(Ảnh: nghiencuuquocte.org)

 

 

Nguồn: Trần Kiếm, “陈剑:百年未有之人口变动——发的变局”, Aisixiang, 01/06/2024.

 

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan (nghiencuuquocte.org)

 

 

Trong Lý Văn Trung Công toàn tập quyển 19, Lý Hồng Chương đã đề cập đến “những thay đổi chưa từng thấy trong ba nghìn năm”. Hiện nay, những thay đổi được nhắc đến nhiều nhất là những thay đổi chưa từng thấy trong một trăm năm. Dù là trăm năm hay nghìn năm thì cũng phải thừa nhận rằng, thời đại của chúng ta đang nảy sinh những biến đổi chóng mặt.

 

 

Trong cuộc Cách mạng Trung Quốc năm 1949, người ta đã sử dụng các yếu tố nhân khẩu học để giải thích cho sự phát sinh của cuộc cách mạng này, nhưng sau đó, điều này đã bị các nhà sáng lập Trung Quốc Mới phủ nhận. Theo thiển ý của tôi, có sự hợp lý nhất định khi sử dụng việc dân số quá đông để giải thích cho sự phát sinh của cuộc Cách mạng Trung Quốc. Tất nhiên, nó không sâu sắc và hữu hiệu như lý thuyết của các nhà sáng lập.

 

Một vài người cho rằng, Trung Quốc hiện đang trải qua những thay đổi lớn lao chưa từng có trong một thế kỷ qua. Tôi không biết liệu tuyên bố này có được chấp nhận rộng rãi hay không. Tuy nhiên, hàng loạt những thay đổi nảy sinh từ sự biến động về nhân khẩu học là chưa từng có  suốt một trăm năm qua. Bài viết này cung cấp một phân tích ngắn gọn cùng một triển vọng tương lai đối với vấn đề này.

 

 

1. Dân số tăng trưởng âm

 

Dân số đang trải qua những thay đổi lớn lao chưa từng có trong một trăm năm. Thay đổi mang tính biểu tượng là sự suy giảm mạnh mẽ của tỷ suất sinh. Sự sụt giảm mạnh mẽ này đã trực tiếp dẫn đến mức sinh của Trung Quốc suy giảm mạnh. Dân số Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng âm vào năm 2022 và xu hướng này sẽ không có dấu hiệu kết thúc trong nhiều năm tới. Nói cách khác, trong vài thập kỷ tới, thậm chí hàng trăm năm tới, chúng ta sẽ không thể chứng kiến sự tăng trưởng của dân số Trung Quốc. Đây là thay đổi mà quốc gia này chưa từng trải qua trong suốt một trăm năm qua. Vào năm 1722 sau Công nguyên (năm thứ 61 dưới sự trị vì của Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh), dân số Trung Quốc vượt mốc 100 triệu người và đạt 430 triệu người vào cuối thời nhà Thanh; trong cuộc điều tra dân số toàn quốc đầu tiên vào năm 1954, dân số Trung Quốc đạt 610 triệu người; năm 1982 vượt mốc một tỷ và năm 2020 vượt quá 1,4 tỷ. Năm 2024, vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới đã bị thay thế bởi Ấn Độ.

 

Trong vài thập kỷ hoặc thậm chí hàng trăm năm tới, hàng loạt thay đổi do tốc độ tăng trưởng dân số âm mang tới sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội và mọi mặt đời sống của người dân Trung Quốc. Điều này bao gồm sự hoang vu tại một lượng lớn các ngôi làng, sự mất mát dân số ở một số huyện và việc một số thành phố ở vùng sâu vùng xa bị gạt ra ngoài lề hoặc thậm chí trở nên hoang phế do dân số sụt giảm.

 

 

2. “Làn sóng bạc”

 

Dân số tiếp tục suy giảm, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và tỷ lệ người cao tuổi tiếp tục tăng. Một “làn sóng bạc” đang đến với Trung Quốc và làn sóng này sẽ kéo dài với một tỷ lệ nghiêm trọng hiếm thấy trên thế giới. Dự kiến ​​vào khoảng năm 2035, tức là 11 năm tới, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc sẽ vượt 400 triệu người, chiếm hơn 30% tổng dân số và nước này sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số nghiêm trọng. Lúc đó, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 29,1% tổng dân số vào năm 2023 (đứng đầu thế giới). Đến năm 2050, số lượng người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất là 487 triệu người, chiếm 35% tổng dân số. Quy mô và tỷ trọng người cao tuổi, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi cùng tỷ lệ phụ thuộc xã hội sẽ lần lượt đạt đỉnh. Khi đó, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi ở Trung Quốc sẽ lớn đến mức không có đối thủ trên thế giới.

