Ngoại trưởng Philippines có tuyên bố mạnh về Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin Jr. hôm thứ Năm tuyên bố rằng “cái gì của chúng tôi là của chúng tôi” đối với phần lãnh thổ đang tranh chấp trên Biển Đông, theo Global Nation.

 

Ông Teodoro đưa ra tuyên bố này sau khi Bắc Kinh hoan nghênh việc Tổng thống Philippines Duterte hôm thứ Hai (3/8) “ra lệnh” cấm Hải quân Philippines tham gia các cuộc tập trận với hải quân nước ngoài trên Biển Đông.

 

Ông Uông Văn Bân, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba (4/8) nói rằng Bắc Kinh đánh giá cao quyết định nói trên của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, hôm nay trên Twitter, ông Teodoro viết rằng ông Uông đang “suy diễn quá xa” về một “chỉ thị đơn giản” của Tổng thống Duterte.

 

Ông Locsin nói rằng lập trường của Philippines về Biển Đông là “nhất quán và rõ ràng”, và “Cái gì của chúng tôi là của chúng tôi theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, và không ai có thể khiến chúng tôi thay đổi thái độ”.

 

 

Nhật đang tăng cường năng lực để đối đầu Trung Quốc

Nhật Bản trong những năm gần đây đã tăng cường tiềm lực quân sự để bảo vệ các hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông, một báo cáo mới của chuyên gia Mỹ đánh giá, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng biển này, theo SCMP.

 

Phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho thấy Tokyo đã nâng cấp radar, tăng cường thu thập thông tin tình báo và tuần tra Quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, đồng thời triển khai tên lửa để bảo vệ quần đảo đang tranh chấp này.

 

“Lực lượng hải quân Trung Quốc được triển khai xung quanh Senkaku đã trở nên có thực lực và hung hăng hơn”, báo cáo của CSIS viết hôm thứ Tư. “Phản ứng lại, Nhật đang nâng cấp khả năng tự vệ bằng hệ thống tên lửa tại đảo Ryukyus, hoặc quân đảo Tây Nam gần đó”.

 

 

Bắc Kinh cản trở sinh viên Trung Quốc tới Đài Loan học

Hội đồng Quan hệ Đại lục (MAC) của Đài Loan đã bác bỏ các cáo buộc của chính quyền Trung Quốc rằng vì lý do chính trị chính quyền hòn đảo đang ngăn không cho sinh viên Đại lục tới học, theo Taiwan News.

 

MAC nói rằng, ngược lại, chính Bắc Kinh mới là lực lượng đang ngăn cấm sinh viên Trung Quốc tới Đài Loan.

 

Theo một thông cáo báo chí của MAC hôm thứ Tư, chính quyền Trung Quốc đã từ chối đề nghị được tới Đài Loan học tập của sinh viên Đại Lục. Giới chức Trung Quốc làm vậy vì không đồng ý với việc các trường đại học ở Đài Loan đã sử dụng từ “quốc gia” trong các tài liệu của trường mà sinh viên Trung Quốc muốn tới học.

 

 

Indonesia hỗ trợ 2,15 tỷ cho người dân trong mùa dịch

Jakarta có kế hoạch hỗ trợ 2,15 tỷ đô là tiền mặt cho 13,8 triệu công nhân theo gói kích thích tiêu dùng trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Reuters dẫn nguồn từ các quan chức Indonesia.

 

Theo đó, các công nhân có mức thu nhập dưới 5 triệu rupiah (tương đương 343,64 đô la) sẽ nhận được mức hỗ trợ 41 đô là một tháng, bắt đầu thứ tháng Chín tới. Chính sách hỗ trợ này dự kiến kéo dài trong 4 tháng.

 

Chính phủ Indonesia hôm thứ Tư (5/8) cho hay, GDP của nước này đã giảm 5,32% trong quý hai do ảnh hưởng lớn từ mức tiêu dùng hộ gia đình vốn bị suy giảm rất nhiều vì đại dịch Covid. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tiêu dùng của các hộ gia đình ở Indonesia đã giảm 5,51%.

 

Ông Erick Thohir, Bộ trưởng các Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, nói  “Chính phủ nhắm mục tiêu tăng thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng hộ gia đình, đây là điều rất quan trọng để thúc đẩy và cải thiện chất lượng nền kinh tế”.

 

 

Bắc Hàn phê duyệt gói hỗ trợ thành phố phong tỏa vì Covid

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã ra lệnh hỗ trợ đặc biệt thành phố Kaesong, nằm giáp biên giới Hàn Quốc, đang bị phong tỏa vì dịch viêm phổi Vũ Hán, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Năm (6/8).

 

Tuần trước, Triều Tiên đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cho biết họ đã phong tỏa thành phố Kaesong vì có một kẻ “bỏ trốn” bị nghi nhiễm virus Vũ Hán trở về từ Hàn Quốc.

 

Nhiều chuyên gia nước ngoài cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Triều Tiên lần này có thể gây hậu quả nghiêm trọng vì quốc gia bí ẩn này có điều kiện kinh tế và y tế yếu kém.

(Theo dkn.tv)