(Ảnh: SBS)

 

Trong ba tháng nữa, Úc và New Zealand sẽ đăng cai Giải vô địch bóng đá nữ thế giới. Và lần đầu tiên trong thể thao Úc, người khiếm thị hâm mộ bóng đá có thể theo dõi mọi diễn biến trên sân với bình luận trực tiếp dành riêng cho họ. Những hỗ trợ khác như các phòng giác quan và bộ dụng cụ giác quan cũng được thiết lập cho người tự kỷ để có thể tham gia vào các hoạt động này.

 

Khi nói đến việc chơi thể thao, Oscar Stubbs và Courtney Webeck không để tình trạng khuyết tật cản trở họ.

 

Oscar, 22 tuổi, đại diện cho Úc ở môn cricket và bơi lội dành cho người mù và khiếm thị.

 

Bạn của anh, Courtney, 19 tuổi, hiện là nhà vô địch quần vợt người mù và kém thị lực của Úc.

"Tôi lớn lên ở một thị trấn nhỏ ở nông thôn nên tôi đã chơi bóng lưới netball, bóng đá, bơi lội, ba môn phối hợp, tất cả các môn thể thao và tôi cũng cưỡi ngựa nữa."

 

Họ cũng thích đi xem các trận đấu trực tiếp. Nhưng như Oscar giải thích, đến sân để xem thi đấu trực tiếp là điều không dễ.

"Tôi yêu thể thao, tôi đi xem bất cứ thứ gì có thể, bất cứ khi nào tôi có thể, vì xem thể thao trực tiếp thì không còn gì tuyệt vời hơn, không khí trên sân hào hứng tuyệt vời. Nhưng đối với một người như tôi, thật khó để biết điều gì đang xảy ra trên sân. Khi thấy xung quanh mọi người phản ứng chúng tôi không thực sự biết chuyện gì đang xảy ra cho đến khi phát lại."

 

Đó là điều mà FIFA hy vọng sẽ thay đổi khi Úc và New Zealand tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới vào cuối năm nay, với việc đưa phần bình luận có mô tả vào chương trình.

 

Lần đầu tiên tại Úc, Bình luận mô tả dành cho người mù và khiếm thị sẽ có sẵn tại tất cả các trận đấu trực tiếp.

 

Chỉ với một ứng dụng trên điện thoại và một cặp tai nghe, những người xem bóng đá sẽ có thể theo dõi hành động từ khán đài, và thông qua bình luận họ sẽ được cho biết ngay tức thì chuyện gì đang xảy ra. Ứng dụng này được thiết kế đặc biệt cho những người có thị lực hạn chế.

 

Courtney nói rằng sự khác biệt sẽ rất lớn.

"Tôi tận hưởng từng phút giây cuộc sống không khác gì mấy với bất kỳ ai đang ngồi trên khán đài.Tôi nghĩ thật hay khi đây là một môn thể thao nữ và giải đầu tiên ở Úc đưa ứng dụng này vào, đó là một điều rất to lớn. Là một cô gái khiếm thị, được thấy Matildas đứng đầu thế giới sẽ rất tuyệt vời."

 

Bình luận mô tả đã có sẵn tại một số trận bóng đá trực tiếp ở châu Âu trong 20 năm.

 

Nó cũng được cung cấp tại World Cup Qatar bằng tiếng Ả Rập và tiếng Anh.

 

David Feeney nằm trong số khoảng 40 người ở Úc và New Zealand đã được đào tạo về Bình luận mô tả để chuẩn bị cho Giải vô địch bóng đá nữ thế giới.

"Đưa banh về phía trước, đang tìm kiếm các lựa chọn, bây giờ thì đang tản ra bên trái, đến mép ngoài khu vực phạt đền trước khung thành, cắt vào bên trong tìm cách đưa chân phải qua, chân phải qua khung thành, cú đánh tuyệt vời chỉ đi chệch một chút ngay trên xà ngang!"

 

Cùng với việc mô tả từng trận đấu trên sân, phần bình luận có thể bao gồm ngôn ngữ cơ thể, quần áo và nét mặt của người chơi - và thậm chí cả hành vi của người xem trên khán đài và huấn luyện viên.

"Bạn là đôi mắt của họ. Vì vậy, khi banh di chuyển quanh sân, đầu của họ cũng thực sự di chuyển. Bạn phải nói cho họ biết banh đang ở đâu, nói cho họ biết chuyện gì đang xảy ra, banh đang ở chổ nào của phía trái sân, chổ nào ở phía phải. Bạn phải làm hết sức để họ cảm thấy hoàn toàn nhập vào trận đấu và có thể bàn luận với bạn bè hoặc người thân của họ và họ thực sự cảm thấy thoải mái vì những gì họ đang nói đã xảy ra."

 

Giải vô địch bóng đá nữ thế giới cũng sẽ phục vụ cho những người mắc chứng tự kỷ và các vấn đề về giác quan.

 

Bộ dụng cụ cảm nhận, bao gồm tai nghe khử tiếng ồn, đệm lót có trọng lượng và đồ chơi cảm xúc fidget, sẽ có sẵn tại tất cả các sân vận động. Dự tính sẽ có hai sân vận động sẽ cung cấp phòng cảm ứng tuy nhiên vẫn chưa biết chính xác là sẽ có sân nào được chọn để lắp đặt phòng cảm ứng này.

 

Giáo sư Andrew Whitehouse là nhà nghiên cứu về Tự kỷ tại Viện Trẻ em Telethon và Đại học Tây Úc.

"Điểm quan trọng của phòng giác quan là nó yên tĩnh và nằm cùng vị trí với sân vận động nên bạn thực sự ở đó và tận hưởng bầu không khí cũng như trở thành một phần của cộng đồng. Họ cũng có thể có TV để họ có thể xem trận đấu đang diễn ra, họ có thể có túi ngồi, họ có thể có phòng giác quan giúp điều chỉnh các giác quan và cảm xúc."

 

Các phòng cảm ứng tại các sân vận động từ lâu đã trở thành một nét đặc trưng của thể thao trực tiếp ở châu Âu, dẫn đến những lời kêu gọi cần có nhiều tiến bộ hơn ở Úc.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, các quốc gia khác khá tiên tiến và Úc theo một cách nào đó có vẻ như đang bắt nhịp với phong trào hiện đại này nhưng những tiến bộ mà Úc đã đạt được là rất lớn và tôi có thể nói rằng chúng ta không ở quá xa hàng tiền đạo."

 

Oscar Stubbs nằm trong số những người hy vọng rằng khả năng tiếp cận các môn thể thao trực tiếp sẽ tiếp tục được cải thiện cho tất cả những người khuyết tật.

"Tôi nghĩ rằng tất cả những người khuyết tật nên ra ngoài và tận hưởng thời gian của họ bởi vì bạn chỉ sống một lần và bạn sẽ không thể xem những trận đấu đó mọi lúc. Nó có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào chốc lát."

 

Cải thiện khả năng truy cập, một chiến thắng cho tất cả mọi người.