 

Làn sóng bạc mang đến những thách thức rất lớn đối với việc cung cấp dịch vụ công và sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội. Chẳng hạn, liệu quốc gia này có đủ khả năng cung cấp một chế độ lương hưu cơ bản cho số lượng người cao tuổi sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai hay không, điều đó chắc chắn là một vấn đề rất lớn.

 

Sự tấn công dồn dập của làn sóng bạc có thể dẫn đến tình trạng thiếu sức sống và thiếu khả năng đổi mới trong toàn xã hội. Tất nhiên, cũng cần lưu ý rằng, làn sóng bạc có thể thúc đẩy nền “kinh tế bạc” tiếp tục tăng trưởng, đồng thời cũng sẽ nâng cao sức lao động và tiềm lực tự thân của người cao tuổi. Ngay cả vậy, vẫn thật khó để ngăn cản “buổi chạng vạng” của toàn xã hội.

 

Trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, Nhật Bản đứng đầu về tỷ lệ người cao tuổi trong 30 năm qua. Bên cạnh các dịch vụ phúc lợi và chăm sóc sức khỏe, Nhật Bản đã không ngừng mở rộng các lĩnh vực, chẳng hạn như đổi mới công nghệ, giải trí, cải tạo nhà ở và thậm chí cả dịch vụ tài chính cho người già, nhằm bảo đảm rằng người cao tuổi có thể tiếp tục tạo ra giá trị kinh tế, đây là những bài học kinh nghiệm quý báu trong việc ứng phó với làn sóng bạc. Trong giai đoạn này, mặc dù năng lực đổi mới khoa học công nghệ của Nhật Bản không hề giảm sút nhưng nước này vẫn khó có thể ngăn chặn tình trạng già hóa trong toàn xã hội. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy thoái.

 

Trong tương lai, cách Trung Quốc phản ứng trước sự tấn công của làn sóng bạc sẽ rất quan trọng.

 

 

3. Những thay đổi trong giáo dục

 

Trong số các yếu tố ảnh hưởng tới mức giảm sinh, giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng. Giáo dục, đặc biệt là sự phổ cập giáo dục đại học, đã khiến độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của phụ nữ muộn hơn đáng kể. Trong khoảng từ năm 1980 đến năm 2020, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình của phụ nữ Trung Quốc tăng từ 22,74 lên 27,95 tuổi. Ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình đã vượt quá 30 tuổi, điều này góp phần đáng kể vào sự suy giảm của tỷ suất sinh.

 

 

Sự sụt giảm của tỷ suất sinh dẫn đến việc dân số tiếp tục suy giảm, điều này sẽ mang đến tác động gây sốc cho nền giáo dục Trung Quốc trong tương lai. Hiện nay, số lượng trường mẫu giáo trên toàn Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm. Trong 5 đến 10 năm tới hoặc thậm chí lâu hơn, việc hủy bỏ, sáp nhập hay thậm chí đóng cửa sẽ trở thành xu hướng. Tiếp đó, xu hướng này sẽ lan đến các trường tiểu học, trung học và thậm chí cả đại học. Trước mắt, số lượng trường đại học và số lượng tuyển sinh của Trung Quốc đã đạt mức cao mới, tuy nhiên không bao lâu nữa, tình hình sẽ nhanh chóng đảo chiều.

 

Những thay đổi trong giáo dục này có tác động to lớn đến toàn xã hội. Các cơ quan chính phủ và các nhà đầu tư ngoài công lập cần chuẩn bị đầy đủ tinh thần để ứng phó một cách tích cực.

 

 

4. Thị trường thu hẹp kéo theo sự suy giảm liên tục của bất động sản và các ngành nghề khác

 

Dân số vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng. Dân số tiếp tục giảm sút đồng nghĩa với việc thị trường sẽ bị thu hẹp, điều này sẽ tác động liên tục đến sự phát triển của mọi ngành nghề ở Trung Quốc. Trước mắt, bất động sản, ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, sẽ là lĩnh vực đầu tiên phải hứng chịu sự đả kích này.

