Thủ tướng Anthony Albanese nói chuyện với Tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Nguồn: AAP / WILLY KURNIAWAN / POOL/EPA

 

QUỐC TẾ - Thủ tướng Anthony Albanese xác nhận sẽ tới Trung Quốc trong năm nay và sẽ là nhà lãnh đạo Úc đầu tiên đến thăm đất nước này, kể từ ông Malcolm Turnbull vào năm 2016. Chuyến đi sẽ diễn ra sau khi có tiến triển về thuế quan thương mại, nhưng những điểm vướng mắc chính vẫn là việc giam giữ người Úc ở Trung Quốc. Với việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định bỏ qua hội nghị thượng đỉnh ASEAN, cuộc gặp đã được bảo đảm trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc tại Jakarta, trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

 

Thủ Tướng Anthony Albanese sẽ trở thành nhà lãnh đạo Úc đầu tiên, viếng thăm Trung Quốc kể từ năm 2016.

 

Cuộc họp được bảo đảm qua cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia, trong khi những lo ngại ngày càng tăng về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

 

Được biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định không tham dự hội nghị thượng đỉnh.

 

Tại một phòng họp ở Jakarta là nơi diễn ra một bước nhảy ngoại giao lớn, khi một cái bắt tay nhằm lên kế hoạch cho Chủ tịch Trung Quốc, qua sự bảo đảm với người đứng hàng thứ hai trong chính quyền Trung Quốc.

 

Được biết Thủ tướng Lý Cường bắt đầu bước ngoại giao quan trọng, bằng cách nhấn mạnh lịch sử chung của nước Úc và Trung Quốc.

 

Ông Lý Cường nói "Cả Trung Quốc và Úc đều là những quốc gia quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương và hai nước chúng ta đã có quan hệ tốt đẹp từ hơn nửa thế kỷ trước".

"Việc đánh giá lại các tương quan trong quá khứ cho thấy rằng, khi mối quan hệ của chúng ta tốt đẹp và lành mạnh, cả hai dân tộc đều có lợi và khi mọi thứ không diễn ra tốt đẹp, cả hai bên đều thua thiệt".

 

Ông Albanese đáp lời, bằng cách nhấn mạnh bản chất cùng có lợi của mối quan hệ, vốn đã được củng cố với các cuộc thảo luận gần đây.

Ông nói "Tôi được khích lệ qua những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được, kể từ khi tôi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bali".

"Tôi đồng ý với các bạn rằng, cả hai bên đều được hưởng lợi từ việc cải thiện quan hệ của chúng tôi".

"Mối quan hệ của chúng ta chắc chắn đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân của cả hai quốc gia, ví dụ mối quan hệ kinh tế sâu sắc của chúng ta trong nhiều thập niên, đã cho phép cả hai nước phát triển và tăng trưởng, nâng cao mức sống của người dân ở Trung Quốc cũng như ở Úc”.

 

Được biết cuộc gặp gỡ giữa ông Albanese và Chủ tịch Tập Cận Bình năm rồi, đã mang lại việc cải thiện thuế quan thương mại lên đến 20 tỷ Mỹ kim, mặc dù các mặt hàng như xuất khẩu rượu vang và tôm hùm vẫn phải chịu mức thuế quan trọng.

 

Trong khi đó vấn đề nhân quyền của các thỏa thuận này cũng được nhắc đến, với hai công dân Úc là ký giả Cheng Lei và tiến sĩ Yang Hengjun vẫn bị giam giữ ở Trung Quốc và 3 người Úc khác đối mặt với án tử hình ở Trung Quốc, vẫn còn là những chuyện cần đề cập đến.

 

Ông Albanese nói rằng, các cuộc đối thoại không tránh được các vấn đề nóng bỏng trong khu vực, chung quanh vấn đề nhân quyền và tranh chấp lãnh thổ.

Ông nói "Vâng, tôi đã nêu ra các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong".

"Chúng tôi không đi sâu vào mọi chi tiết của các cuộc họp được tổ chức ở đây".

"Tôi đã nói rằng tôi đã nêu ra các vấn đề nhân quyền, tôi cũng nêu ra các vấn đề là chủ đề thảo luận trong khu vực, bao gồm Đài Loan, bao gồm cả Biển Đông".

 

Trong khi đó Ngoại trưởng Penny Wong đã đề cập đến sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn với SBS News.

