Ảnh: Depositphotos
Indonesia (Nam Dương) và Úc đang hợp tác để thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất xe điện và pin.
QUỐC TẾ - Indonesia (Nam Dương) chuẩn bị “thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi” với Úc trong việc phát triển chuỗi cung ứng xe điện (EV) và pin. Sự hợp tác này sẽ bao gồm việc kế hoạch chuỗi cung ứng, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu chung, cũng như thúc đẩy các mối liên kết mới giữa doanh nghiệp-với-doanh nghiệp giữa hai nước.
Cả hai quốc gia đều có kế hoạch tận dụng nguồn tài nguyên nikel và lithium tương ứng của mình để bảo đảm vị trí trong chuỗi cung ứng pin và xe điện toàn cầu. Liên minh mang tính chiến lược giữa Indonesia và Úc này đang diễn ra trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, đặc biệt là do căng thẳng Trung Quốc-Mỹ trong việc cạnh tranh giành ưu thế công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Hoa Kỳ, với ý định giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cam kết tạo ra một chuỗi cung ứng thay thế với các đối tác đáng tin cậy. Úc đã nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ, một bước phát triển sẵn sàng mang lại lợi ích cho Indonesia trong mối quan hệ đối tác với Úc.
Sự hợp tác này cũng phù hợp với định hướng chính sách gần đây của cả hai nước. Theo “chiến lược khoáng sản trọng yếu”, chính phủ Úc đặt mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng thông qua quan hệ đối tác với các quốc gia “có cùng chí hướng” và giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư nước ngoài vào các nguồn tài nguyên khoáng sản trọng yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia. Sau khi áp dụng chiến lược này, chính phủ Úc đã ngăn cản một công ty liên kết với Trung Quốc mua lại phần lớn cổ phần của một công ty khai thác lithium của Úc. Úc đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với các đồng minh như Indonesia để giảm sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản trọng yếu.
Indonesia đang tích cực xây dựng hệ sinh thái xe điện bằng cách thu hút đầu tư của nước ngoài. Chính phủ Indonesia gần đây đã thực hiện các biện pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện. Những biện pháp này bao gồm các ưu đãi như hỗ trợ pháp lý và trợ cấp. Tuy nhiên, Indonesia phải đối mặt với sự phản đối của Hoa Kỳ trong việc nhập cảng các sản phẩm nikel theo Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act - IRA). Để đáp lại, Indonesia đang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia khác. Quan hệ đối tác với Úc có thể được coi là một bước đi chiến lược hướng tới việc hội nhập vào chuỗi cung ứng do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Câu hỏi đặt ra: Liệu mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Indonesia và Úc có đưa ra giải pháp giải quyết thách thức khí hậu, vừa có lợi thế về mặt địa chính trị vừa thân thiện với môi trường, hay không?
Đầu tiên, về mặt công nghệ, Trung Quốc hiện giữ vị trí thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu về xe điện và pin. Sự thống trị này là do lợi thế về chi phí, xuất phát từ sản xuất quy mô lớn và những tiến bộ công nghệ đáng kể được thực hiện trong thập niên vừa qua, vốn là thách thức đối với các quốc gia khác trong ngắn hạn. Cả Indonesia và Úc hiện đều thiếu các công nghệ trọng yêu và nguồn đầu tư đáng kể cần thiết để phát triển hạ tầng cơ sở cần thiết trong việc xây dựng chuỗi cung ứng.
Thứ hai, liên quan đến lợi ích được đảm bảo, các công ty Trung Quốc từ lâu đã đầu tư vào chuỗi cung ứng chế biến khoáng sản tại cả Indonesia và Úc. Khoản đầu tư này là một phần trong nỗ lực chiến lược của Trung Quốc nhằm bảo đảm nguyên liệu thiết yếu cho chuỗi cung ứng của mình. Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia đạt 3,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, tăng gấp đôi so với năm trước, trong đó việc xây dựng các nhà máy mới luyện kim nikel là động lực chính cho sự tăng trưởng này. Hơn nữa, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Indonesia để hợp tác phát triển sản xuất xe điện và tái chế pin.
Tại Úc, Trung Quốc đã mua cổ phần ở nhiều khu mỏ và công ty liên quan đến sản xuất khoáng sản. Ngoài ra, Trung Quốc còn thiết lập quan hệ đối tác và liên doanh với các công ty Úc để thăm dò, phát triển và chế biến các khoáng sản này.
