Lá cờ của Trung Quốc (trái) và cờ Bắc Hàn (phải) được chụp gần sông Áp Lục ở biên giới giữa hai nước này vào ngày 22/9/2023. (PEDRO PARDO/AFP via Getty Images)

 

 

Mới đây, ông Vương Hỗ Ninh, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Mặt trận tổ quốc), đã gặp phái đoàn Bắc Hàn tại Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Bắc Hàn cho biết ông Vương Hỗ Ninh nói rằng "tình hữu nghị Trung - Triều sẽ không bao giờ lung lay". Tuy nhiên, truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xóa câu này khi đưa tin. Sự việc này đang làm dấy lên những đồn đoán.

 

Hôm 21/3 tại Bắc Kinh, ông Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã gặp gỡ phái đoàn Bắc Hàn do ông Kim Sung-nam dẫn đầu. Ông Kim Sung- Bắc Hàn, Bộ trưởng Bộ Quốc tế.

 

Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn (KCNA) đưa tin vào ngày 23/3 rằng, ông Vương Hỗ Ninh đã nói với ông Kim Sung-nam: "Cho dù tình hình quốc tế có thay đổi như thế nào, sự lựa chọn chiến lược của cả hai bên, tình hữu nghị Trung - Triều sẽ không bao giờ lung lay".

 

Tuy nhiên, câu nói này đã không xuất hiện trong thông cáo báo chí do cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra. Tân Hoa Xã đưa tin, ông Vương Hỗ Ninh cho biết, dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un, tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Bắc Hàn đã không ngừng được củng cố và phát triển.

 

 

 

Ba thế hệ nhà họ Kim ở Bắc Hàn đều cảnh giác với Đảng Cộng sản Trung Quốc

 

Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bắc Hàn thường được thế giới bên ngoài gọi là “anh cả và em trai”, cả hai bên cũng tuyên bố rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Hàn là “tình hữu nghị được xây đắp bằng máu”.

 

Tuy nhiên, ông Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua), chuyên viên sử học Trung Quốc và là Giáo sư tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, người đã nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ và tài liệu lịch sử giữa hai nước này, cho rằng mặc dù người Trung Quốc đã đổ rất nhiều máu cho Bắc Hàn nhưng việc đó lại không giúp cho Trung - Triều hình thành tình hữu nghị thật sự. Ngược lại, mối quan hệ giữa hai bên là “nóng lạnh thất thường, biến hóa khó lường” và “luôn ở trạng thái bất ổn định”.

 

Từ Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) đến Kim Jong Il cho đến Kim Jong Un, ba thế hệ nhà họ Kim ở Bắc Hàn vẫn luôn cảnh giác với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thời Mao Trạch Đông, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô rạn nứt, Bắc Hàn đã ủng hộ Liên Xô.

 

Theo bài viết “Khủng hoảng giữa Trung Quốc và Bắc Hàn trong thời Cách mạng Văn hóa” đăng trên tạp chí Thành công số đầu tiên năm 2008 của Trung Quốc, vào thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976), lực lượng Hồng vệ binh của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đe dọa lật đổ người lãnh đạo Bắc Hàn Kim Nhật Thành và gọi ông này là “người đi theo chủ nghĩa tư bản”, “người đi theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô". Thậm chí, Hồng vệ binh còn từng tấn công vào Đại sứ quán Bắc Hàn.

 

Khi đó, Hồng vệ binh đã liệt kê 20 tội trạng của ông Kim Nhật Thành. Sau khi nghe xong, ông Kim Nhật Thành vô cùng tức giận, lập tức ra lệnh phá hủy nghĩa trang "Quân tình nguyện" của Trung Quốc tại Bắc Hàn và đập nát toàn bộ bia mộ; bia mộ của con trai ông Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Anh cũng bị đập nát thành từng mảnh.

