Ảnh minh họa: Dimitri Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga trong một buổi nói chuyện ở Moscow với hình ảnh một vụ nổ bom nguyên tử ở màn hình phía sau, ngày 29/04/2025. AP - Ekaterina Shtukina

 

 

Nga giơ cao bóng ma nguyên tử để các nước không dám bênh vực Ukraine. Xung đột giữa các nước có võ khí nguyên tử, chương trình nguyên tử Iran, không chắc chắn về chiếc dù bảo vệ của Mỹ…Tình hình quốc tế bất ổn với luật của kẻ mạnh, khiến người ta lo ngại về một trật tự thế giới mới, trong đó loại võ khí răn đe kinh khiếp này không còn là điều cấm kỵ.

 

L’Express chạy tựa « Thâm hụt ngân sách : Tại sao những nước khác làm tốt hơn Pháp », nêu ra một số tấm gương. Courrier International đặt vấn đề « Nước ở các thành phố đi đâu ? ». Quản lý tồi, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đầu tư…khiến các đô thị từ Mêhicô tới Kabul, từ Johannesburg tới Athènes thiếu nước uống. Le Nouvel Obs ca ngợi « Sức mạnh của sự tử tế », The Economist cho rằng « Thế giới đang thắng trong cuộc chiến chống lại ung thư ». Le Point tuần này dành hồ sơ cho « Trật tự nguyên tử mới ».

 

 

Ngày càng nhiều nước muốn sở hữu loại võ khí tối thượng

Le Point nhận định hôm 10/07 khi loan báo có thể phối hợp lực lượng nguyên tử, Anh và Pháp đã tiến một bước khổng lồ về hợp tác chiến lược. Đó là lời đáp trong bối cảnh một bên là mối đe dọa Nga ngày càng tăng, một bên là sự bất định của việc Mỹ bảo vệ Âu châu. Anh cùng với Pháp có khoảng 500 đầu đạn nguyên tử, có thể làm Vladimir Putin phải suy nghĩ lại.

 

Các vụ oanh tạc Iran của Israel và Mỹ khẳng định một cách ngoạn mục, rằng vấn đề nguyên tử rõ ràng đã quay lại trên trường quốc tế. Sự kiện này diễn ra sau vài năm đặc biệt nguy hiểm: Nga giơ cao bóng ma nguyên tử để xâm chiếm Ukraine, chuyển các phương tiện này sang Belarus. Cách đây vài tuần, hai nước đều có võ khí nguyên tử Ấn Độ và Pakistan xảy ra xung đột. Iran - sắp có bom nguyên tử - bắn hàng loạt hỏa tiễn đạn đạo sang Israel, một cường quốc nguyên tử. Và những tuyên bố ngày càng đáng ngại của các đồng minh Hoa Kỳ trong kỷ nguyên Trump công khai muốn sở hữu loại võ khí tối thượng.

 

Trong khi đó những công cụ để hạn chế lần lượt mất đi: Moscow ngưng tham gia hiệp ước New Start, Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước về các lực lượng nguyên tử tầm trung. Và những năm gần đây người ta phát hiện Trung Quốc tăng cao số lượng võ khí nguyên tử để thành cường quốc hàng đầu.

 

Bốn nguy cơ cho tương lai thế giới

Phải chăng 80 năm sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử được thả xuống, loài người đang bước vào một « kỷ nguyên nguyên tử mới »? Le Point cho rằng hiện thời chưa đến nỗi như thế. Việc chạy đua võ khí nguyên tử đã ngưng lại cách đây 20 năm. Không có nước nào khác ngoài Iran có thể nhanh chóng chế tạo được bom. Không Nhà nước nào rút khỏi TNP, trừ Bắc Hàn. Trên danh nghĩa, Hoa Kỳ vẫn luôn bảo vệ các đồng minh. Sự bảo đảm này cho dù hạn chế, vẫn tránh được nguy cơ một nước đồng minh hay bạn bè lao vào cuộc phiêu lưu nguyên tử quân sự. Moscow dù diễu võ giương oai, thay đổi chủ thuyết nhưng vẫn là chiến tranh quy ước.

