Một quân nhân chuẩn bị che chắn cho chiếc máy bay chiến đấu J-10C để chuẩn bị cho Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, Trung Quốc, vào ngày 27/9/2021. (Ảnh: Noel Cells/AFP/Getty Images)

 

HOA KỲ - Việc Washington thắt chặt các hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, cũng như đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ sẽ làm chậm quá trình phát triển quân sự của Trung Quốc.

 

Một trong những nguyên nhân chính của những hạn chế này là chiến lược dung hợp quân sự - dân sự (MCF) hiếu chiến của Trung Quốc. Bắc Kinh dựa vào MCF để đẩy nhanh quá trình phát triển công nghệ và vũ khí tiên tiến thông qua sự hợp tác giữa khu vực tư nhân và các tổ chức chính phủ.

 

“Các tổ chức nghiên cứu, học viện và các công ty tư nhân đều đang bị lợi dụng để xây dựng các hệ thống quân sự tương lai của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) - điều mà thông thường mà họ không hề hay biết hoặc đồng ý”, theo một báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về chiến lược MCF của Trung Quốc, mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ mở rộng trong nhiệm kỳ thứ ba của mình.

 

Vào tháng 11, Nghị viện Châu Âu đã công bố một báo cáo ghi lại sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc, khẳng định rằng Bắc Kinh rất khéo léo trong việc che giấu quá trình chuyển giao công nghệ cưỡng bức cùng các hình thức ép buộc khác tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

 

Các hành vi cưỡng bức kinh tế thường được thực hiện bởi các công ty tư nhân hơn là các tổ chức chính phủ. Nạn nhân thường là các doanh nghiệp nước ngoài và không muốn tiết lộ các trường hợp này vì họ lo sợ đánh mất khả năng tiếp cận thị trường. Theo báo cáo, các nhà phân tích dự đoán Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tăng cường cưỡng bức kinh tế trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập.

 

Theo một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 8/11, ĐCSTQ dự kiến sẽ mở rộng quy mô của chiến lược dung hợp quân sự - dân sự (MCF) bằng cách ép buộc các doanh nghiệp dân sự Trung Quốc phục vụ cho các hoạt động quân sự và tình báo. Điều này cho thấy các nhà đầu tư Mỹ có thể đang tài trợ cho các dự án phát triển vũ khí của ĐCSTQ, thông qua việc đầu tư vào các công ty tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

 

Bắc Kinh cho biết, mục tiêu của họ là biến PLA thành một lực lượng "quân sự đẳng cấp thế giới" vào năm 2049, và điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc mở rộng MCF. Ông Tập đích thân giám sát việc thực hiện chiến lược này với tư cách là người đứng đầu cả Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ và Ủy ban Trung ương về Phát triển Hợp nhất Quân - Dân sự.

 

Một máy bay không người lái trinh sát tầm cao WZ-7 của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân (PLA) xuất hiện một ngày trước Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, hôm 27/9/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

 

ĐCSTQ cho rằng, các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ thúc đẩy sự phát triển tiếp theo của quân đội và MCF là chìa khóa cho mục tiêu chuyển sang "chiến tranh thông minh" của Bắc Kinh. Ngoài AI, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cũng đang nhắm đến việc ngăn chặn Bắc Kinh đạt được thành công trong lĩnh vực điện toán lượng tử, big data, chất bán dẫn, mạng 5G, cũng như công nghệ hạt nhân và hàng không vũ trụ tiên tiến.

 

ĐCSTQ không chỉ sở hữu công nghệ của Hoa Kỳ thông qua thu thập thông tin tình báo, gián điệp và trộm cắp. Chế độ độc tài Trung Quốc cũng tuyển dụng các nhà khoa học và chuyên gia Mỹ, tài trợ cho các học giả và nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, đồng thời tương tác với các tổ chức giáo dục và nghiên cứu của Washington.

 

Cưỡng ép chuyển giao công nghệ là một chiến thuật khác của Bắc Kinh. Để tiếp cận thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ thường bị luật pháp Trung Quốc ép buộc phải thành lập liên doanh với các công ty Trung Quốc, sau đó các công ty này có thể dễ dàng tiếp nhận công nghệ của Mỹ.

 

ĐCSTQ đang làm lu mờ sự khác biệt giữa doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp chính phủ bằng cách dần dần cho phép các công ty tư nhân tiến hành nghiên cứu quân sự, khiến các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ gặp khó khăn hơn trong việc ngăn chặn dòng tiền hoặc công nghệ chảy từ các thực thể của Hoa Kỳ vào Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

 

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã chỉ định Trung Quốc là quốc gia đã đánh cắp nhiều dữ liệu nhất từ Hoa Kỳ. Do đó, cơ quan này đã kêu gọi tăng cường giám sát các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc trên đất Mỹ. Những người giành được học bổng học thuật phải báo cáo về hoạt động nghiên cứu ở nước ngoài của họ cho Hội đồng Học bổng Trung Quốc của ĐCSTQ.

 

Những hạn chế

Một loạt các giới hạn mới của Hoa Kỳ là sự tiếp nối các chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại công nghệ của Hoa Kỳ. Nỗ lực này cũng buộc chính quyền ông Biden phải xem xét kỹ hơn các mối quan hệ đầu tư, thương mại và trao đổi học thuật giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Vào ngày 12/11, chính quyền ông Biden đã gia hạn Sắc lệnh Hành pháp 13959, cấm người dân và các thực thể Hoa Kỳ đầu tư vào các công ty liên quan đến PLA. Chỉ thị này đặc biệt nhấn mạnh MCF là một chiến lược đáng lo ngại, vì nó che khuất các liên kết với quân đội Trung Quốc và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và điều chỉnh.

 

Mỹ cũng đang thắt chặt hoạt động kiểm soát đầu tư. Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ phải báo cáo xem họ thuộc sở hữu nhà nước hay do nhà nước kiểm soát.

 

Hơn nữa, quy định giám sát kiểm toán của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Ủy Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) có thể dẫn đến kết quả là các tập đoàn Trung Quốc bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch ở Hoa Kỳ. Việc hủy niêm yết ngụ ý rằng Hoa Kỳ sẽ không còn trợ cấp cho các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của PLA nữa.

 

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Hoa Kỳ sẽ cản trở các công ty Trung Quốc phát triển các công nghệ tiên tiến với các ứng dụng quân sự. Hoa Kỳ đã áp đặt và dự kiến sẽ thắt chặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến và mạch tích hợp, vốn là những yếu tố then chốt đối với sự phát triển của các hệ thống AI của Trung Quốc.

 

Hơn nữa, các hạn chế mới của Hoa Kỳ sẽ cấm các cá nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ Trung Quốc phát triển những con chip như vậy ở thị trường nội địa. Những hạn chế này nhằm cản trở Trung Quốc phát triển siêu máy tính quân sự, cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt và tăng cường khả năng chiến đấu bởi siêu máy tính.

 

Do những hạn chế mới của Hoa Kỳ, các nhà cung cấp tại Washington dường như không còn bán hàng cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc nữa và một số nhân viên Hoa Kỳ làm việc trong lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc cũng đã nghỉ việc.

 

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

(ntdvn.net; Huyền Anh - Theo The Epoch Times)