 

Bà Wong nói rằng, Úc muốn thấy Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được tuân thủ, trong đó quy định đầy đủ các quyền hạn, trách nhiệm và ranh giới, liên quan đến các yêu sách hàng hải.

"Nếu tất cả chúng ta đều muốn hòa bình, ổn định và thịnh vượng, thì việc tôn trọng các thỏa thuận quốc tế là rất quan trọng đối với điều đó".

 

Một ký giả hỏi "Úc sẽ yêu cầu Trung Quốc những điều kiện tiên quyết nào, liên quan đến mối quan hệ với bà Chung Lei, để nước Úc có thể thực hiện chuyến thăm cấp Thủ Tướng hay không ạ?"

Bà Penny Wong trả lời "Hãy nhìn xem, tôi không nghĩ rằng đó là một điều thông minh trong quan hệ quốc tế, để thiết lập các điều kiện tiên quyết cứng rắn một cách công khai, những gì tôi sẽ nói là điều này".

"Liên quan đến bà Cheng Lei và tiến sĩ Yang Jun, chúng tôi vẫn lo ngại về việc họ đang bị giam giữ, chúng tôi đã thay mặt người dân Úc đưa ra quan điểm rất rõ ràng rằng, chúng tôi muốn thấy bà Cheng Lei và tiến sĩ Yang Jun đoàn tụ với gia đình của họ”.

 

Với các cuộc tiếp xúc cả đêm lẫn ngày diễn ra bên lề các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, khi Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, vấn đề tranh chấp tại Biển Đông được đặt lên hàng đầu và trung tâm.

 

Trong khi đó Thủ tướng Lý Cường cảnh báo, về khả năng xảy ra một cuộc xung đột toàn cầu mới trong khu vực.

 

Ông Lý Cường nói "Để giải quyết những khác biệt, hiện nay điều rất quan trọng là phải phản đối việc chọn phe, phản đối sự đối đầu cuả các khối và chống lại một cuộc chiến tranh lạnh mới".

 

Đằng sau cánh cửa đóng kín, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được cho là đã mô tả các hành động hàng hải của Trung Quốc, là bất hợp pháp và khiêu khích.

 

Bài phát biểu công khai của Phó Tổng thống Harris, nhấn mạnh tương lai chung của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bà Kamala Harris nói "Mỹ có cam kết lâu dài đối với Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

"Chúng tôi là một cường quốc Thái Bình Dương đáng tự hào và người dân Mỹ có lợi ích sâu sắc, trong tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

"Chúng tôi chia sẻ mối quan hệ lịch sử và các giá trị chung, với nhiều người dân và quốc gia ở đây".

 

Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng, với việc các cường quốc toàn cầu gặp nhau để thảo luận về tương lai của khu vực, điều quan trọng là phải lắng nghe mối quan tâm của các quốc gia kém phát triển.

Ông Narendra Modi nói "Điều cần thiết là chúng ta phải xây dựng một trật tự thế giới hậu Covid, dựa trên các quy tắc và nỗ lực tập thể, vì phúc lợi của nhân loại, để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời khuếch đại tiếng nói của miền Nam Bán cầu, là vì lợi ích chung của chúng ta".

 

Là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh này, Indonesia đã tự đặt mình vào trung tâm của cuộc trò chuyện, về an ninh toàn cầu và kinh tế.

 

Cuộc khủng hoảng tài chính mà Bắc Kinh đang phải đối mặt, có thể tạo ra cơ hội về thương mại và phát triển lớn lao cho dân số đang bùng phát của đất nước Trung Quốc.

 

Tổng Thống Indonesia. Joko Widodo, đã kiên quyết về những gì đang bị đe dọa tại hội nghị.

Ông Joko Widodo nói "Tất cả chúng ta đều có cùng trách nhiệm không tạo ra xung đột mới, không tạo ra căng thẳng mới, không tạo ra chiến tranh mới".

"Đồng thời, chúng ta cũng có trách nhiệm hạ nhiệt căng thẳng đang gia tăng, sưởi ấm tình hình giá lạnh và tạo không gian cho các cuộc đối thoại nhằm thu hẹp sự khác biệt".

 

Trong khi đó đối với ông Albanese, chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng tới Bắc Kinh sau 7 năm và đã được xác nhận, sẽ diễn ra trong vòng vài tháng tới.

Ông Anthony Albanese nói "Tôi cũng xác nhận lời mời từ Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, tôi sẽ chấp nhận lời mời và sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay, vào thời điểm hai bên cùng đồng ý".