Sẽ thật đơn giản khi nghĩ rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ sẵn sàng từ bỏ cổ phần đáng kể của họ trong các nguồn tài nguyên thượng nguồn (tài nguyên khô) của chuỗi cung ứng ở Úc và Indonesia, cũng như tiềm năng đáng kể của thị trường xe điện ở Indonesia và Đông Nam Á. Các công ty Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng này đang phải đối mặt với những thách thức kép là hạn chế về nguyên liệu thô và dư thừa năng lực sản xuất. Do đó, việc bảo đảm các nguồn lực quan trọng và giành được thị trường nước ngoài là những ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư Trung Quốc. Ví dụ: các công ty như CATL, BYD, SAIC-GM-Wuling và Tianqi Lithium đã đầu tư hoặc đang có kế hoạch mở rộng đầu tư ở cả Úc và Indonesia.
Thứ ba, quy mô thị trường rất quan trọng. Trung Quốc là nước sản xuất, tiêu dùng và xuất cảng lớn nhất thế giới các khoáng sản trọng yếu như lithium, niken, cobalt, và đất hiếm. Khả năng hấp thụ nguồn cung cấp số lượng lớn các khoáng chất này trong sản xuất pin thành phẩn và sản xuất xe điện là vô song. Với lợi thế quy mô như vậy, các nhà sản xuất khoáng sản thô của Trung Quốc có động cơ để nâng cao lợi thế về công nghệ và chi phí của họ so với chuỗi cung ứng của liên minh Úc-Nam Dương (Australia-Indonesia).
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các mối quan tâm về môi trường và nhân quyền là rất quan trọng trong quan hệ đối tác Úc-Indonesia. Ở Indonesia, ngành công nghiệp nikel đã phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội. Chúng bao gồm việc quản lý chất thải chưa thích đáng, ô nhiễm nước, xung đột đất đai và vi phạm quyền lao động, tất cả đều ảnh hưởng đến cộng đồng trên khắp đất nước. Để hỗ trợ Indonesia cải thiện quan điểm về ESG (ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng), cần có sự hợp tác toàn diện hơn.
Vì an ninh quốc gia, các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, phải thận trọng giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị. Tuy nhiên, việc “vũ khí hóa” các chuỗi cung ứng này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực khử thán khí cac-bon toàn cầu. Trong khi Trung Quốc-Mỹ cạnh tranh chiến lược để giành ưu thế về công nghệ trong sản xuất chip tiên tiến và chip AI là rất quan trọng, do chúng có tác dụng kép trong lĩnh vực dân sự và quân sự, nên biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có một phản ứng thống nhất toàn cầu.
Cuối cùng, chiến lược chuỗi cung ứng “Trung Quốc cộng một” ( “China plus one”), thường được áp dụng như một cách tiếp cận “đề phòng” hoặc “chỉ trong trường hợp xấu nhất”, sẽ cung cấp một mạng lưới an toàn cho chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng có thể không tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng nhiều như mong đợi. Chuỗi cung ứng được xây dựng trên hệ sinh thái phụ thuộc lẫn nhau có sự tham gia của nhiều bên tham gia khác nhau, bao gồm các học viện nghiên cứu, tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nhân trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành. Quan trọng hơn, khả năng ứng phó (chống chịu) của chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có nguồn cung dự phòng trong chuỗi giá trị. Nếu không có sự dư thừa như vậy, chuỗi cung ứng sẽ khó phục hồi nếu bị gián đoạn trước những cú sốc bên ngoài. Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có hệ sinh thái toàn diện như vậy.
Khi chúng ta tiến về phía trước, điều quan trọng là phải tập hợp tất cả các quốc gia công nghệ hàng đầu, bao gồm cả Trung Quốc, với tư cách là thành viên tham gia liên minh khoáng sản trọng yếu Úc-Indonesia. Một hệ sinh thái lớn hơn, đa dạng hơn sẽ tăng cường khả năng ứng phó của chuỗi cung ứng. Xây dựng một liên minh hợp tác vượt qua sự chia rẽ về chính trị và ý thức hệ là điều cần thiết để giải quyết thách thức cấp bách về khí hậu và đạt được các mục tiêu khử thán khí cac-bon.
(Tác giả: Tiến sĩ Marina Yue Zhang, TheDiplomat.com)
(Danviet.com.au, Lê Huy biên dịch)
Marina Yue Zhang
Tiến sĩ Marina Yue Zhang là giáo sư tại Học Viện Quan hệ Úc Đại Lợi-Trung Quốc, tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS: ACRI). Marina có bằng cử nhân khoa học sinh học tại Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc, đồng thời có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) và bằng tiến sĩ trong nghiên cứu đổi mới của Đại học Quốc gia Úc. Marina là tác giả của ba cuốn sách, trong đó có cuốn sách "Demystifying China's Innovation Machine: Chaotic Order" (“Làm sáng tỏ cỗ máy đổi mới của Trung Quốc: Trật tự hỗn loạn”), đồng tác giả với Mark Dodgson và David Gann (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2022).