Ảnh từ Shutterstock và chụp màn hình Youtube của kênh Full Measure with Sharyl Attkisson và Medical Research Council

 

 

 

 

 

70% công ty nước ngoài cân nhắc rời Trung Quốc

 Theo Sound of Hope,  trong những năm gần đây, có nhiều công ty nước ngoài đã tăng tốc rút khỏi Trung Quốc, chẳng hạn như Philips, Samsung, Nokia, Epson, Sony, Seagate, Omron, Citizen. Ngay cả Dongdian, một nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã đóng cửa nhà máy tại nội địa để chuyển dây chuyền sang Việt Nam, Ấn Độ và một số khu vực khác. Kể từ khi căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung leo thang, xu hướng tách rời giữa hai cường quốc đã trở nên không thể đảo ngược. Theo khảo sát mới nhất của ngân hàng Standard Chartered, khoảng 70% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoặc đang có ý định chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

 

 

 

Ảnh: Shutterstock

 

 

 

Cụ thể, theo kết quả cuộc khảo sát năm 2020 của Tập đoàn Standard Chartered ở Khu vực Vịnh Lớn ở Đại lục, một khu vực gồm Quảng Đông-Hồng Kong-Macau, 43% công ty được khảo sát đang xem xét chuyển dịch năng lực sản xuất ra khỏi đại lục do mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, đi kèm một sự chia cắt không thể đảo ngược giữa hai quốc gia trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán. Ngoài ra, gần 25% công ty được khảo sát cũng đang xem xét việc tái chuyển dịch vì nhiều lý do. Như vậy, tổng cộng có gần 70% công ty được khảo sát đang xem xét chuyển năng lực sản xuất ra khỏi đại lục.

 

 

Theo quan sát của ngân hàng Standard Chartered, quyết định này chủ yếu nhằm thoát khỏi chiến lược chuỗi cung ứng tập trung quá mức vào một thị trường đơn lẻ trong quá khứ. Dưới tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán, thật rất khó để thích ứng với môi trường toàn cầu đang thay đổi chóng mặt từng ngày. Các công ty đang phải xem xét lại bố cục chuỗi cung ứng của mình. Ngoài việc cắt giảm chi phí, cũng cần ngăn chặn cuộc khủng hoảng đứt gãy chuỗi cung ứng tiềm tàng.

 

 

Theo khảo sát, Việt Nam hiện là điểm đến phổ biến nhất trong việc tái phân bổ dây chuyền sản xuất, chủ yếu do năng lực sản xuất đa dạng và lợi thế lao động ở nước này.

 

 

Trước đó vào ngày 25 tháng 10, Chủ tịch kinh doanh hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers của Mỹ Tim Ryan đã tuyên bố rằng, bất kể kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 là như thế nào, các công ty Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chuyển dịch chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc đại lục.    Và vì thế , các nước Đông Nam Á, Mexico và Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi từ điều này.

 

 

PricewaterhouseCoopers đã phỏng vấn 578 giám đốc điều hành công ty Mỹ và phát hiện ra rằng trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, việc các công ty Hoa Kỳ rút chuỗi cung ứng khỏi đại lục đã trở thành tâm điểm của giới kinh doanh; đặc biệt sau khi dịch bệnh bùng phát, tầm quan trọng của vấn đề rủi ro chuỗi cung ứng lại chỉ tăng không giảm, thậm chí lại còn thăng cấp lên rất cao. 

 

 

 

 

 

Nghiên cứu: Covid-19 khiến hệ miễn dịch tự tấn công tế bào người bệnh

 Theo The Epoch Times, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng Virus viêm phổi Vũ hán có thể khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân tấn công các mô trong cơ thể của chính họ.

 

 

Matthew Woodruff, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, viết trong cảnh báo khoa học như sau:

“Chúng tôi mô tả phát hiện đáng báo động rằng ở những bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán nặng nhất, việc sản xuất tự kháng thể là khá phổ biến – một phát hiện có tác động lớn đến việc chăm sóc bệnh nhân cấp tính và phục hồi sau lây nhiễm”.

 

 

Tự kháng thể là một loại kháng thể trong hệ miễn dịch tấn công các tế bào và phân tử của chính người đó, đồng thời gây ra một số chứng bệnh tự miễn dịch.

 

 

Ông Woodruff cho biết một trong những khía cạnh của nghiên cứu là khám phá thêm về các kháng thể, và cụ thể hơn là các kháng thể tự phản ứng, vốn sẽ nhắm mục tiêu tấn công vào các mô của những bệnh nhân mắc virus Vũ Hán bị ốm nặng thay vì nhắm vào các vi khuẩn gây bệnh thực sự.

 

 

 

 

 

Nghị sĩ Đảng Cộng hòa chất vấn Hội đồng đại học Mỹ về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc

 Theo The Epoch Times,  một nhóm gồm bảy thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang yêu cầu Hội đồng Cao đẳng Mỹ College Board giải thích vai trò của mình trong chiến dịch tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm vào hệ thống giáo dục tiểu học của Mỹ.

 

 

College Board là một tổ chức chuyên phát triển và quản lý các bài kiểm tra tiêu chuẩn và chương trình giảng dạy tại các cấp ở Mỹ.

 

 

Trong một bức thư đề ngày 26 tháng 10 gửi đến Giám đốc điều hành College Board David Coleman, các thượng nghị sĩ đã yêu cầu công ty giáo dục có trụ sở tại New York này làm rõ các mối quan hệ đối tác với Hanban, một cơ quan của chính phủ Trung Quốc phụ trách giám sát các Viện Khổng Tử trên toàn cầu, bao gồm 75 viện ở Mỹ. Vào tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ định trụ sở chính của Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ là một phái bộ nước ngoài, mô tả nó là “một thực thể thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền và gây ảnh hưởng ác ý toàn cầu của Bắc Kinh đối với các cấp học từ tiểu học đến đại học của Mỹ”.

