(Ảnh: nghiencuuquocte.org)
Nguồn: Ju Hyung Kim, “What Would Be Japan’s Role in a New Korean War?”, War on the Rock, 03/08/2024
Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương (nghiencuuquocte.org)
Trong bối cảnh Bắc Hàn tiếp tục phát triển năng lực vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa, nguy cơ Trung Quốc xâm lược Đài Loan, cùng với các phản ứng quân sự của Mỹ, đang chi phối các cuộc thảo luận về an ninh Đông Á, việc thành lập Khung hợp tác an ninh ba bên (Mỹ – Nam Hàn – Nhật Bản) gần đây đã làm dấy lên câu hỏi liệu nó có bao gồm các kế hoạch hành động chi tiết cho các tình huống bất ngờ trong khu vực, chẳng hạn như xung đột toàn diện đồng thời trên Bán đảo Triều Tiên và Eo biển Đài Loan hay không. Với các chi tiết cụ thể của Khung hợp tác an ninh ba bên vẫn còn được giữ bí mật, và sự không chắc chắn về việc liệu nó có phát triển thành một tổ chức tương đương NATO ở Đông Á (Tổ chức Hiệp ước châu Á – Thái Bình Dương, một khái niệm do Tổng thống Nam Hàn, Park Chung-hee, đề xuất vào những năm 1960 nhưng chưa bao giờ được hiện thực hóa), vẫn chưa rõ ba nền dân chủ lớn trong khu vực – Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn – sẽ cùng nhau ứng phó với những cuộc khủng hoảng như vậy như thế nào.
Trong thời kỳ hậu chiến, an ninh ở Viễn Đông chủ yếu được bảo đảm bởi hai liên minh phòng thủ song phương: Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Nam Hàn và Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật Bản. Trong khi hiệp ước Mỹ-Hàn được thiết kế để bảo vệ Nam Hàn trước sự xâm lược của Bắc Hàn, thì hiệp ước Mỹ-Nhật nhằm mục đích bảo vệ Nhật Bản khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc không có hiệp ước an ninh giữa Nhật Bản và Nam Hàn đã khiến mối liên kết giữa hai nước – mắt xích quan trọng trong mối quan hệ ba bên – đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trong nước, đặc biệt là các tranh chấp lịch sử. Do đó, khuôn khổ hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và Nam Hàn phải liên tục được định hình và tái định hình lại bởi các nhà lãnh đạo chính trị của cả hai bên trong suốt thời kỳ hậu chiến.
Tuy nhiên, dựa trên nghiên cứu của tôi, được trình bày chi tiết trong luận án tiến sĩ “Đóng góp an ninh của Nhật Bản cho Nam Hàn, từ năm 1950 đến năm 2023”, hai nước đã thể hiện mức độ hợp tác an ninh đáng kể trong suốt thời kỳ hậu chiến, ngay cả khi không có liên minh quân sự chính thức. Ví dụ, trong Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên, Nhật Bản đã có những đóng góp đáng kể cho an ninh của Nam Hàn mặc dù khi đó chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Nam Hàn. Với bối cảnh này, tôi muốn tập trung khám phá vai trò của Nhật Bản trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản có thể thực hiện những hành động nào trong cuộc khủng hoảng như vậy, và có thể cung cấp những loại hỗ trợ an ninh nào cho Nam Hàn?
Để giải quyết những câu hỏi này, trước tiên tôi xem xét tiền lệ lịch sử về các hành động của Nhật Bản trong Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên, đây vẫn là trường hợp duy nhất về một cuộc chiến tranh toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ hậu chiến. Thứ hai, tôi phân tích sự phát triển lập pháp gần đây của Nhật Bản và kết hợp những hiểu biết sâu sắc từ các cuộc phỏng vấn tôi đã thực hiện với hơn 20 chuyên gia an ninh Nhật Bản, bao gồm Akiyama Masahito, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và Michishita Narushige, Phó chủ tịch Viện Nhiên cứu Chính sách Quốc gia, cũng như các quan chức từ Lực lượng Phòng vệ. Nhìn chung, bài viết này trình bày tổng quan về những hành động mà Nhật Bản có thể và có khả năng thực hiện trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên vào năm 2024.
