đồng tình với tầm nhìn của ông về “sự thuần khiết theo chủ nghĩa Mao”. Tuy nhiên, các sự kiện diễn ra sau Đại hội chắc hẳn đã thuyết phục nhiều người rằng việc ông Tập từ chối yếu tố kinh tế thị trường – điều mà ông rõ ràng không hiểu cũng như không muốn; xét cho cùng, ông Tập sẽ không bao giờ bị đói - đã khơi dậy một làn sóng chống đối lớn hơn nhiều so với tình trạng bất ổn đô thị trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, khi kỷ nguyên của các vương triều Trung Quốc chấm dứt.

 

Có phải chúng ta đang đến gần thời điểm mà ĐCSTQ, để tự cứu mình và duy trì quyền kiểm soát Trung Quốc, sẽ loại bỏ ông Tập? Nếu vậy, liệu nó có thể làm được điều này mà không có sự đổ máu lớn như đã thấy trong các trận chiến khốc liệt trong Cách mạng Văn hóa? Ngay cả khi đó, có phải đã quá muộn để giới lãnh đạo Trung Quốc, những người không theo chủ nghĩa Mao, khôi phục sự vận hành của kinh tế thị trường? Trung Quốc không có khả năng sửa chữa thị trường bất động sản trong thời gian ngắn cũng như bảo đảm nghĩa vụ đối với các khoản nợ của mình.

 

Trung Quốc chỉ có thể hy vọng áp đặt một cuộc cải cách kinh tế nghiêm ngặt theo kiểu được nhà lãnh đạo Chile Augusto Pinochet đưa ra sau cuộc lật đổ Tổng thống theo chủ nghĩa Castro Salvador Allende vào năm 1973. Nhưng ngay cả ông Allende cũng chưa hủy hoạt xã hội Chile như cách ông Tập đã huỷ hoại xã hội Trung Quốc đại lục.

 

 

Một buổi bình minh đang tới

Ông Tập đã loại bỏ quá nhiều hy vọng từ người dân Trung Quốc đại lục đến mức chỉ cần loại bỏ ông và khởi động lại các hoạt động ủng hộ thị trường cũng có thể ngăn chặn hoặc làm chệch hướng một số cơn giận dữ của quần chúng. Nhưng nó sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế toàn cầu, vốn hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghĩ đến một mô hình kinh tế mới không phụ thuộc vào thị trường hoặc các nhà sản xuất Trung Quốc.

 

Dù muốn hay không, chủ nghĩa song phương trong thương mại toàn cầu đang nổi lên, như đã trở nên rõ ràng vào khoảng năm 2008. Khả năng tự lực lớn hơn hoặc rút ngắn các tuyến cung ứng cũng đang được khởi động, ngay cả khi các quốc gia châu Á khác cố gắng thay thế Trung Quốc làm trung tâm sản xuất. Tất cả những điều này đòi hỏi phải chuyển đổi luật thuế và luật khuyến khích đầu tư ở hầu hết các quốc gia để chúng có thể kích thích sự hồi sinh ở các cơ sở sản xuất của họ. Ngược lại, điều này đòi hỏi phải suy nghĩ lại về các mô hình giáo dục, tránh xa những ảo tưởng phi hiệu quả.

 

Những cuộc nói chuyện về biến đổi khí hậu sẽ trôi đi, thay vào đó là những cuộc nói chuyện về việc kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Trời sắp sáng, thế giới sẽ thức giấc, lạnh và đói.

 

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

(ntdvn.net ; Theo The Epoch Times - Bảo Nguyên biên dịch)

 

 

Gregory Copley

Tác giả Gregory Copley là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington. Sinh ra tại Úc, ông Copley cũng là một thành viên của Order of Australia, là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên cho các xuất bản về quốc phòng. Các cuốn sách mới nhất của ông gồm có The New Total War of the 21st Century (Cuộc chiến toàn diện mới của Thế kỷ 21) và The Trigger of the Fear Pandemic (Kích hoạt nỗi sợ hãi đại dịch).