 

 

Vào ngày 25/11/2018, tờ JoongAng Ilbo của Nam Hàn tiết lộ rằng trong cuộc gặp thượng đỉnh Bắc Hàn – Nam Hàn năm 2000, người lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong Il, đã nói với Tổng thống Nam Hàn Kim Dae-jung: "Chủ tịch Kim Nhật Thành nói rằng Trung Quốc là kẻ hai lòng, dặn tôi phải luôn cảnh giác cẩn thận. Theo tôi, Trung Quốc không chỉ có hai lòng, mà phải có mười lòng”.

 

 

Theo kênh truyền thông Nam Hàn, Chosun Ilbo, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong hồi ký của mình rằng vào tháng 3/2018, ông đã bí mật đến thăm Bình Nhưỡng với tư cách là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

 

Khi gặp ông Kim Jong Un, ông Pompeo nói: "Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nói rằng 'Chủ tịch Kim [Jong Un] sẽ cảm thấy rất vui mừng sau khi quân đội Mỹ đồn trú tại Nam Hàn rời khỏi Nam Hàn'".

 

"Sau khi nghe điều này, ông Kim [Jong Un] đã cười rồi nói lớn rằng 'Người Trung Quốc đều là kẻ dối trá' và đập bàn một cách phấn khích".

 

 

Ông Pompeo viết: “Kim Jong Un nói rằng, để bảo vệ bản thân trước sự thống trị của Trung Quốc, ông ấy cần người Mỹ ở Nam Hàn. Còn Trung Quốc - vì muốn đối xử với bán đảo Triều Tiên như đối với Tây Tạng và Tân Cương - nên mới muốn Hoa Kỳ rút quân".

 

 

Bài báo trên tờ Chosun Ilbo của Nam Hàn đã trích dẫn bản tường trình của ông Park Ji-won, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia của nước này, nói rằng đúng là ông Kim Jong Un hy vọng Hoa Kỳ đóng quân tại Nam Hàn và "Cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Bắc Hàn Kim Jong Il (cha của ông Kim Jong Un) cũng từng như vậy”.

 

 

Năm 2017 khi Bắc Hàn bí mật thử hạt nhân, Liên Hợp Quốc đã lên án Bắc Hàn và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin, trong một cuộc họp của Hội Phụ nữ Xã hội chủ nghĩa Bắc Hàn - một tổ chức trực thuộc Đảng Lao động Bắc Hàn, có một thành viên cấp cao đã phát biểu rằng Nhật Bản là kẻ thù trăm năm của Bắc Hàn, còn Trung Quốc là kẻ thù nghìn năm của đất nước Triều Tiên.

 

 

Trong một văn bản nội bộ của Bắc Hàn, ông Kim Jong Un từng nói Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ được làm “ếch” rồi liền quên mất bản thân từng là “nòng nọc”, là kẻ không có “lương tâm” và “tín nghĩa”, đồng thời đe dọa rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc “sẽ phải trả cái giá đau đớn cho những sai lầm đã phạm phải”.

 

 

Ông Kim Jong Un gặp ông Putin, Bắc Kinh phản ứng lạnh nhạt

Trong những năm gần đây, khi Trung Quốc và Mỹ đang xung đột, Bắc Hàn ngày càng xích lại gần Nga hơn. Ngày 13/9/2023 khi ông Kim Jong Un gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bắc Hàn đã gọi đây là “cuộc gặp lịch sử” nhưng phản ứng của Bắc Kinh lại khá lạnh nhạt.

 

Chuyên viên bình luận thời sự Dương Uy (Yang Wei) cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn kiểm soát Bắc Hàn để Bình Nhưỡng chỉ có thể hành động theo chỉ dẫn của Bắc Kinh, nhưng giờ đây ông Kim Jong Un tự cho rằng đã có được con bài thương lượng mới với Bắc Kinh.

 

Ông Dương cho rằng, Bắc Kinh có lẽ không hài lòng với nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc tạo thế cân bằng với cả Nga và Trung Quốc nhưng tạm thời chỉ có thể nuốt vào trong.

 

(Theo NTD tiếng Trung)

(ntdvn.net; Đông Phương biên dịch)