Nhật Bản trong chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên
Ngay sau khi quân đội Bắc Hàn vượt qua vĩ tuyến 38 vào sáng ngày 25 tháng Sáu năm 1950, họ đã sử dụng chiến thuật Blitzkrieg phiên bản của riêng mình, buộc quân đội Nam Hàn phải rút lui về tận Busan, ở phía đông nam bán đảo. Mặc dù Tổng thống Harry S. Truman tuyên bố vào ngày 27 tháng 6 năm 1950 rằng lực lượng Mỹ sẽ can thiệp dưới sự bảo trợ của nghị quyết Liên Hợp Quốc, nhưng Mỹ đã phải đối mặt với những thách thức do khoảng cách địa lý với Bắc Hàn và ảnh hưởng của việc cắt giảm vũ khí đáng kể sau CTTG II. Do đó, Mỹ cần xác định một căn cứ hậu cần lớn và khu vực tập kết để khai triển lực lượng của mình trong khu vực, và Nhật Bản nổi lên là ứng cử viên phù hợp nhất.
Do hạn chế về lãnh thổ để dành cho lực lượng Liên Hợp Quốc khai triển trong vành đai Busan, các cảng và cơ sở hạ tầng giao thông của Nhật Bản trở nên thiết yếu giúp vận chuyển thiết bị quân sự và vật tư phi quân sự từ Nhật Bản đến Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Sau CTTG II, các cảng của Nhật Bản, chẳng hạn như ở Yokohama, Kobe và Kitakyushu, đã được hồi sinh và sử dụng triệt để bởi quân đội Mỹ để vận chuyển quân đội, vũ khí và vật tư. Việc cảng phía tây Nhật Bản, chẳng hạn như Moji và Shimonoseki, gần với Bắc Hàn đã khiến các trung tâm này trở nên đặc biệt quan trọng. Đặc biệt, vận tải đường biển là điều cần thiết để thực hiện các chiến dịch quân sự, chẳng hạn như cuộc đổ bộ Incheon vào tháng 9 năm 1950 và cuộc đổ bộ Wonsan vào tháng 10 cùng năm. Các thủy thủ đoàn Nhật Bản, hoạt động dưới sự chỉ huy của Mỹ thông qua Cơ quan Kiểm soát Vận tải Hải quân cho Lực lượng tàu buôn Nhật Bản, đã vận chuyển hàng nghìn binh lính Mỹ và Liên Hợp Quốc cùng với số lượng lớn vật tư quân sự. Tàu của Nhật Bản cũng chịu trách nhiệm sơ tán quân đội Liên Hợp Quốc và thường dân Bắc Hàn trong cuộc di tản Hungnam vào tháng 12 năm 1950, chiến dịch đã vận chuyển an toàn 17.500 xe, 105.000 binh sĩ và 91.000 thường dân.
Năng lực công nghiệp của Nhật Bản là một thành phần quan trọng khác trong nỗ lực chiến tranh của Liên Hợp Quốc. Sau khi phần lớn hạ tầng cơ sở của Bắc Hàn bị phá hủy trong chiến tranh, Nhật Bản đã trở thành địa điểm chính để sửa chữa, tân trang và nâng cấp thiết bị quân sự thông qua Chiến dịch Rollup. Sáng kiến này, được khởi động vào năm 1947, nhằm mục đích tái tạo thiết bị quân sự dư thừa còn sót lại ở Nhật Bản và Thái Bình Dương sau CTTG II. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1950, các nhà máy Nhật Bản đã tái tạo 15.000 xe đa dụng, 489.000 các loại vũ khí hạng nhẹ và 1.418 khẩu pháo để sử dụng trong chiến tranh. Đến cuối cuộc chiến, Nhật Bản đã sửa chữa hoặc xây dựng lại 65% số xe quân sự được sử dụng ở Bắc Hàn. Công nhân Nhật Bản, dưới sự giám sát của quân nhân Mỹ, đã tân trang xe tăng, pháo binh và các thiết bị khác đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Busan và các trận chiến đầu tiên. Các xe tăng M-4A3 Sherman, ban đầu được đưa vào Nhật Bản thông qua Chiến dịch Rollup, đã được nâng cấp và mang lại cho lực lượng Liên Hợp Quốc hỏa lực rất cần thiết để chống lại lực lượng Bắc Hàn. Máy bay cũng được sửa chữa và nâng cấp tại Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Aircraft đã tân trang các loại máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Mỹ như B-29, F-51 và F-80. Những chiếc máy bay này, rất quan trọng đối với các hoạt động trên không của Mỹ ở Bán đảo Triều Tiên, đã được trang bị thêm hệ thống nhiên liệu và vũ khí cải tiến. Chương trình cải tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì ưu thế trên không của Mỹ trong suốt cuộc chiến.
