Vương Hải Quân (Wang Haijun), chủ nhà hàng Oriental Pearl ở Seoul, đọc tuyên bố bên ngoài nhà hàng vào ngày 29/12/2022. Nhà hàng của ông bị cáo buộc là trụ sở của đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc tại Seoul. (Ảnh: Kim Myung-kuk/The Epoch Times)

 

 

 

NAM HÀN - Cảnh sát Nam Hàn đang điều tra một nhà hàng Trung Quốc ở Seoul nghi ngờ hoạt động như một đồn cảnh sát bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhà hàng này bị cáo buộc liên quan đến việc cưỡng bức hồi hương những người bất đồng chính kiến Trung Quốc.

 

Chủ sở hữu nhà hàng, ông Vương Hải Quân (Wang Haijun), cũng bị cáo buộc giữ các vai trò chủ chốt trong các hiệp hội hải ngoại có liên hệ với ĐCSTQ.

 

Sự việc này đang gây ra nhiều lo ngại về sự can thiệp của ĐCSTQ vào các quốc gia khác. Việc Trung Quốc bí mật triển khai các đồn cảnh sát hải ngoại đã được phanh phui ở nhiều quốc gia. Dư luận cho rằng chính phủ Nam Hàn cần nhanh chóng sửa đổi "Luật Gián Điệp" để đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia do Trung Quốc cộng sản gây ra.

 

Ngày 22/2, cảnh sát Seoul tiến hành điều tra bắt buộc đối với Vương Hải Quân (Wang Haijun), 46 tuổi, chủ sở hữu nhà hàng Trung Quốc Oriental Pearl tại Seoul.

 

Khi ông Vương nhập cảnh Nam Hàn vào ngày 22/2, cảnh sát đã kiểm tra hành lý cá nhân và tịch thu một số vật dụng. Cùng ngày, cảnh sát khám xét nhà riêng của ông Vương ở Incheon và trụ sở công ty truyền thông liên quan.

 

Theo truyền thông Nam Hàn, ông Vương và những người liên quan hiện đang bị cấm xuất cảnh.

 

Đây là cuộc điều tra bắt buộc đầu tiên kể từ cuối năm 2022, sau khi cảnh sát phát hiện Bắc Kinh lập đồn cảnh sát bí mật ở Nam Hàn.

 

Vào cuối năm 2022, một báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders (Tây Ban Nha) tiết lộ chính phủ Trung Quốc đã bí mật điều hành các đồn cảnh sát ở nhiều quốc gia.

 

Báo cáo cáo buộc Cục Công an Nam Thông đã mở một đồn cảnh sát bí mật như vậy ở Nam Hàn cùng nhiều quốc gia khác, đồng thời "tuyển dụng đại diện kiều bào và du học sinh ở Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn và các nơi khác làm nhân viên liên lạc hải ngoại để hợp tác với các sĩ quan trong và ngoài nước”.

 

Cảnh sát Nam Hàn đang điều tra một nhà hàng Trung Quốc ở Seoul bị tình nghi hoạt động như một đồn cảnh sát bí mật của ĐCSTQ. Ông Lý Nguyên Hoa, chuyên gia về Trung Quốc và cựu giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Sư phạm Thủ đô Trung Quốc, nhận định với The Epoch Times rằng hành động đột kích của cảnh sát Nam Hàn nhằm vào đại diện ĐCSTQ "mang tính răn đe và cảnh báo cho Bắc Kinh".

 

 

Hồi hương những người bất đồng chính kiến

 

Cuộc điều tra của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn (NIS) hồi năm ngoái đã tiết lộ rằng nhà hàng Trung Quốc Oriental Pearl, do ông Vương điều hành từ năm 2018, bị tình nghi hoạt động như một đồn cảnh sát bí mật của ĐCSTQ. Ông Vương cũng được cho là đã hỗ trợ Lãnh sự quán Trung Quốc trong việc hồi hương những người Hoa bất đồng chính kiến đang cư trú tại Nam Hàn về Trung Quốc.

 

Đầu tháng trước, Phòng Hình sự 2 của Viện Kiểm sát Trung tâm Seoul đã buộc tội ông Vương và vợ ông vi phạm Luật Vệ sinh Thực phẩm cùng một số tội danh khác.

 

Ngoài nhà hàng, cảnh sát Nam Hàn còn mở rộng điều tra sang các hoạt động kinh doanh khác của ông Vương. Trong cuộc bố ráp vào ngày 22/2, họ đã kiểm tra dòng vốn của công ty ông Vương và các doanh nghiệp liên quan. Việc công ty ông Vương vẫn hoạt động bất chấp thua lỗ khiến cảnh sát nghi ngờ có nguồn tiền bên ngoài từ phía ĐCSTQ.

 

Cảnh sát cũng quan ngại về HG Culture Media, một công ty truyền thông do ông Vương điều hành, có mối quan hệ mật thiết với truyền thông chính thức của Trung Quốc. Tháng 7/2015, HG Culture Media được chỉ định là kênh thông tin cho Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, và là đại lý độc quyền của họ tại Nam Hàn.

 

 

Một công cụ để gây ảnh hưởng chính trị của ĐCSTQ

 

Ngoài vai trò Giám đốc điều hành nhà hàng Oriental Pearl và công ty truyền thông HG Culture Media, ông Vương Hải Quân còn nắm giữ chức vụ lãnh đạo tại hai tổ chức khác: Liên đoàn Xúc tiến Hòa bình Thống nhất Hàn-Trung và Liên đoàn Hội người Hoa ở hải ngoại tại Nam Hàn. Điều đáng chú ý là hai liên đoàn này đều là thành viên của Hiệp hội Thống nhất Hòa bình Trung Quốc (NACPU), một tổ chức tình báo bí mật trực thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Trung Quốc.

