Thung lũng Panjshir là nơi trú ẩn cuối cùng còn sót lại của các binh sĩ Afghanistan chống Taliban, nơi có thể trở thành căn cứ địa cho một phong trào kháng chiến mới ở đất nước Nam Á này.

 

 

 

Hầu hết cư dân của Thung lũng Panjshir là người dân tộc Tajik, trong khi phần lớn lực lượng Taliban là người Pashtun. (Nguồn: DW)

 

 

 

 

 

Sau khi Taliban nhanh chóng chiếm được quyền lực ở Afghanistan, Thung lũng Panjshir ở phía Bắc được xem là nơi cuối cùng có thể đưa ra bất kỳ sự phản kháng thực sự nào đối với nhóm Taliban.

 

 

Panjshir cách thủ đô Kabul 150 km về phía Đông Bắc, hiện là nơi tiếp đón một số thành viên cấp cao của chính phủ bị lật đổ, trong đó có Phó Tổng thống Amrullah Saleh và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Mohammadi.

 

 

Phó Tổng thống Saleh tự tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời sau khi Tổng thống Ashraf Ghani bị lật đổ và rời khỏi đất nước.

 

 

Ông Saleh viết trên Twitter: "Tôi sẽ không bao giờ cúi đầu trước những kẻ khủng bố Taliban. Tôi sẽ không bao giờ phản bội linh hồn và di sản của người anh hùng Ahmad Shah Massoud của tôi, người chỉ huy huyền thoại và người dẫn đường".

 

 

 

Địa hình chiến lược.

Thung lũng Panjshir đóng vai trò quyết định trong nhiều chiến thắng trong lịch sử quân sự của Afghanistan do vị trí địa lý gần như hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của đất nước.

 

 

Con đường duy nhất để đến khu vực này là thông qua một lối đi hẹp bên bờ sông Panjshir, có thể dễ dàng triển khai phòng thủ. Nổi tiếng với khả năng phòng thủ tự nhiên, khu vực nằm trong dãy núi Hindu Kush này chưa bao giờ rơi vào tay Taliban trong cuộc nội chiến những năm 1990, cũng như không bị Liên Xô chinh phục một thập niên trước đó.

 

 

 

 

 

Panjshir cách thủ đô Kabul 150 km về phía đông bắc. (Nguồn:onlineteachingjobs)

 

 

 

 

 

Hầu hết trong số 150.000 cư dân của thung lũng này thuộc nhóm dân tộc Tajik, trong khi phần lớn Taliban là người Pashtun.

 

 

Thung lũng Panjshir nổi tiếng với ngọc lục bảo. Trong quá khứ, loại đá quý này được sử dụng để tài trợ cho các phong trào kháng chiến chống lại các chính phủ cầm quyền bất đồng quan điểm.

 

 

Trước khi Taliban cướp chính quyền, tỉnh Panjshir đã nhiều lần yêu cầu chính quyền trung ương cho quyền tự trị nhiều hơn.

 

 

 

Lịch sử kháng chiến lâu dài

Trong thời kỳ chính phủ Afghanistan được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn từ năm 2001 đến năm 2021, Thung lũng Panjshir cũng là một trong những khu vực an toàn nhất cả nước.

 

 

Lịch sử độc lập của thung lũng này gắn liền với Ahmad Shah Massoud, người được mệnh danh là "mãnh sư", là chiến binh chống Taliban nổi tiếng nhất Afghanistan, người lãnh đạo cuộc kháng chiến mạnh mẽ nhất chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban cho đến khi bị ám sát vào năm 2001.

 

 

Sinh ra ở thung lũng này vào năm 1953, năm 1979, Ahmad Shah tự phong cho mình danh hiệu "Massoud" ("người may mắn" hay "người thụ hưởng").

 

 

Thời kỳ quân đội Liên Xô hiện diện ở Kabul, Ahmad Shah Massoud tiếp tục chống lại chính quyền ở Kabul và trở thành một trong những chỉ huy mujahedeen (chiến binh du kích Hồi giáo) có ảnh hưởng nhất đất nước.

 

 

Sau khi Liên Xô rút lui vào năm 1989, một cuộc nội chiến nổ ra ở Afghanistan. Khi đó, Taliban giành chiến thắng.

 

 

Tuy nhiên, Massoud và Mặt trận thống nhất của ông (còn được gọi là Liên minh phương Bắc) đã thành công trong việc kiểm soát không chỉ Thung lũng Panjshir mà gần như toàn bộ vùng Đông Bắc Afghanistan kéo dài đến biên giới với Trung Quốc và Tajikistan.

 

 

Massoud được nhận xét là người ủng hộ Hồi giáo bảo thủ nhưng tìm cách xây dựng các thể chế dân chủ và cho rằng, phụ nữ nên được trao một vị trí bình đẳng trong xã hội.

 

 

Mục tiêu của ông là một Afghanistan thống nhất, trong đó ranh giới sắc tộc và tôn giáo sẽ ít rõ ràng hơn.

 

 

Năm 2001, Massoud bị ám sát bởi các tay súng được cho là thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda.

 

 

 

Con trai nối nghiệp cha

Giờ đây, Ahmad Massoud, con trai của Ahmad Shah Massoud, nói rằng anh hy vọng sẽ tiếp bước cha mình.

 

 

 

 

Ahmad Massoud trong một cuộc họp báo tại Kabul năm 2020. (Nguồn: AFP)

 

 

 

 

 

Massoud hiện đang chỉ huy một lực lượng dân quân trong thung lũng.

 

 

Hiện nhiều thành viên của lực lượng quân đội của Afghanistan, những người "ghê tởm trước sự đầu hàng của các chỉ huy của họ", xin gia nhập lực lượng của Massoud.

 

 

Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy Phó Tổng thống bị lật đổ Saleh gặp gỡ với Massoud và bộ đôi dường như đang tập hợp lực lượng cho phong trào du kích chống lại Taliban.

 

 

Massoud cũng kêu gọi Mỹ cung cấp vũ khí và đạn dược cho lực lượng dân quân của mình.

 

 

Trong một bài báo xuất bản hôm thứ 17/8 trên tờ The Washington Post, Ahmad Massoud chia sẻ: "Tôi viết từ Thung lũng Panjshir, với tinh thần sẵn sàng tiếp bước cha tôi, với các chiến binh mujahideen, những người đã sẵn sàng một lần nữa đối đầu với Taliban".

 

 

Hôm 18/8, Nga cũng nhấn mạnh rằng một phong trào phản kháng đang hình thành ở Thung lũng Panjshir.

 

 

Phát biểu với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Taliban không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, có thông tin về tình hình ở Thung lũng Panjshir, nơi tập trung sự kháng cự của Phó Tổng thống Saleh và Ahmad Massoud".

 

 

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Afghanistan tại Tajikistan Zahir Aghbar ngày 18/8 đã bác bỏ sự cai trị của Taliban đối với quốc gia Tây Nam Á, cho rằng, tỉnh Panjshir sẽ đóng vai trò là thành trì của cuộc kháng chiến do Tổng thống tạm quyền tự xưng Amrullah Saleh lãnh đạo.

 

 

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Aghbar nhấn mạnh: “Tôi không thể nói rằng Taliban đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến này. Không, chỉ là Tiến sĩ Ashraf Ghani đã từ bỏ quyền lực sau những cuộc đàm phán đầy trắc trở với Taliban".

 

 

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ phong trào kháng chiến chống Taliban mới này mạnh đến mức nào và những người cầm quyền mới ở Kabul sẽ phản ứng ra sao.