Logo của công ty công nghệ Trung Quốc Huawei. (FRED DUFOUR / AFP via Getty Images)
QUỐC TẾ - Gần đây, Bloomberg tiết lộ bằng chứng mới, xác nhận rằng phần mềm do Huawei phát triển có cửa hậu và gián điệp Trung Quốc đã sử dụng mã độc trong phần mềm của Huawei để thực hiện các cuộc tấn công vào hệ thống viễn thông của Úc và Hoa Kỳ. Điều đáng lưu ý là nó còn có cơ chế tự hủy, mã độc sẽ tự xóa trong vài ngày sau khi ăn cắp dữ liệu.
Một bài điều tra dài được Bloomberg công bố cách đây vài ngày cho thấy, các quan chức Mỹ am hiểu vấn đề này tiết lộ rằng, vào năm 2012, cơ quan tình báo Úc đã thông báo cho phía Mỹ rằng, họ phát hiện hệ thống viễn thông của nước này đã bị hacker (tin tặc) tấn công. Và hành vi xâm nhập này bắt nguồn từ một phần mềm do Huawei cung cấp, bản cập nhật của phần mềm này có chứa mã độc.
Bài báo dẫn lời một cựu quan chức rằng, bản cập nhật phần mềm nói trên trông có vẻ hợp pháp, nhưng nó chứa một mã độc hại và nguyên lý hoạt động của nó giống như một máy nghe lén kỹ thuật số. Nó sẽ lập trình lại thiết bị đã nhiễm mã độc để ghi lại tất cả các liên lạc trên thiết bị. Sau đó gửi dữ liệu tới Trung Quốc.
Điều đáng chú ý hơn nữa là bản cập nhật phần mềm này còn có một cơ chế tự hủy. Mã độc sẽ tự xóa trong vài ngày sau khi ăn cắp dữ liệu.
Cuối cùng, sau một số cuộc điều tra, cơ quan tình báo Úc xác nhận rằng cơ quan gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng sau lỗ hổng phần mềm này. Các điệp viên đã thâm nhập vào đội ngũ kỹ thuật viên của Huawei – những người hỗ trợ bảo trì thiết bị. Sau đó, đẩy bản cập nhật vào phần mềm thông qua hệ thống viễn thông Huawei.
Sáu cựu quan chức nói với Bloomberg rằng, lần theo các đầu mối mà phía Úc cung cấp, cơ quan tình báo Mỹ cũng xác nhận có các vụ tấn công tương tự từ Trung Quốc vào cùng năm, và cũng thực hiện hành vi phạm tội thông qua thiết bị Huawei.
Các quan chức này không tiết lộ thêm chi tiết về vụ việc nêu trên, nhưng khoảng 20 cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã xác nhận rằng lỗ hổng này thực sự tồn tại trong phần mềm của Huawei.
Theo các quan chức này, từ năm 2012 đến năm 2019, họ đã nhận được các báo cáo tóm tắt từ các cơ quan của Úc và Hoa Kỳ về vụ việc nêu trên. Mặc dù trước đó chính phủ Hoa Kỳ và Úc không tiết lộ về sự tồn tại của lỗ hổng, nhưng sự việc trên đã xác nhận nghi ngờ của chính phủ Mỹ và Úc rằng Trung Quốc sử dụng thiết bị Huawei để tiến hành hoạt động gián điệp.
Vào tháng 7/2013, tờ Financial Review của Úc đưa tin rằng, ông Michael Hayden, người từng là giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) của Hoa Kỳ, nói rằng ông biết có bằng chứng vô cùng xác thực có thể chứng minh Huawei tham gia vào các hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Huawei phủ nhận mọi cáo buộc gián điệp.
Hiện không rõ liệu bằng chứng mà ông Hayden đề cập vào thời điểm đó có phải là cuộc tấn công nói trên của hacker mà Bloomberg vừa tiết lộ hay không.
(ntdvn.com - Theo NTD tiếng Trung)