 

Trong bối cảnh nguồn cung bất động sản tiếp tục tăng và dân số tiếp tục giảm, cho dù có áp dụng biện pháp nào thì cũng chỉ có thể trì hoãn chứ khó có thể tránh khỏi xu hướng đi xuống của toàn bộ thị trường bất động sản. Lý do rất đơn giản. Năm 2023, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở các thành phố và thị trấn của Trung Quốc sẽ lên tới 41m2. So sánh với con số 40 đến 60m2 ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, như Úc 90,3m2, Canada 63,9m2, Mỹ 62,4m2, Đức 46,6 m2, Ba Lan 40m2, Vương quốc Anh 37,6m2, Pháp 36,5m2 và Nhật Bản 33,5m2, điều đó có nghĩa diện tích nhà ở của người dân Trung Quốc đã đạt đến mức của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Nhu cầu nhà ở cơ bản của người dân Trung Quốc đã được đáp ứng ở mức độ cơ bản. Trong bối cảnh đó, dân số tiếp tục suy giảm, số lượng bất động sản tiếp tục gia tăng và xu hướng đi xuống của bất động sản là điều khó có thể thay đổi. Trong tương lai, người ta sẽ chứng kiến nhiều cư dân thành thị sinh vào những năm 1980 hay 1990 được thừa hưởng ít nhất một, thậm chí hàng chục căn nhà từ cha mẹ mình. Trong bối cảnh như vậy, xu hướng giảm chung của giá nhà ở Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi và khó có thể ngăn chặn. Tất nhiên, một số khu vực cốt lõi và khu vực đặc biệt ở các thành phố có tầm ảnh hưởng, chẳng hạn như khu vực thuộc Đường vành đai hai ở Bắc Kinh, vẫn sẽ tuân theo nguyên tắc thị trường “hiếm mới có giá trị” và có thể tăng nhẹ thay vì giảm, nhưng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến đánh giá tổng thể nêu trên.

 

 

5. Khó có thể thay đổi xu hướng co hẹp của nhu cầu tiêu dùng

Mức sinh giảm sẽ kéo theo sự suy giảm của số lượng dân số trẻ và dân số trong độ tuổi lao động. Song song với đó, số lượng người cao tuổi sẽ ngày càng tăng và nhu cầu tiêu dùng vật chất của họ là tương đối hạn chế. Trong khi đó, giới trẻ tuy có nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng do số lượng giảm đi nên sẽ trực tiếp dẫn đến việc tổng nhu cầu tiêu dùng toàn xã hội bị suy giảm và co hẹp trong dài hạn. Điều này có nghĩa, với tốc độ tăng trưởng dân số âm và mức sinh giảm, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể có được động lực nội tại để tăng trưởng bền vững và nhiều khả năng sẽ phát triển ở mức thấp trong một thời gian dài.

 

 

6. Cách mạng hôn nhân

 

Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh giảm, cách mạng hôn nhân đóng một vai trò không thể thiếu. Cách mạng hôn nhân chỉ sự thay đổi căn bản trong quan niệm của con người về hôn nhân, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi hôn nhân của con người. Sợ kết hôn và sinh con đã trở thành thái độ và quan điểm của rất nhiều người trẻ ngày nay. Cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, quan niệm và tư tưởng của con người cũng phát triển hơn. Ngày càng có nhiều người giữ thái độ hoài nghi đối với hôn nhân, bất kể nam hay nữ.

 

Khi xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ ngày càng trở nên ưu tú và độc lập hơn. Điều này mang lại sự độc lập về tính cách và sự thức tỉnh về ý thức đối với nữ giới. Nhiều phụ nữ thấy rằng, hôn nhân sẽ chỉ trói buộc họ với gia đình và hôn nhân mang một giá trị tiêu cực. Khi nữ giới hình thành hiểu biết này, họ sẽ lựa chọn rời đi một cách dứt khoát. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ ly hôn ở Trung Quốc ngày càng tăng cao.

 

Số liệu cho thấy, tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng 17 lần, từ 0,18% vào năm 1978 lên 3,09% vào năm 2023. Con số này hiện đã vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc. Song song với đó, tỷ lệ kết hôn đã giảm từ 9,9‰ vào năm 2013 xuống còn 4,8‰ vào năm 2022; số cuộc hôn nhân được đăng ký vào năm 2013 là 13,47 triệu và giảm xuống còn 6,83 triệu vào năm 2022, đánh dấu 9 năm suy giảm liên tiếp.

