Biểu tượng của các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc, hôm 22/09/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
HOA KỲ - Gần đây, tỷ phú Elon Musk đã đặt câu hỏi liệu ứng dụng video ngắn TikTok có dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh hay không, sau một báo cáo mới cáo buộc nền tảng do Trung Quốc sở hữu này đã có được dữ liệu cá nhân của người dùng Hoa Kỳ.
“Có phải TikTok sẽ phá hủy nền văn minh không?”, vị tỷ phú nói hôm 17/06 trên Twitter. “Một số người nghĩ như vậy", bài đăng của ông cho biết, không đưa ra lời giải thích nào thêm.
Những lời nhận xét nói trên được đưa ra sau khi đoạn audio bị rò rỉ từ hơn 80 cuộc họp nội bộ cho thấy các nhân viên của công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh của TikTok đã “nhiều lần truy cập dữ liệu không công khai về người dùng TikTok của Hoa Kỳ” ở Trung Quốc, theo Buzzfeed. Được biết các đoạn ghi âm bao gồm 14 tuyên bố từ chín nhân viên mà cho biết các kỹ sư có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Hoa Kỳ “ít nhất” trong năm tháng từ tháng 09/2021 đến tháng 01/2022.
Mặc dù trước đó công ty này cũng đã tuyên bố rằng họ không chia sẻ thông tin người dùng với Bắc Kinh, và có một “đội bảo mật nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ” để quyết định ai có thể truy cập dữ liệu này, nhưng bằng chứng cho thấy các nhân viên đã phải nhờ đến các đồng nghiệp ở Trung Quốc để quyết định dữ liệu người dùng sẽ lưu chuyển như thế nào.
“Nhân viên Hoa Kỳ không được phép hoặc không biết cách tự mình truy cập dữ liệu", báo cáo trên tờ Buzzfeed cho biết, trích dẫn các đoạn băng ghi âm. Phải mất vài giờ trước khi TikTok thông báo họ đã hoàn tất việc chuyển dữ liệu người dùng Mỹ của mình sang các máy chủ đặt tại Hoa Kỳ ở Oracle, một hành động có thể giải quyết những lo ngại về quy định của Hoa Kỳ về tính toàn vẹn của dữ liệu trên ứng dụng video ngắn phổ biến này.
Tính cả Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của mình, TikTok có hơn 1 tỷ người dùng hoạt động trên toàn cầu. Hoa Kỳ đã và đang theo dõi sát sao các nhà phát triển ứng dụng về dữ liệu cá nhân mà họ xử lý, đặc biệt là khi nó liên quan đến quân đội hoặc nhân viên tình báo của Hoa Kỳ.
Công ty này đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.
Sau đó, ông Musk đã đăng tải rằng có lẽ chính “mạng xã hội nói chung” gây ra nguy cơ đối với nền văn minh.
Hồi tháng Tư, ông đã gọi việc kiểm duyệt trên Twitter là một “nguy cơ đối với nền văn minh”. Trong khi đàm phán mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, ông Musk đã nói rằng lời đề nghị của ông là về “tương lai của nền văn minh”, chứ không phải vì lợi nhuận.
Tỷ phú này, người thường tránh xa chính trị, cũng đã tuyên bố những lo ngại của mình về sự thiên vị chính trị rõ ràng của cánh tả trên Twitter.
Hồi tháng trước, khi được hỏi trên Twitter về mục đích tham gia tranh luận về chính trị của ông, người sáng lập và kỹ sư trưởng của SpaceX đã một lần nữa đề cập đến “nền văn minh”, trong bối cảnh của điều mà ông gọi là các chính sách cấp tiến “thức tỉnh”.
Ông Musk trả lời: “Trừ khi nó bị ngăn chặn, nếu không virus tinh thần thức tỉnh này sẽ phá hủy nền văn minh và nhân loại sẽ không bao giờ” đến được sao Hỏa.
(ntdvn.net ; Lam Giang - Theo The Epoch Times)