 

UFWD từ lâu đã xâm nhập mạnh mẽ vào Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan và các nước phương Tây nhằm can thiệp vào các hoạt động chính trị và kinh tế ở những nơi này. Chiến thuật của họ bao gồm dụ dỗ, hối lộ, đe dọa và uy hiếp giới tinh hoa, tài phiệt và người nổi tiếng trong và ngoài nước để phục vụ ĐCSTQ.

 

Vào tháng 10/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác định NACPU do UFWD kiểm soát là cơ quan nước ngoài theo Đạo luật Phái đoàn Nước ngoài (Foreign Missions Act).

 

 

Đạo luật này yêu cầu các tổ chức đại diện cho lợi ích nước ngoài hoặc tham gia vào các hoạt động chính trị phải tiết lộ thông tin về mối quan hệ của họ với chính phủ nước ngoài, các hoạt động cụ thể và nguồn tài trợ.

 

 

Sự can thiệp tiềm ẩn của ĐCSTQ vào cuộc bầu cử Nam Hàn

 

Với ảnh hưởng xuyên quốc gia và chiến lược tuyên truyền tinh vi, ĐCSTQ có khả năng cao can thiệp vào các cuộc bầu cử sắp tới của Nam Hàn.

 

Chuyên gia Bruce Klingner thuộc Quỹ Di sản (Heritage Foundation), một tổ chức nghiên cứu chính sách uy tín của Hoa Kỳ, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này. Báo cáo gần đây của ông Klingner chỉ ra rằng hệ thống bầu cử, an ninh mạng và pháp lý của Nam Hàn có những điểm yếu dễ bị lợi dụng bởi các hoạt động tình báo của ĐCSTQ.

 

Ông Klingner dự đoán Bắc Kinh sẽ thực hiện các chiến lược can thiệp tinh vi nhằm tác động đến dư luận Nam Hàn trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, bao gồm cuộc bầu cử Nghị viện vào tháng 4/2024 và bầu cử Tổng thống vào năm 2027. Mục tiêu của họ là ủng hộ các ứng cử viên có quan điểm chính sách ủng hộ hoặc ít nhất là không gây bất lợi cho Trung Quốc.

 

Để ngăn chặn điều này, ông Klingner đề nghị Nam Hàn đóng cửa các Viện Khổng Tử và các đồn cảnh sát bí mật của Trung Quốc. Những tổ chức này đã được sử dụng để lan truyền thông tin sai lệch, tác động đến dư luận và chính sách tại Nam Hàn.

 

Ông Klingner cho rằng Nam Hàn nên giải tán tất cả các tổ chức do chính phủ Trung Quốc tài trợ đang lan truyền tuyên truyền và thông tin sai lệch, hạn chế tự do học thuật, hạn chế tranh luận trí thức, và thực hiện các hoạt động cưỡng chế thực thi pháp luật bất hợp pháp nhằm vào công dân Trung Quốc tại Nam Hàn

 

Chính phủ Nam Hàn dưới thời Tổng thống Yoon Suk-Yeol đang rất cảnh giác trước những chiến lược thao túng của ĐCSTQ nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử Nghị viện Nam Hàn.

 

Tháng 11 năm 2022, Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn (NIS) cáo buộc hai công ty Trung Quốc điều hành 38 trang web giả mạo các hãng truyền thông Nam Hàn. Mục đích của các trang web này là lan truyền thông tin thân Trung Quốc và chống Mỹ, nhằm can thiệp vào dư luận Nam Hàn.

 

 

Dự Luật Gián Điệp

 

Tuy nhiên, Nam Hàn đang gặp khó khăn trong việc áp dụng luật pháp cho trường hợp này. Luật hình sự hiện hành chỉ định nghĩa gián điệp là "hành vi tiết lộ bí mật quân sự cho kẻ thù", và theo luật của Tòa án Tối cao, chỉ Bắc Hàn được coi là "quốc gia thù địch". Do đó, không có cơ sở pháp lý để xử phạt các hoạt động gián điệp của các quốc gia khác, đặc biệt là khi chúng nhắm vào bí mật nhà nước ngoài bí mật quân sự.

 

Kể từ năm 2021, các nhà lập pháp Nam Hàn đã thúc đẩy việc sửa đổi Luật Gián điệp nhằm khắc phục những thiếu sót của luật hình sự hiện hành. Mục tiêu chính của dự luật là tăng mức án đối với tội danh gián điệp và mở rộng phạm vi đối tượng bị xử lý.

 

Năm 2023, các thành viên của Đảng Quyền lực Quốc dân (NPP) cầm quyền đã đệ trình dự luật về đăng ký đại diện nước ngoài lên Nghị viện, cơ quan sắp mãn nhiệm. Nghị viện mới sẽ được bầu vào tháng Tư.

 

Ông Han Min-ho, cựu quan chức chính phủ Nam Hàn, người sáng lập và chủ tịch của tổ chức CUCI (Citizens for Unveiling Confucius Institutes), cho biết Đảng Dân chủ, đảng đối lập thân ĐCSTQ lớn nhất nắm đa số ghế tại Nghị viện Nam Hàn.

Ông Han Min-ho nhấn mạnh rằng để ngăn chặn sự can thiệp và bạo lực của ĐCSTQ vào các vấn đề nội bộ và chủ quyền của Nam Hàn, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Nghị viện mới "là thông qua dự luật Luật Gián điệp, dự luật này sẽ mở rộng hình phạt cho tội gián điệp từ chỉ dành cho Bắc Hàn sang các quốc gia thù địch khác".

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net; Huyền Anh biên dịch)