 

Chính bởi thái độ hoài nghi về hôn nhân mà ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn không kết hôn. Đồng thời, tình trạng chung sống khi chưa kết hôn cũng không ngừng gia tăng. Mô hình hôn nhân truyền thống đang dần tan rã hoặc lụi tàn.

 

 

 

7. Biến động trong hộ gia đình

Tác động của cách mạng hôn nhân cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những biến động trong hộ gia đình.

 

Quy mô hộ gia đình trung bình ở Trung Quốc tiếp tục bị thu hẹp. Theo cuộc điều tra dân số lần thứ hai vào năm 1964, một hộ gia đình Trung Quốc có quy mô trung bình là 4,43 người, nhưng đã giảm chỉ còn 2,62 người vào năm 2020.

 

Có rất nhiều loại hình hộ gia đình. Một lượng lớn các gia đình độc thân, gia đình đơn thân, gia đình chỉ có một con và gia đình chỉ có người già sống một mình đã được hình thành. trong tổng số gia đình. Tỷ lệ gia đình đơn/độc thân do ly hôn hoặc không kết hôn trong tổng số hộ gia đình tăng đều đặn, tỷ lệ gia đình tái hôn, gia đình chuyển dịch và gia đình có cha mẹ đi làm xa cũng tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, số lượng hộ gia đình “tổ trống” cũng đang tăng lên nhanh chóng. Không chỉ có sự gia tăng tổ trống ở lớp người cao tuổi mà hiện tượng “tổ trống ở tuổi trung niên” cũng rất phổ biến.

 

Sự chuyển dịch dân số theo đơn vị gia đình đã tăng lên rõ rệt. Năm 2020, Trung Quốc có 376 triệu người dân lưu chuyển, tăng khoảng 70% so với năm 2010. Trong đó, chuyển dịch theo gia đình là xu hướng chủ đạo.

 

Hiện tượng ly hôn đang diễn ra rất nghiêm trọng. Hiện tượng chia ly trong các hộ gia đình phần nào đó thể hiện mức độ nghiêm trọng của tình trạng ly hôn. Năm 2020, Trung Quốc có 493 triệu người sống trong các hộ gia đình ly hôn, tăng 88,52% so với năm 2010.

 

Đồng thời, các mối quan hệ gia đình đang thể hiện xu hướng bình đẳng và dân chủ hóa. Quyền uy của người lớn tuổi trong mối quan hệ giữa các thế hệ có xu hướng suy yếu. Sự chuyển dịch dân số ồ ạt đã làm suy yếu chức năng phụng dưỡng của các gia đình nông thôn, phương thức chăm sóc người già theo kiểu truyền thống đã chịu tác động lớn. Quan niệm về gia đình đang phát triển từ “mô hình phản hồi” truyền thống giữa các thế hệ sang hướng xã hội hóa.

 

Từ những thay đổi trên, có thể rút ra kết luận sau: Trong tương lai không xa, khi tính cách và sự độc lập của con người ngày càng phát triển, ý thức của người phụ nữ được thức tỉnh và chức năng an sinh xã hội được nâng cao thì những biến động trong gia đình sẽ càng nhanh hơn nữa. Và có lẽ, sự tan rã của gia đình sẽ là diễn biến cuối cùng.

 

 

8. Sự xuất hiện của các nhà máy sinh sản

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong y học, công nghệ sinh sản đã phát triển nhanh chóng và việc thị trường hóa sinh sản đã mang đến cho con người không gian tưởng tượng để tránh khỏi sự suy giảm dân số mạnh mẽ trong tương lai. Tất nhiên, nó cũng đem đến nhiều vấn đề về đạo đức.

 

Quá trình sinh sản tự nhiên của con người bao gồm các bước như quan hệ tình dục, thụ tinh trong ống dẫn trứng, làm tổ trong tử cung và mang thai trong tử cung. Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là phương pháp thay thế một hoặc toàn bộ quá trình sinh sản tự nhiên nêu trên. Với sự phát triển của các kỹ thuật y khoa, các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo đã trở nên khả thi. Điều này đã mang lại tin vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, đồng thời phá vỡ lối sống và quy trình sinh sản tự nhiên của con người.

