Ảnh tư liệu: Tổng thống Donald Trump (T) và thủ tướng Canada gặp nhau bên lề một cuộc họp của NATO, ngày 04/12/2019. AP - Frank Augstein

 

 

QUỐC TẾ - Chỉ 2 ngày sau khi thông báo áp thuế nhập cảng 25 phần trăm nhắm vào hàng hóa của Mexico, Canada và tăng thêm 10 phần trăm thuế nhập cảng đối với sản phẩm của Trung Quốc, đến hôm 03/02 chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết tạm ngưng một tháng việc áp thuế quan đối với hai nước láng giềng Canada và Mexico và để ngỏ khả năng thương lượng với Trung Quốc.

 

 

Vậy đâu là ý đồ thực sự của ông Trump khi đột ngột « lui bước » sau những lời dọa nạt cứng rắn và đầy vẻ quyết tâm chỉ ít hôm trước đó nhắm vào các đối tác tương mại chính của Mỹ ? 

 

 

Ngày 03/02, một ngày trước khi biện pháp áp thuế chính thức có hiệu lực, trên mạng xã hội Truth Social của chính ông, tổng thống Trump cho biết « rất hài lòng » về cuộc thương lượng với thủ tướng Canada Justin Trudeau. Theo AFP, Ottawa sẽ chi 1,3 tỉ đô-la và khai triển trực thăng và nhiều công nghệ mới để tăng cường giám sát biên giới với Mỹ.

 

 

Trước đó, khi thương lượng với tổng thống Mexico, Claudia Sheinbaum, ông Trump cũng được lãnh đạo nước láng giềng cam kết điều thêm « ngay lập tức » 10.000 binh sĩ đến biên giới với Hoa Kỳ để gia tăng kiểm soát biên giới, chống nạn buôn bán và vận chuyển chất gây nghiện Fentanyl từ Mexico sang Mỹ. Fentanyl là lý do chính tổng thống Mỹ đưa ra để biện minh cho việc dùng vũ khí thuế quan đối với Mexico, Canada và Trung Quốc.

 

 

Theo nhiều chuyên gia phân tích, dù tỏ ra cứng rắn, nhưng ông Trump và đội ngũ cố vấn cũng thừa hiểu rằng việc tăng thuế nhập cảng không chỉ gây ảnh hưởng cho đối phương mà chính người dân Mỹ và giới doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng sẽ phải gánh chịu hệ lụy giá hàng hóa nhanh chóng tăng, dẫn đến lạm phát, bởi vì Trung Quốc, Mexico và Canada là những đối tác thương mại lớn nhất của Washington : 40 phần trăm hàng hóa Mỹ nhập cảng đến từ 3 nước này. Hôm 02/02, cũng trên mạng Truth Social, tổng thống Mỹ lần đầu tiên thừa nhận rõ ràng là người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ là nạn nhân.

 

 

Thêm vào đó, Donald Trump cũng hiểu là đối phương sẽ có biện pháp trả đũa và kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ chịu thêm áp lực. Quả thực, tại Canada, không chỉ thủ tướng Canada công bố các biện pháp trả đũa thương mại, mà trên mạng xã hội, theo AFP, các cư dân mạng Canada đã hô hào chiến dịch tẩy chay hàng « Made in USA ». Trang Le Devoir cũng cho biết người dân Canada đã phát động các phong trào, ví dụ ngừng đi du lịch sang bang Florida của Mỹ, chấm dứt mua hàng trên mạng Amazon của Hoa Kỳ, tẩy chay chuỗi bán đồ ăn nhanh McDonald’s …

 

Về phía Trung Quốc, không chỉ đệ đơn kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, Bắc Kinh hôm nay 04/02 đã thông báo sẽ sớm áp thuế nhập cảng đối với dầu lửa, khí đốt, than đá và nhiều loại xe ô tô của Mỹ.

 

 

Báo Pháp L’Humanité hôm 03/02 ví von, gọi chiến thuật của tổng thống Mỹ Donald Trump là « tiến ba bước, lùi một bước », nói theo cách khác, « theo học thuyết của Trump, đây là một cái vỗ vai âu yếm sau khi bắn một tràng súng máy ».

 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là « nói trước quên sau », mà dường như đây là chiến thuật « lừa gạt », « hù dọa », « bắt chẹt » của ông. Tuy nhiên, theo nhận định của báo Le Monde hôm nay 04/02, dẫu trước mắt Donald Trump có thể nhanh chóng đạt được một số nhượng bộ của Canada hay Mexico, nhưng về lâu dài, « trò dọa dẫm, nắn gân » kiểu này của ông Trump sẽ « vô tác dụng », thậm chí sẽ dẫn đến những tổn hại lâu dài cho nước Mỹ sau này.

 

 

Le Monde trích dẫn bình luận hôm 02/02 của Larry Summers, cựu bộ trưởng Tài Chính dưới thời tổng thống Mỹ Bill Clinton, theo đó « thuế quan của Donald Trump là một chiến lược dọa nạt », mà « đe dọa không phải là chiến lược hiệu quả về lâu dài, dù là trong nước hay trên trường quốc tế ». Larry Summers nhận định Donald Trump đang tặng « một món quà chiến lược cho Tập Cận Bình », bởi vì « chủ tịch Trung Quốc có cớ để thanh minh cho những thất bại kinh tế của mình và mở ra một cánh cửa rộng hơn thu hút các đồng minh » của Mỹbởi « chính sách đe nẹt » của Donald Trump cho thấy nước Mỹ « không đáng tin cậy » nữa.

 

 

(Theo RFI)