 

 

Trích dẫn một báo cáo tháng 8 từ Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS), các thượng nghị sĩ bày tỏ lo ngại rằng mối quan hệ kéo dài hàng thập niên giữa College Board và Hanban có thể kiến tạo một cửa ngõ để Bắc Kinh gây ảnh hưởng đến tâm trí thanh niên Mỹ. College Board đã làm việc với Hanban ít nhất từ ​​năm 2003 để phát triển kỳ thi Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc Xếp lớp Nâng cao (AP), đây vẫn là một trong những chương trình AP phổ biến nhất bằng ngoại ngữ. Trong năm 2019 có khoảng 13.000 học sinh Mỹ tham dự kỳ thi này.

 

 

 

 

 

 

Dân Thái biểu tình chỉ trích hoàng gia tiêu xài hoang phí tại Bangkok

 Theo Reuters,  người biểu tình Thái Lan đã xuống đường chỉ trích việc chi tiêu hoang phí của Vua Thái Maha Vajiralongkorn. Họ cũng tổ chức một “buổi trình diễn thời trang” nhái lại và chế giễu các thành viên hoàng tộc tại một cuộc biểu tình ở Bangkok hôm thứ Năm (29/10), thu hút hàng nghìn người đến xem.

 

 

Trong buổi trình diễn, những người biểu tình đã bước trên thảm đỏ và đả kích hoàng gia. Buổi diễn diễn ra cùng ngày ra mắt bộ sưu tập thời trang mới của một trong những cô con gái của nhà vua, một nhà thiết kế.

 

 

Các diễn giả tại cuộc biểu tình đã chỉ trích các khoản chi tiêu lãng phí của hoàng gia vào thời điểm nền kinh tế vốn dựa vào du lịch của Thái Lan đang chịu tác động lớn trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán. 

 

Trưởng nhóm sinh viên biểu tình anh Jutatip Sirikhan nói với đám đông “Sẽ không có vấn đề gì nếu đây không phải là tiền [thuế] của người dân chúng tôi”.

 

Những người biểu tình đã kêu gọi cải cách chế độ quân chủ để giảm bớt quyền lực của nhà vua. Họ cũng yêu cầu đảo ngược những thay đổi trong luật pháp cho phép nhà vua kiểm soát một số đơn vị quân đội và khối tài sản cung điện trị giá hàng chục tỷ đô la.

 

 

 

 

 

Quan chức quân đội Trung-Mỹ thảo luận xử lý khủng hoảng truyền thông

 Theo Reuters,  các chỉ huy quân sự Trung Quốc và Mỹ vừa tổ chức các cuộc đàm phán về chủ đề truyền thông khủng hoảng trong tuần, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường quân sự ở Biển Đông gia tăng trong năm nay. Trong buổi họp, phía Mỹ đã bác bỏ báo cáo về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tiềm năng.

 

 

Cuộc trao đổi diễn ra trong khi chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc bầu cử thổng thống Mỹ. Cuộc trao đổi này diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper có chuyến công du châu Á với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Tại đây ông đã kêu gọi các nước hợp tác với Mỹ để đối đầu với các mối đe dọa an ninh do Trung Quốc gây ra, một quan điểm mà Trung Quốc chỉ trích là tâm lý Chiến tranh Lạnh và tư duy tổng bằng không.

 

 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) cho biết quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp video về truyền thông khủng hoảng vào ngày 28-29 tháng 10 vừa qua.

 

 

Theo ông Ngô, ông Esper đã bác bỏ thông tin trên báo chí về việc Hoa Kỳ đang nghiên cứu kế hoạch tấn công các đảo và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông bằng máy bay không người lái MQ-9 trong trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho ra kết quả bất lợi đối với Tổng thống Trump.

 

 

 

 

 

Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài sáu tháng để đối phó đại dịch

 Theo Reuters,  Tây Ban Nha sẽ được đặt trong tình trạng khẩn cấp cho đến đầu tháng 5, cho phép các khu vực ở đất nước xứ bò tót cơ sở pháp lý để ban bố lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch viêm phổi Vũ Hán.

 

 

Tây Ban Nha là một trong những điểm nóng COVID-19 tồi tệ nhất ở châu Âu, với hơn 3 triệu ca nhiễm.

 

 

Tuy nhiên, một số người lo lắng về hậu quả ở một đất nước đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến cuối những năm 1930.

 

 

Angela Suarez, cư dân Madrid, một đầu bếp đang bị giảm giờ làm do đại dịch cho biết: “Điều này dường như vượt quá sức chịu đựng của tôi, mọi người không thể chịu đựng được”.

 

“Chúng tôi không biết phải làm gì. Và chúng tôi phải trả tiền thuê nhà và hóa đơn, chúng tôi đang suy nghĩ không biết phải làm gì?”

 

 

Chính phủ Tây Ban Nha cho biết lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và những hạn chế di chuyển trên cả nước là điều không thể tránh khỏi.

 

 

Bộ trưởng Y tế Salvador Illa phát biểu trước quốc hội: 

“Chúng tôi hiểu rằng người dân cảm thấy mệt mỏi sau nhiều tháng nỗ lực và hy sinh, vì không thể làm những gì họ từng làm trước đây, ví như ôm mọi người, gia đình và bạn bè”.

 

“Nhưng giờ không phải lúc để nới lỏng các biện pháp phong tỏa, chúng ta còn những tuần và tháng rất khó khăn ở phía trước”.

(Theo dkn.tv)