 

Có một trường hợp thú vị như sau, một người phụ nữ đưa hai con đến thăm tỷ phú người Mỹ Elon Musk. Ngay khi vừa gặp mặt, người phụ nữ lập tức bảo hai đứa trẻ gọi Elon Musk là cha. Elon Musk đã rất sốc khi biết rằng đây là hai đứa trẻ được sinh ra nhờ tinh trùng của chính mình.

 

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là quy trình y tế được thiết kế để giúp đỡ các cá nhân gặp khó khăn trong sinh sản hoặc không thể có con đẻ. Từ đây, có thể liên tưởng như sau: Trong những năm tới, bằng cách kết hợp tinh trùng do ngân hàng tinh trùng cung cấp với trứng do ngân hàng trứng cung cấp, dưới bối cảnh bảo đảm rằng phôi được cung cấp là khỏe mạnh và không mang những rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, con người sẽ có thể sản xuất hàng loạt trẻ em theo kiểu nhà máy thông qua sự tiến bộ của công nghệ sinh sản để bù đắp cho sự suy giảm tăng trưởng dân số.

 

Trong quá trình này, sẽ có nhiều thách thức về đạo đức và pháp lý phát sinh, nhưng sự hợp tác chân thành giữa các nhà khoa học, nhà luân lý học và luật gia cuối cùng sẽ tìm ra cách để thực hiện được những yêu cầu trên.

 

 

9. Chính trị quốc tế đối mặt với nhiều thách thức

 

Thế giới đang hướng tới một tương lai với tỷ suất sinh thấp và điều này sẽ gây ra tác động to lớn đến chính trị quốc tế trong tương lai.

 

Sự suy giảm tỷ suất sinh không phải chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Tổng tỷ suất sinh của phụ nữ toàn cầu đã liên tục sụt giảm trong nửa thế kỷ qua. Từ mức hơn 6 vào những năm 1970, đến nay tỷ suất sinh đã giảm xuống mức thay thế chỉ khoảng 2,1. Dân số toàn cầu có thể sẽ không bao giờ vượt quá 10 tỷ người. Hiện nay, tổng tỷ suất sinh của phụ nữ ở các nền kinh tế lớn đã giảm xuống dưới mức thay thế, Trung Quốc và Hàn Quốc thậm chí còn ở dưới mức 1,1. Các nhà nhân khẩu học đã đưa ra con số dự báo rằng, đến năm 2050, 155 (76%) trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ có tỷ suất sinh ở dưới mức thay thế. Dự kiến ​​đến năm 2100, trong số 204 quốc gia và khu vực trên thế giới, số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ ở dưới mức thay thế sẽ tiếp tục tăng lên 198 (97%).

 

Điều này có nghĩa, “sự bùng nổ trẻ em” ở các nước đang phát triển và “sự thiếu hụt trẻ em” ở các nước phát triển sẽ dẫn đến những thay đổi to lớn về mặt xã hội. Tỷ suất sinh và xu hướng sinh sản trong tương lai sẽ thay đổi cán cân quyền lực quốc tế, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu và tái tổ chức xã hội toàn cầu một cách triệt để. Ví dụ, Pháp là một quốc gia dân tộc điển hình ở Âu châu. Quốc gia chủ yếu theo Công giáo này đã tiếp nhận những người nhập cư với những tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, chẳng hạn như tín đồ Tin lành, tín đồ Do Thái và tín đồ Hồi giáo. Trong số đó, do có tỷ suất sinh cao nên người Hồi giáo dần vượt người Do Thái và người theo đạo Tin lành về số lượng, qua đó biến đạo Hồi trở thành tôn giáo lớn thứ hai ở Pháp. Theo xu hướng phát triển hiện nay, Hồi giáo rất có thể sẽ trở thành tôn giáo lớn nhất trong tương lai gần và cuối cùng Pháp sẽ phát triển thành một quốc gia Hồi giáo. Đây chắc chắn là một thách thức đối với nền chính trị toàn cầu.

 

Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới đang “dẫn dắt mức giảm sinh”, trong khi các nước đang phát triển thì đang “quyết định chiều hướng của mức giảm sinh”, đặc biệt là ở Phi châu, nơi có tỷ suất sinh cao nhất thế giới. Đến năm 2100, dân số Trung Quốc sẽ dưới 600 triệu người, còn dân số Phi châu có thể sẽ vượt qua Á châu và trở thành lục địa lớn nhất thế giới. Điều này sẽ gây ra tác động quan trọng đến nền chính trị và kinh tế toàn cầu.

 

 

(nghiencuuquocte.org)