Một trong những hoạt động đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản trong Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên là rà phá bom mìn. Bắc Hàn, được hỗ trợ chuyên môn bởi Liên Xô, đã đặt hàng nghìn quả thủy lôi xung quanh các cảng trọng yếu để ngăn chặn các hoạt động hải quân của Liên Hợp Quốc. Do khả năng rà phá bom mìn hạn chế của Hải quân Mỹ – vốn đã cắt giảm mạnh hạm đội của mình sau CTTG II – các tàu và đội rà phá bom mìn giàu kinh nghiệm của Nhật Bản là không thể thiếu. Tổng cộng 46 tàu rà phá bom mìn của Nhật Bản và hơn 1.200 cựu nhân viên Hải quân Đế quốc đã được khai triển để dọn sạch các tuyến đường biển xung quanh các cảng của Bắc Hàn như Incheon, Wonsan và Gunsan. Những nỗ lực này đã cho phép tàu của Liên Hợp Quốc đi lại an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổ bộ quan trọng như cuộc đổ bộ Incheon vào tháng 9 năm 1950. Việc dọn sạch thủy lôi cũng bảo vệ việc vận chuyển quân đội và vật tư, bảo đảm thành công của các chiến dịch quân sự và duy trì ưu thế hải quân của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản đã được sử dụng rộng rãi làm bàn đạp cho các hoạt động trên không, trên biển và trên bộ của Liên Hợp Quốc. Các căn cứ như Căn cứ Không quân Itazuke và Căn cứ Không quân Kadena rất quan trọng đối với ưu thế trên không của Mỹ trong Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên. Máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Mỹ hoạt động từ các sân bay của Nhật Bản, thực hiện các nhiệm vụ chống lại lực lượng Bắc Hàn và Trung Quốc. Ví dụ, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các máy bay ném bom B-29 từ Nhật Bản đã tiến hành các chiến dịch ném bom nhằm vào các cơ sở quân sự của Bắc Hàn.
Tóm lại, những đóng góp về hậu cần và hoạt động của Nhật Bản trong Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên là điều cần thiết cho sự thành công của lực lượng Liên Hợp Quốc. Thông qua vận tải, sửa chữa thiết bị, rà phá bom mìn và huấn luyện, Nhật Bản đã đóng một vai trò đa dạng vượt xa việc chỉ cung cấp căn cứ. Mặc dù Nhật Bản không chính thức khai triển quân đội dưới cờ Liên Hợp Quốc, nhưng những đóng góp an ninh của nước này đã được các nhân vật chủ chốt như Tướng Douglas MacArthur, Tướng Matthew Ridgway và Đô đốc Arleigh Burke, những người đã chứng kiến tận mắt Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên, đánh giá cao.
Vậy còn cuộc chiến Nam-Bắc Triều Tiên kế tiếp sẽ ra sao?
Sự can dự của Nhật Bản trong một cuộc Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên thứ hai có thể sẽ rộng hơn. Nhật Bản sẽ đóng một vai trò hỗ trợ quan trọng cùng với Mỹ, tập trung vào phòng thủ hỏa tiễn, an ninh hàng hải và hỗ trợ hậu cần. Sự tham gia của Nhật Bản vào một cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ loại trừ các hoạt động chiến đấu trực tiếp do những nhạy cảm chính trị và hạn chế pháp lý. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ cung cấp hỗ trợ đáng kể về hoạt động chiến dịch và hậu cần thông qua các hoạt động khác nhau. Ngoài hướng dẫn quốc phòng Mỹ-Nhật Bản năm 2015, cái nhìn sâu sắc đáng tin cậy nhất về các hành động tiềm năng của Nhật Bản trong tình huống bất ngờ ở Bắc Hàn được tìm thấy trong Kế hoạch Tác chiến 5055. Mặc dù kế hoạch này được giữ bí mật, nhưng một số chi tiết đã được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông.
Kế hoạch Tác chiến 5055, được phát triển như một bản nâng cấp cho Kế hoạch Khái niệm 5055 sau vụ thử nguyên tử đầu tiên của Bắc Hàn vào năm 2006, là một chiến lược phòng thủ toàn diện của Mỹ-Nhật Bản được thiết kế để giải quyết các tình huống bất ngờ tiềm ẩn của Bắc Hàn. Kế hoạch này chia các kịch bản thành hai loại: đầu tiên là Nhật Bản cung cấp hỗ trợ mà không phải đối mặt với một cuộc tấn công trực tiếp, và một kịch bản còn lại là Nhật Bản bị tấn công trực tiếp, đặc biệt là bằng hỏa tiễn đạn đạo. Kế hoạch vạch ra sự hợp tác chi tiết giữa lực lượng Mỹ và Nhật Bản trong các lĩnh vực như nhận thức tình huống, hậu cần, chỉ huy và kiểm soát, và phòng thủ hỏa tiễn. Nó bao gồm các biện pháp cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ các căn cứ và cảng của Mỹ, và các hoạt động hỗ trợ hậu phương có sự tham gia của chính quyền địa phương.