 

Le Point cho rằng có bốn mối nguy trong tương lai. Có thể nhất là từ nay đến 2035 Trung Quốc sẽ ngang hàng với Hoa Kỳ và Nga về nguyên tử, thế trận tay ba sẽ phức tạp hơn nhiều và khiến Washington phải từ bỏ mọi viễn cảnh giảm bớt kho võ khí. Nguy cơ thứ hai: Iran không chỉ rút khỏi TNP (Hiệp ước không phổ biến võ khí nguyên tử), tạo tiền lệ nguy hiểm, mà còn bí mật chế tạo và thử bom nguyên tử, như Ấn Độ đã làm năm 1974. Thứ ba: Trump bỗng dưng cho rút tất cả những quả bom B61 phối trí tại nhiều nước Âu châu, với lý do chẳng hạn các đồng minh NATO không đóng góp đầy đủ như đã cam kết ở La Haye, khiến Pháp và Anh phải đi xa hơn các tuyên bố ở Northwood để bảo vệ Âu châu.

 

Hơn nữa, nếu kết hợp giữa kịch bản thứ hai và thứ ba sẽ rất đáng lo cho các nước không có võ khí nguyên tử, Nhật Bổn và Nam Hàn buộc lòng phải nghĩ đến biện pháp răn đe này. Ngay cả Ukraine cũng có lý do khi nghiêm túc đặt ra vấn đề. Cuối cùng là mối nguy tối hậu: Bom nguyên tử được xử dụng lần thứ ba, sau Hiroshima và Nagasaki. Đây là giả thiết khó xảy ra nhất, dù Nga, Pakistan hay Bắc Hàn đôi khi khiến người ta run sợ.

 

 

Nếu Ukraine không chuyển giao võ khí nguyên tử cho Nga, liệu Moscow có dám xâm lăng?

 

Le Point nhắc lại một sự kiện trong lịch sử: Ba năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Kyiv chuyển giao kho võ khí nguyên tử cho Nga. Một câu hỏi không thể không đặt ra: « Nếu Ukraine vẫn giữ lại số võ khí này thì sao? ».

 

Vitaly, kỹ sư vật lý trong thập niên 80 từng sản xuất hỏa tiễn liên lục địa cùng với 40.000 công nhân ở Dnipro, miền đông Ukraine giận dữ nói: « Nếu họ không buộc chúng tôi giao nộp các hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử, Nga sẽ e sợ và cuộc chiến này sẽ không bao giờ xảy ra ». Ông nói thêm: « Chỉ một đầu đạn có thể hủy diệt một thành phố nửa triệu dân, và bỗng dưng chúng tôi mất tất cả ». Ukraine sở hữu kho võ khí nguyên tử đứng thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Nga: 1.900 đầu đạn nguyên tử, 176 hỏa tiễn liên lục địa, 44 oanh tạc cơ chiến lược! Tất cả đều được chuyển cho Moscow, theo bản ghi nhớ Budapest ký ngày 05/12/1994.

 

Ba năm trước đó, Liên bang Xô viết chấm dứt sự tồn tại, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được độc lập. Ngoài Nga, võ khí nguyên tử tập trung ở Belarus, Kazakhstan nhưng nhất là ở Ukraine. Moscow đòi là nước duy nhất kiểm soát kho võ khí này, Hoa Kỳ chấp nhận: Mỹ công nhận Nga là cường quốc nguyên tử nhưng từ chối tư cách này đối với Ukraine. Chánh quyền Ukraine đồng ý chuyển giao nhưng đòi hỏi hỗ trợ kinh tế và bảo đảm an ninh. Bản ghi nhớ được ký kết giữa Ukraine, Nga, Hoa Kỳ và Anh quốc, các bên cam kết tôn trọng « độc lập, chủ quyền và các đường biên giới của Ukraine ».

 

Nhưng năm 2014 Nga ngang nhiên chiếm Crimée, rồi ồ ạt kéo quân sang xâm lăng tháng 2/2022. Cho rằng phản ứng của Tây phương là quá dè dặt, tổng thống Volodymyr Zelenskyy phẫn nộ nói: « Bản ghi nhớ đã bị đốt cháy đối với chúng tôi ». Trên thực tế văn bản này có một điểm yếu là không dự kiến bất kỳ biện pháp nào tương đương như Điều 5 của NATO trong trường hợp vi phạm. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, một trong những nhà lãnh đạo đã ký bản ghi nhớ Budapest thời đó, bày tỏ lòng ân hận: « Tôi cảm thấy có trách nhiệm cá nhân, không ai tin rằng Nga có thể hành động như vậy nếu Ukraine vẫn còn giữ số võ khí nguyên tử này ».

 

 

Zelenskyy được Trump trao cho những lá bài mới

Về sự đổi hướng ngoạn mục của Donald Trump đối với Ukraine, The Economist cho rằng việc tổng thống Mỹ đồng ý chuyển giao võ khí sẽ giúp Kyiv khá nhiều trong việc tự vệ trước Nga. Tại Ukraine, người ta cảm thấy nhẹ nhõm khi dòng chảy võ khí được nối lại, xen lẫn nỗi lo về việc ông Trump ra thời hạn 50 ngày cho Nga. Dân biểu Oleksandr Merezhko, một nghị sĩ nổi tiếng hoan nghênh « tin vui », nhưng cảnh báo rằng ông Putin sẽ tận dụng thời gian này để gia tăng tấn công. Thị trường dầu lửa không bị ảnh hưởng nhiều, cho thấy sự hoài nghi về việc Mỹ sẽ trừng phạt Nga.

 

Theo tuần báo, Vladimir Putin đã yêu sách quá đáng, quên rằng Trump là người thiếu kiên nhẫn. Dường như tổng thống Mỹ đã suy nghĩ nhiều về quyết định này. Nhiều tháng trời Ukraine nhẫn nhục trong ngoại giao, các đồng minh Âu châu cố nịnh nọt Trump, các dân biểu nghị sĩ diều hâu cổ vũ, chừng như đã mang lại kết quả. Nếu trước đây ông Trump nói rằng Volodymyr Zelenskyy « chẳng có lá bài nào », thì nay ông đã trao một số lá bài mới cho Ukraine, ít nhất là trong một thời gian nào đó.

 

 

Ba lý do khiến tổng thống Pháp thay đổi thái độ với Putin

 

Về phía Pháp trong bài xã luận mang tựa đề « Này công dân ơi, hãy cầm võ khí » - câu hát trong quốc ca Pháp – Le Point nhận xét, giữa nỗ lực tái võ trang và việc tài trợ cho mô hình xã hội thuộc loại hào phóng nhất thế giới, cần phải chọn lựa. Ba năm rưỡi sau khi Nga xâm lăng Ukraine, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định « khi không còn quy luật nào, luật của kẻ mạnh sẽ thắng ».

 

Suốt một thời gian dài, ông Macron không đánh giá đúng mức quyết tâm của Vladimir Putin trong việc chiếm Ukraine, gây bất ổn cho Âu châu và giải tán NATO. Nhiều tháng sau cuộc xâm lăng, tổng thống Pháp hầu như là nhà lãnh đạo Âu châu duy nhất kiên trì tin rằng có thể lập đối tác tin cậy với tổng thống Nga. Có ba lý do khiến Macron phải thay đổi.

 

Thứ nhất, từ 2023 ông nhận ra rằng việc khăng khăng muốn làm thân với Putin khiến các đối tác tức giận, mất đi tính nhất quán và đi ngược lại mục tiêu củng cố tiếng nói của Âu châu trên trường quốc tế. Thứ hai, sau khi Donald Trump đắc cử tháng 11/2024, đã ưu ái Nga và thù địch với Âu châu. Lý do thứ ba mang tính quyết định Cuộc chiến đa diện của Kremlin nhằm làm Âu châu yếu đi, đặc biệt Vladimir Putin coi Pháp là « đối thủ chính ». Một khi đã quyết, Macron trở thành nhân vật hàng đầu trong việc đối đầu với Nga, từ việc lập « liên minh tình nguyện » đến tăng cường võ trang.

 

 

Thượng đỉnh EU-Trung Quốc: Thất bại đã thấy trước

 

Trên lãnh vực kinh tế, L’Express nhận định « Thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu -Trung Quốc: Câu chuyện một thất bại được báo trước ». Quan hệ giữa Bruxelles và Bắc Kinh đang trong khủng hoảng. Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc ngày 24/07 chưa diễn ra nhưng đã được coi như chẳng có hy vọng gì.

 

Vấn đề là quan trọng vì nếu sự thất thường của Mỹ liên quan đến tăng trưởng ngắn và trung hạn, thì Trung Quốc là mối đe dọa căn bản về chủ quyền kỹ nghệ Âu châu. Làm thế nào có được tự chủ năng lượng lâu dài khi Bắc Kinh kiểm soát 70 % sản lượng thế giới về các nguyên liệu tối cần thiết, nắm giữ các chuỗi cung ứng cho công nghệ xanh? Báo cáo của Viện Montaigne cho biết 97 % pin mặt trời nhập vào EU là từ Trung Quốc, 43,8 % bình điện cho xe điện.