Trong trường hợp kịch bản thứ hai xảy ra, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo của Nhật Bản sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn. Với khả năng phóng hỏa tiễn nhắm vào không chỉ Nam Hàn mà cả các khí tài và lãnh thổ quân sự của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như Guam và Hawaii, các tàu khu trục được trang bị Aegis và các thiết bị đánh chặn trên bộ của Nhật Bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh chặn các hỏa tiễn này. Khả năng phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo của Nhật Bản sẽ cung cấp thêm một lớp phòng thủ cho lực lượng và khí tài của Mỹ, bảo đảm hiệu quả hoạt động của họ trong tình huống bất ngờ ở Bắc Hàn. Điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu khả năng Bắc Hàn có thể gây chia rẽ giữa lực lượng Mỹ và Nam Hàn /Nhật Bản bằng cách đe dọa tấn công bằng vũ khí nguyên tử, từ đó làm suy yếu quyết tâm của liên minh.
Trong khi đó, Nhật Bản có thể sẽ điều động các tàu quét thủy lôi của mình đến vùng biển bán đảo Triều Tiên trong những kịch bản như vậy. Bắc Hàn được biết là đã khai triển hàng nghìn quả thủy lôi dọc theo bờ biển của mình. Những quả thủy lôi này sẽ gây ra mối đe dọa đáng kể cho các hoạt động hải quân của Mỹ và Nam Hàn trong trường hợp xảy ra xung đột. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có khả năng rà phá thủy lôi hiệu quả, như đã được chứng minh trong Cuộc tập trận Chống bom mìn Quốc tế 2013, và có thể sẽ được giao nhiệm vụ dọn sạch các tuyến đường biển trong và xung quanh Bán đảo Bắc Hàn. Hoạt động này sẽ rất quan trọng để bảo đảm việc vận chuyển an toàn lực lượng tăng viện và vật tư của Mỹ đến khu vực, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổ bộ ở Bắc Hàn nếu cần thiết.
Vai trò của Nhật Bản sẽ mở rộng sang chiến tranh chống máy bay, chống tàu ngầm và chống tàu mặt nước. Lực lượng không quân của Bắc Hàn, mặc dù tương đối lỗi thời, nhưng vẫn có thể gây ra mối đe dọa cho máy bay trinh sát và vận tải. Máy bay chiến đấu của Nhật Bản có thể giúp bảo vệ các khí tài trên không của Mỹ khỏi các máy bay đánh chặn của Bắc Hàn hoặc máy bay cố gắng xâm nhập không phận Nam Hàn hoặc Nhật Bản. Ngoài ra, hạm đội tàu ngầm của Bắc Hàn có thể cố gắng phá vỡ các tuyến liên lạc đường biển giữa Nhật Bản và Nam Hàn, vốn rất quan trọng đối với việc vận chuyển quân nhân và vật tư của quân đội Mỹ. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, với khả năng chống tàu ngầm tiên tiến, sẽ được giao nhiệm vụ vô hiệu hóa các tàu ngầm Bắc Hàn gây ra mối đe dọa cho các tuyến đường biển quan trọng này hoặc cho các tàu của Hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực.
Ngoài ra, với việc Nhật Bản đang trong quá trình có được khả năng phản công và có kế hoạch khai triển hỏa tiễn hành trình Tomahawk từ Mỹ vào năm 2027, khả năng mới này có thể được sử dụng để tấn công các địa điểm phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn hoặc các mục tiêu quân sự quan trọng khác trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ ở Bắc Hàn. Điều này sẽ phù hợp với “chuỗi tiêu diệt” của Nam Hàn, nhằm mục đích vô hiệu hóa các mối đe dọa hỏa tiễn của Bắc Hàn trước. Mặc dù khả năng phản công của Nhật Bản vẫn chưa hoạt động hết công suất, nhưng sự phát triển của nó báo hiệu một sự chuyển dịch sang tư thế phòng thủ chủ động hơn, một tư thế có thể tăng cường đáng kể nỗ lực của Mỹ và Nam Hàn trong việc vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của Bắc Hàn trong một cuộc xung đột.
Việc bảo vệ các Biên đội Tàu Tiền phương của Mỹ sẽ là một vai trò quan trọng khác của Nhật Bản. Các biên đội này, mang theo vật tư và thiết bị quân sự được bố trí sẵn, được đặt chiến lược tại các địa điểm như Guam và Okinawa. Trong giai đoạn đầu của một tình huống bất ngờ ở Bắc Hàn, các vật tư này có thể được khai triển nhanh chóng đến Nam Hàn, thậm chí có thể trước khi quyết định chính thức được đưa ra để gửi quân tiếp viện từ lục địa Mỹ. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ các tàu này khi chúng di chuyển đến Nam Hàn, bảo đảm việc khai triển nhanh chóng các khí tài quân sự thiết yếu đến chiến trường.
Hỗ trợ hậu cần của Nhật Bản, được tạo điều kiện thuận lợi thông qua Lực lượng Phòng vệ, sẽ là một thành phần quan trọng trong các hoạt động của Mỹ trong tình huống bất ngờ ở Bắc Hàn. Theo luật an ninh năm 2015 của Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ được phép cung cấp hỗ trợ hậu phương cho lực lượng Mỹ, bao gồm việc sử dụng các cảng và sân bay của Nhật Bản cho các hoạt động tiếp tế, hỗ trợ y tế và vận chuyển nhân sự. Vai trò của Nhật Bản trong việc duy trì chuỗi cung ứng và cung cấp hỗ trợ hậu cần, bao gồm việc tiếp nhiên liệu và bảo trì máy bay và tàu quân sự của Mỹ, sẽ giúp duy trì các hoạt động quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Nhật Bản có thể hỗ trợ sơ tán những người không tham chiến, bao gồm cả công dân Nhật Bản và có thể cả thường dân Mỹ, khỏi Nam Hàn.
Ngoài hỗ trợ liên quan đến chiến đấu, Nhật Bản có thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo trong tình huống bất ngờ ở Bắc Hàn. Điều này sẽ bao gồm các hoạt động tìm kiếm cứu nạn cho nhân sự Mỹ và đồng minh, cũng như kiểm tra tàu để bảo đảm tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn.
Mặc dù khả năng được nâng cao, đặc biệt là trong phòng thủ hỏa tiễn, rà phá bom mìn và hậu cần hậu phương, nhưng khả năng lực lượng mặt đất của Nhật Bản hoạt động trên đất Nam Hàn vẫn còn rất mong manh. Nam Hàn theo truyền thống đã phản đối sự hiện diện của lực lượng Nhật Bản trên lãnh thổ của mình do những nhạy cảm lịch sử, khiến chính phủ Nam Hàn khó có thể cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia vào các hoạt động chiến đấu trực tiếp trên bán đảo. Một số quan chức quân sự Nam Hàn mà tôi đã phỏng vấn lưu ý rằng, trong một tình huống cực đoan – chẳng hạn như lực lượng kết hợp Mỹ- Nam Hàn bị lực lượng Bắc Hàn tiêu diệt trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và buộc phải rút lui về phía nam hơn nữa – việc khai triển Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên đất Nam Hàn có thể trở nên không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, do những nhạy cảm chính trị, kịch bản này rất khó xảy ra.
Kết luận
Nếu Bắc Hàn phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Nam Hàn tại thời điểm này, họ nên lường trước sự can dự đa hướng của Nhật Bản, từ phòng thủ hỏa tiễn và an ninh hàng hải đến hỗ trợ hậu cần cho lực lượng Mỹ. Đóng góp của Nhật Bản có thể sẽ vượt qua vai trò của họ trong Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên, đặc biệt là với quyết định có được khả năng phản công và quyền thực hiện phòng thủ tập thể, được luật pháp năm 2015 cho phép. Do đó, Nhật Bản dự kiến sẽ cung cấp mức độ hỗ trợ hoạt động chưa từng có cho lực lượng Mỹ trong một cuộc Chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên thứ hai. Nếu ban lãnh đạo Bình Nhưỡng hiểu rõ điều này, họ có thể cố gắng tạo ra sự chia rẽ không chỉ giữa Mỹ và Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản, mà còn giữa Nhật Bản và Nam Hàn. Do đó, việc củng cố liên minh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn – và củng cố mắt xích yếu nhất, quan hệ Nhật Bản- Nam Hàn – là rất quan trọng.
Tiến sĩ Ju Hyung Kim là chuyên gia phân tích quốc phòng tại một tổ chức tư vấn quốc phòng Nam Hàn và hiện đang trong quá trình đưa luận án tiến sĩ của mình, có tựa đề “Đóng góp an ninh của Nhật Bản cho Nam Hàn, 1950 đến 2023,” (“Japan’s Security Contribution to South Korea, 1950 to 2023,”) thành một cuốn sách.
(nghiencuuquocte.org)