 

Lượng sản xuất thừa của Bắc Kinh là khổng lồ: 1,065 tỉ tấn thép, 861 GW năng lượng đang đe dọa tràn ngập thị trường Trung Quốc đồng thời là đòn bẩy địa chánh trị. Rào cản quan thuế 37,6 % cho xe hơi điện Trung Quốc đưa ra quá trễ đối với một địch thủ đã chuẩn bị cho sự thống trị từ hai thập niên qua; nhưng vẫn có nguy cơ bị trả đũa bằng cấm xuất đất hiếm. Sự suy sụp của mô hình kinh tế Trung Quốc cũng rất đáng lo về địa chánh trị. Giảm phát, nợ địa ốc khổng lồ, sản xuất thừa cho thấy một chế độ xuống dốc, buộc phải duy trì tính chánh danh bằng xuất cảng, khiến mỗi cuộc đàm phán thương mại đều mang tính tồn vong cho đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Trong bối cảnh mỗi bên đều cần tồn tại về kinh tế và chánh trị, Đức nắm giữ chiếc chìa khóa thăng bằng, phải cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và chiến lược an ninh lâu dài. Thuế quan của Mỹ có thể thương lượng và chỉ mang tính tạm thời, ngược lại Trung Quốc mới là vấn đề lớn. Berlin đã quyết định: tự chủ chiến lược, hỗ trợ Ukraine. L’Express cho rằng cần áp dụng chánh sách mà Bắc Kinh đã xử dụng trong nhiều thập niên qua: đặt điều kiện phải chuyển giao công nghệ nếu muốn thâm nhập thị trường Âu châu, hợp tác trong đào tạo và sở hữu trí tuệ. Tóm lại là « realpolitik » - thực dụng chánh trị.

 

 

Thâm Quyến, đầu tàu xuất cảng thành gánh nặng cho Bắc Kinh  

 

Cũng liên quan đến kinh tế Trung Quốc, Courrier International đặt câu hỏi « Đô thị Thâm Quyến giàu có phải chăng sẽ trở nên gánh nặng cho kinh tế Trung Quốc? ». Thành phố đóng vai trò tích cực trong chánh sách mở cửa của Bắc Kinh thập niên 80, đã suy sụp hẳn từ đầu năm. Blogger John Zai Shengang chuyên viết về cuộc sống ở Thâm Quyến và Hong Kong (Hương Cảng) cảnh báo tình hình đang khá trầm trọng. Bài viết bị kiểm duyệt xóa đi, nhưng trang China Digital Times vẫn còn lưu giữ.

 

Thâm Quyến là một trong bốn đặc khu kinh tế, lập ra theo chánh sách từ 1978 của Đặng Tiểu Bình. Nhờ nằm sát với Hong Kong (Hương Cảng) và có chủ trương cởi mở, làng chài này đã trở thành đô thị năng động nhất Hoa lục. Thành phố xuất cảng hàng đầu, thủ phủ của công nghệ cao, từ đầu năm nay có những dấu hiệu xuống dốc rõ rệt. Chẳng hạn lương giáo viên một trường trung học công lập vẫn chưa được trả kể từ tháng Năm, đầu tư sụt thê thảm. Tỉ lệ tăng trưởng năm 2024 chỉ còn 2,4 % và năm nay có thể là âm. Lợi tức kỹ nghệ sụt 4,3 % so với cùng kỳ năm ngoái, cứ 10 công ty thì có 4 đang báo động đỏ.

 

Nguyên nhân chánh là do xuất cảng sụt giảm, và việc phát triển các kỹ nghệ « năng lượng mới » như bình điện lithium hay điện gió dẫn đến sản xuất thừa quá nhiều khiến một số lớn doanh nghiệp trong lãnh vực này bị thua lỗ. Tác động từ chánh sách quan thuế của chánh quyền Trump thấy rất rõ nơi thành phố chuyên xuất khẩu này. Nếu giá trị xuất khẩu sang Liên Hiệp Âu Châu tăng 2,2 % trong bốn tháng đầu năm, thì xuất sang Hoa Kỳ lại giảm mất 12,5 %, còn sang ASEAN sụt đến trên 14 %. Dù Thâm Quyến hồi đầu năm ấn định tỉ lệ tăng trưởng đầy tham vọng là 5,5 %, tác giả bài viết lo ngại thực ra thành phố này là trở ngại cho kinh tế Trung Quốc.

 

 

(Theo RFI)